Thủ tướng tiếp Bộ trưởng Truyền giáo Tòa thánh Vatican
Chính trị - Ngày đăng : 22:36, 20/01/2015
Tham dự cùng Đoàn có Đặc phái viên không Thường trú Tòa thánh Vatican tại Việt Nam, Tổng Giám mục Leopoldo Girelli và Đại diện Ban Thường trực Hội đồng Giám mục Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh Hồng y Fernando Filoni thăm Việt Nam và tin tưởng với chuyến thăm này, Hồng y sẽ thu nhận được nhiều thông tin về đất nước, con người Việt Nam, chính sách tự do tôn giáo và đời sống đạo của người công giáo Việt Nam. Nhân dịp này, Thủ tướng cũng chúc mừng Tổng Giám mục Tổng giáo phận Hà Nội Nguyễn Văn Nhơn vừa qua được Giáo hoàng phong tước phẩm Hồng y và cho đây là niềm vui chung của đồng bào công giáo Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Hồng y Fernando Filoni tại Trụ sở Chính phủ chiều 20/1
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, trong những thành tựu chung của đất nước vừa qua có sự đóng góp của đồng bào công giáo; đồng thời, bày tỏ sự ghi nhận và đánh giá cao những hoạt động tích cực của công giáo Việt Nam đã vì lợi ích chung, vì sự phát triển của đất nước, thực hiện trách nhiệm “người giáo dân tốt là một người công dân tốt”, ngày càng gắn bó, đồng hành cùng dân tộc. Thủ tướng khẳng định, Chính phủ Việt Nam trước sau như một thực hiện theo đúng Hiến pháp và pháp luật của một quốc gia độc lập, tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. Tất cả các tôn giáo ở Việt Nam đều được tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động; khuyến khích đồng bào các tôn giáo luôn yên tâm sống đạo và giữ đạo hài hòa trong lòng dân tộc. Với tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị Hồng y Fernando Filoni và Đặc phái viên Leopoldo Girelli có hướng dẫn tích cực để Giáo hội Công giáo Việt Nam có những hoạt động cụ thể, thiết thực triển khai và đưa những huấn dụ của Giáo hoàng vào thực tế.
Về quan hệ Việt Nam - Vatican, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, đó là mối quan hệ có lịch sử lâu dài, không ít thăng trầm, song chưa lúc nào tốt như thời điểm hiện nay và triển vọng phía trước là hết sức tốt đẹp. Thời gian qua quan hệ giữa hai bên đã có tiến triển tích cực. Hai bên đã duy trì đàm phán hàng năm, thường xuyên trao đổi, tiếp xúc, đối thoại, đặc biệt kết quả qua những cuộc tiếp xúc cấp cao gần đây đã mở ra triển vọng đưa quan hệ giữa Việt Nam và Vatican tiến về phía trước và lên tầm cao mới. Với tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị hai bên tiếp tục đối thoại trên tinh thần chân thành, hiểu biết, tin cậy, trao đổi thẳng thắn, tôn trọng lẫn nhau và tôn trọng sự khác biệt. Thủ tướng cho rằng sự tiến triển của quan hệ hai bên không chỉ là sự khẳng định của mối quan hệ Việt Nam - Vatican mà còn là vì 7 triệu đồng bào công giáo Việt Nam.
Về phần mình, Hồng y Fernando Filoni bày tỏ sự vinh dự lần đầu tiên đến thăm Việt Nam với những ấn tượng hết sức tốt đẹp về đất nước, con người và cộng đồng công giáo Việt Nam; đồng thời, chúc mừng những thành tựu mà đất nước và nhân dân Việt Nam đã đạt được.
Ghi nhận và đánh giá cao những tiến bộ trong quá trình đàm phán giữa hai bên, đồng thời, chia sẻ nhận định của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về tương lai quan hệ giữa Vatican và Việt Nam đang tiến triển tốt đẹp, Hồng y Fernando Filoni cho rằng, trong một thế giới cùng tồn tại hòa bình, đối thoại sẽ làm cho mọi mối quan hệ trở nên tốt đẹp hơn. Khẳng định việc Vatican sẽ thể hiện sự chân thành và tôn trọng Việt Nam với mong muốn quan hệ giữa hai bên ngày càng tốt đẹp và giấc mơ hai bên thiết lập quan hệ ngoại giao sẽ thành hiện thực. Hồng y khẳng định, việc Giáo hoàng phong tước phẩm Hồng y cho Tổng Giám mục Tổng giáo phận Hà Nội Nguyễn Văn Nhơn là thể hiện sự tôn trọng và đánh giá cao của Tòa thánh đối với đất nước và con người Việt Nam; đồng thời cho rằng những cuộc gặp của các lãnh đạo Việt Nam với Giáo hoàng thời gian qua là những chỉ dấu cho quan hệ ngày càng tốt đẹp giữa hai bên.
Nhân dịp này, Hồng y Fernando Filoni cũng chuyển lời chúc, lời cầu nguyện hòa bình và thịnh vượng đến đất nước và nhân dân Việt Nam.
* Cũng tại Trụ sở Chính phủ, chiều 20/1, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Bộ trưởng Thông tin Myanmar Ye Htut đang có chuyến thăm làm việc tại nước ta.
Hoan nghênh chuyến thăm làm việc tại Việt Nam và đánh giá cao kết quả hội đàm giữa Bộ trưởng Thông tin Myanmar và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, kết quả chuyến thăm và việc triển khai mạnh mẽ các thỏa thuận hợp tác trong đạt được sẽ đóng góp tích cực cho sự hợp tác toàn diện giữa hai nước, trong đó có lĩnh vực thông tin, truyền thông.
Chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã tiếp Bộ trưởng Thông tin Myanmar Ye Htut đang có chuyến thăm làm việc tại VN
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Việt Nam coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện với Myanmar, mong muốn cùng Myanmar nỗ lực đưa quan hệ hai nước ngày càng phát triển tốt đẹp, thiết thực và hiệu quả. Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị hai bên tăng cường thúc đẩy hợp tác tin cậy, nhất là 13 lĩnh vực mà lãnh đạo cấp cao hai bên đã thỏa thuận; ủng hộ lẫn nhau trên các lĩnh vực, nhất là về chính trị, ngoại giao, hợp tác trên các diễn đàn quốc tế; cùng nhau đóng góp xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, hợp tác đảm bảo hòa bình và an ninh ở khu vực.
Bên cạnh đó, hai bên cần thúc đẩy mạnh mẽ, thiết thực, hiệu quả hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch vốn còn rất nhiều tiềm năng. Thủ tướng đề nghị Myanmar sớm cấp phép cho các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động cung cấp dịch vụ viễn thông cũng như mở chi nhánh ngân hàng Việt Nam tại Myanmar.
Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Ye Htut thông báo kết quả làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam; cho biết chuyến thăm này là nhằm học hỏi kinh nghiệm trong lĩnh vực thông tin và truyền thông của Việt Nam; xúc tiến việc ký kết các thỏa thuận hợp tác với các cơ quan của Việt Nam.
Về việc cấp phép cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Myanmar trong lĩnh vực viễn thông và ngân hàng, Bộ trưởng Ye Htut cho biết, doanh nghiệp Việt Nam luôn được ưu tiên tại Myanmar và hiện hai bên đang tích cực đàm phán, kết quả tiến triển tốt đẹp và sẽ sớm đi đến việc cấp phép. Đánh giá cao hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam với số vốn đăng ký hiện đạt khoảng 700 triệu USD, Bộ trưởng Ye Htut cũng kêu gọi và chào đón các doanh nghiệp Việt Nam sang nước này đầu tư, kinh doanh trong các lĩnh vực viễn thông, phát thanh, truyền hình, báo chí, xuất bản.