Xòe Thái là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại

Văn hóa - Du lịch - Ngày đăng : 12:53, 16/12/2021

Đại diện UNESCO công bố việc Nghệ thuật Xòe Thái được ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại hôm 15/12 tại Phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 16 tại Paris (Pháp).

Theo UNESCO, hồ sơ đề cử đáp ứng đủ năm tiêu chí để vinh danh: xòe Thái đi kèm âm nhạc của các nhạc cụ dân tộc; sự ghi danh nâng cao nhận thức về giá trị và tầm quan trọng của những vũ đạo truyền thống; các biện pháp bảo vệ xòe của cộng đồng người Thái; hồ sơ đề cử thể hiện sự tham gia đông đảo của các cộng đồng, nhóm người, cá nhân liên quan; những thành tố khác nhau của di sản xòe được đưa vào trong danh mục kiểm kê quốc gia.

hon-5000-nguoi-trinh-dien-nghe-thuat-xoe-thai-tai-le-hoi-muong-lo-44-.7142.jpg
Hơn 5.000 người trình diễn nghệ thuật Xòe Thái tại lễ hội Mường Lò năm 2019.

UNESCO nhận định: "Múa xòe phản ánh thế giới quan và vũ trụ quan của người Thái, được trình diễn vào dịp Tết, trong lễ hội, các cuộc vui, liên hoan. Xòe Thái dành cho mọi người, không kể tuổi tác, giới tính, địa vị xã hội, nghề nghiệp và tộc người".

Xòe được trình diễn trong các nghi lễ, đám cưới, lễ hội làng truyền thống và các hoạt động của cộng đồng. Mặc dù các động tác múa đơn giản, nhưng xòe biểu trưng cho khát vọng về sức khỏe và hòa hợp của cộng đồng. Xòe có ba loại chính: Xòe nghi lễ, xòe vòng, xòe biểu diễn.

Các điệu xòe nghi lễ và xòe biểu diễn thường kết hợp với các đạo cụ và được gọi theo tên đạo cụ như xòe khăn, xòe nón, xòe quạt, xòe sạp, xòe nhạc, xòe gậy, xòe hoa… Trong đó, xòe vòng phổ biến nhất, là màn đồng diễn mà người xòe nối thành vòng tròn trong sự hòa đồng với tất cả mọi người.

Thục Anh (TH)