Con đường đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử (kỳ 1): Những người thổi hồn vào na Chi Lăng
Kinh tế - Ngày đăng : 13:12, 20/12/2021
Trên đây là chia sẻ của nhiều người nông dân trồng na ở xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn.
"Khoác lên na một tấm áo mới"
Trong những ngày cuối thu, khi vườn na đã thu hoạch hết, vợ chồng ông Mã Văn Lét và bà Nguyễn Thị Loan ở thôn Quán Thanh, xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn lại bắt tay vào công đoạn bón phân, tỉa cành và thụ phấn để đón na trái vụ. Thấy người lạ đến, bà Loan dừng tay đón khách bằng nụ cười phấn khởi dù vụ mùa vừa qua do bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 khiến cho việc tiêu thụ na không thuận lợi như những năm trước.
Theo như lời kể của ông Lét, lớn lên ông đã thấy cây na mọc trên các ngọn núi đá quê mình. Dù đất đai cằn cỗi, không ai tưới bón nhưng do hợp thổ nhưỡng, khí hậu nên na nơi đây vẫn phát triển xanh tốt.
"Khác xa so với trồng lúa, ngô và một số cây hoa màu khác dù được chăm rất công phu nhưng năng suất vẫn thấp. Điều đó khiến đời sống người dân ở đây gặp rất nhiều khó khăn, bởi vậy, cứ đến mùa na, người dân lại lên núi hái rồi đem ra chợ bán. Lúc đó, na được bán theo quả chưa được bán theo cân như bây giờ”, ông Lét kể.
Thấy được sức sống, năng suất và giá trị kinh tế cao của cây na, người dân chuyển hướng thay đổi cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, giống na ban đầu là na bở, hiệu suất kinh tế không cao như người dân kỳ vọng. Vì vậy, họ đã quyết định đưa giống na mới (na dai) để tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế.
“Cũng nhờ bước thay đổi bạo dạn, mà cuộc sống người dân quê tôi no ấm hơn. Con cái học hành đầy đủ, có tiền xây dựng nhà cửa, mua sắm đồ sinh hoạt trong gia đình tươm tất hơn”, bà Loan chia sẻ.
Xác định gắn bó lâu dài với cây na, gia đình ông Lét không ngừng cải tiến kỹ thuật trồng, chăm bón nhằm tăng hiệu quả, năng suất, hạn chế được sâu bệnh cho cây. Sau nhiều năm trồng theo lối truyền thống, gia đình ông Lét quyết định chuyển sang trồng na bằng phân bón hữu cơ và phân chuồng hoai mục.
“Trước khi đưa vào trồng chính thức, mình bắt đầu thử nghiệm trên các loại rau dùng trong gia đình. Trồng rau bằng phân hữu cơ thu lại năng suất cao, ít sâu bệnh và đặc biệt ngon hơn so với cách trồng như trước đây. Từ đó, mình suy ra cây na cũng vậy, nên trồng bằng phân hữu cơ và phân chuồng hoai mục, giá trị dinh dưỡng sẽ cao hơn. Đặc biệt, đất tơi xốp, hạn chế được lão hóa đất do dùng phân bón hóa học”, bà Loan nhấn mạnh.
Không chỉ dừng lại ở đó, khi ngành nông nghiệp tỉnh Lạng Sơn đưa công nghệ VietGap áp dụng cho các loại cây ăn quả trên địa bàn tỉnh năm 2016 thì gia đình ông Lét, bà Loan đã mạnh dạn làm thí điểm trên vườn na của mình. Kết quả mùa đầu thu hoạch na bằng công nghệ VietGap, quả to hơn, màu sắc, mẫu mã cũng đẹp hơn, đặc biệt là giá thành cao hơn na bình thường.
“Áp dụng công nghệ này, sâu bệnh giảm hẳn. Trước đây, na chỉ được thu hoạch một vụ thì giờ một năm được hai vụ, nhờ vậy mà thu nhập cũng tăng lên rất nhiều. Mấy năm nay, cứ đến mùa thu hoạch, thương lái xuống tận vườn nhà tôi thu mua, mừng lắm”, bà Loan phấn khởi chia sẻ.
Khách hàng mọi miền có thể tương tác được với chủ vườn
Khi cuộc sống ngày càng phát triển, cách tiêu dùng của khách hàng cũng khắt khe hơn. Bởi vậy, để nâng cao chất lượng nông sản, nhiều kỹ thuật, công nghệ trồng na an toàn như VietGap hay Cocop được đưa vào sản xuất.
Chị Nguyễn Thị Lý, Giám đốc hợp tác xã nông sản Chi Lăng, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn cho biết: “Chuyển từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang VietGap, phân khúc thị trường thể hiện rất rõ đối với na không áp dụng theo tiêu chuẩn nông nghiệp sạch, năng suất thấp, mẫu mã kém hơn kéo theo giá trị sản phẩm cũng thấp hơn”.
Để có những sản phẩm tốt, chất lượng cung cấp ra thị trường khẳng định được vị trí, thương hiệu của Na Chi Lăng, hàng năm, chị Lý cùng các thành viên trong hợp tác xã đã tuyên truyền và vận động người dân áp dụng tiêu chuẩn nông nghiệp sạch.
“Đứng ở vị trí người kinh doanh hay người tiêu dùng cũng cần những sản phẩm chất lượng. Bởi vậy, khi đưa ra thị trường, tôi luôn chọn sản phẩm tốt nhất để khách hàng đón nhận”, chị Lý trải lòng.
Cũng nhờ phương châm đó nên quá trình sản xuất và cung ứng ra thị trường, Na Chi Lăng không chỉ khẳng định được giá trị dinh dưỡng mà còn là sản phẩm an toàn, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Thế nhưng, hai năm nay, do làn sóng đại dịch covid-19 khiến na gặp không ít khó khăn và thách thức trong việc tiêu thụ và vận chuyển ở thị trường trong nước. Đặc biệt, khi na không thể xuất đi bằng đường tiểu ngạch sang Trung Quốc vì dịch khiến các thương lái Trung Quốc ngừng thu mua đã tác động rất lớn đến việc tiêu thụ cũng như giá cả.
Để giải được bài toán tiêu thụ, hợp tác xã nông sản Chi Lăng đã phối hợp với chính quyền và bà con nông dân lên “chiến thuật” tiêu thụ mới. Ngoài duy trì quan hệ với những thương lái lâu năm thì hợp tác xã luôn mở rộng tìm kiếm đối tác mới, đặc biệt mở thêm kênh bán hàng trên các sàn thương mai điện tử.
Chị Lý đánh giá: “Khi đưa na lên sàn thương mại điện tử sẽ giúp cho sản phẩm tăng tính quảng bá, tuyên truyền thương hiệu của mình ở diện rộng. Ngoài ra, không riêng gì gian hàng của hợp tác xã mà chính mỗi hộ gia đình sẽ có một gian hàng trên sàn thương mại điện tử để quảng bá vườn na và sản phẩm của mình. Với hình thức bán hàng qua sàn thương mại điện tử, khách hàng trên mọi miền có thể tương tác với các chủ vườn”.
Từ góc độ của một người dân, bà Loan chia sẻ: “Khi nghe phổ biến đưa na lên sàn thương mại điện tử, mình cũng chưa biết được nhiều. Nhưng nhìn sản phẩm của mình được quảng bá trên mạng mình thấy mừng. Người dân cả nước có thể biết đến vườn na của mình, biết được các công đoạn sản xuất để ra qua na như thế nào”.
Đứng ở góc độ người có kinh nghiệm nhiều năm về cung ứng cũng như tìm các đầu mối tiêu thụ na, chị Lý chia sẻ: “Bản thân tôi nhận thấy hiệu ứng của sản phẩm khi mang lên sàn thương mại điện tử rất tốt. Tuy nhiên, vẫn nên duy trì song song cả hai hình thức bán hàng truyền thống và sàn thương mại điện tử. Hai kênh này sẽ bổ trợ cho nhau cùng phát triển”.
Song hành với những thuận lợi, người dân cũng thẳng thắn chỉ ra những khó khăn mà năm đầu tiên khi bán na trên sàn thương mại điện tử như: Chi Lăng là huyện vùng núi, bởi vậy sóng internet không được tốt nên quá trình trao đổi với khách hàng dễ bị gián đoạn.
Bên cạnh đó, nhiều hộ nông dân cũng bị hạn chế trong việc sử dụng công nghệ nên quá trình giao dịch đơn hàng bằng hình thức bán trên sàn khó khăn.
Ảnh hưởng của dịch bệnh khiến thời gian vận chuyển đơn hàng đi các tỉnh bị kéo dài, chính vì vậy khi na đến tay người tiêu dùng, chất lượng không được như kỳ vọng của người bán và người mua.
Theo đánh giá của nhiều người dân, dù năm đầu áp dụng bán trên sàn thương mại điện tử còn nhiều hạn chế. Thế nhưng, sản phẩm được quảng bá, giá cả ổn định hơn, không bị phụ thuộc nắng mưa hay ngày hái nhiều sẽ bán được giá thấp, ngày hái được ít sẽ bán được giá cao. Đó là điều mà những người làm vườn mong muốn và hi vọng có thể phát triển được lâu dài.
(Còn nữa)