Nhiệm vụ BHXH cấp tỉnh và huyện: Phải đảm bảo phù hợp thực tế
Doanh nghiệp - Doanh nhân - Ngày đăng : 14:11, 21/10/2021
Tham dự Hội thảo tại điểm cầu BHXH Việt Nam có Thủ trưởng các đơn vị: Vụ Tài chính-Kế toán, Vụ Kế hoạch-Đầu tư, Vụ Thanh tra-Kiểm tra, Vụ Pháp chế, Vụ Thi đua-Khen thưởng, Ban Quản lý Thu-Sổ thẻ, Ban Thực hiện chính sách BHXH, Ban Thực hiện chính sách BHYT, Văn phòng, Trung tâm Truyền thông, Trung tâm CNTT, Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ, chăm sóc khách hàng, Trung tâm Lưu trữ, Trung tâm Giám định BHYT và TTĐT. Tại các điểm cầu địa phương có Giám đốc BHXH 15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Giám đốc BHXH cấp huyện: Hà Nội, TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Cao Bằng, Hải Dương, Lạng Sơn, Ninh Bình, Sơn La, Trà Vinh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Cần Thơ.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cho biết, thực hiện các Nghị quyết Hội nghị Trung ương VI khoá XII và Nghị quyết của Chính phủ, BHXH Việt Nam đã nhanh chóng xây dựng và trình Thủ tướng ban hành Quyết định số 856/QĐ-TTg ngày 10/7/2019 về việc phê duyệt Đề án “Đổi mới, sắp xếp bộ máy của BHXH Việt Nam theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và chủ động, đề xuất với các bộ, ngành trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 89/2020/NĐ-CP, qua đó đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Cụ thể, trong giai đoạn 2019-2021, ngành BHXH Việt Nam đã thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế theo quy định. Trong đó, đối với các đơn vị chuyên môn giúp việc Tổng Giám đốc đã giảm 2 đơn vị; không tổ chức cơ cấu cấp phòng tại 4 đơn vị; đối với đơn vị sự nghiệp trực thuộc đã giảm 1 đơn vị và giảm 6 phòng trực thuộc. Đồng thời, đã giảm 65 đầu mối cấp phòng thuộc 63 BHXH tỉnh, thành phố; giảm 58 BHXH thành phố, thị xã nơi có trụ sở BHXH cấp tỉnh đóng trên địa bàn và giảm 8 BHXH cấp huyện theo các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đáng chú ý, sau khi sắp xếp, tinh gọn bộ máy đã giảm 450 các chức danh lãnh đạo, quản lý trong toàn Ngành, ở cả 3 cấp: Trung ương, tỉnh, huyện; thực hiện tinh giản, giảm 2.168 biên chế đảm bảo đúng quy định của Đảng và Nhà nước, trong đó giảm 10% biên chế được giao năm 2016.
Cũng theo Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh, theo quy định tại Nghị định số 89/2020/NĐ-CP thay thế Nghị định số 01/2016/NĐ-CP, ngành BHXH Việt Nam được Chính phủ giao bổ sung một số nhiệm vụ quan trọng, như: Xem xét, giải quyết việc tính thời gian công tác đối với NLĐ không còn hồ sơ gốc, thể hiện thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 1/1/1995; tổ chức thực hiện việc hỗ trợ, giải đáp nhằm hạn chế tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHXH, BHYT… Đồng thời, Chính phủ cũng yêu cầu, trong năm 2022, BHXH Việt Nam tiếp tục giảm 63 đầu mối cấp phòng trực thuộc 63 BHXH cấp tỉnh; trong giai đoạn 2021-2025 phải đánh giá kết quả tổ chức bộ máy BHXH cấp huyện, tiếp tục nghiên cứu đề xuất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy theo khu vực liên huyện, đảm bảo phù hợp chủ trương của Đảng và phù hợp với thực tiễn của Ngành trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị.
“Hôm nay, BHXH Việt Nam tổ chức Hội thảo trực tuyến để trao đổi, thảo luận, tham gia, góp ý đối với các nội dung mới trong dự thảo các quyết định. Trên nguyên tắc các quy định về tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của BHXH tỉnh và BHXH huyện phải đáp ứng yêu cầu quản lý về tổ chức, thực hiện chính sách BHXH, BHYT, thống nhất từ Trung ương đến địa phương”- Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh nhấn mạnh.
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cũng đề nghị các đại biểu lưu ý, việc xây dựng chức năng, nhiệm vụ của các phòng nghiệp vụ trực thuộc BHXH tỉnh phải hạn chế tối đa tình trạng chồng chéo giữa các đơn vị; đảm bảo mỗi đầu mối công việc, mỗi lĩnh vực công tác đều có một đơn vị chủ trì, tham mưu và chịu trách nhiệm chính. Bên cạnh đó, phải đảm bảo giải quyết kịp thời, đầy đủ các chế độ, chính sách của NLĐ và người dân theo đúng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần vào sự nghiệp an sinh xã hội, đảm bảo ổn định chính trị và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước cũng như địa phương.
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Hữu Thành- Vụ trưởng Vụ Tổ chức-Cán bộ đã báo cáo tóm tắt kết quả tổng hợp ý kiến tham gia của các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam và BHXH các tỉnh đối với dự thảo Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của BHXH địa phương và Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm và chế độ quản lý của các phòng nghiệp vụ trực thuộc BHXH tỉnh.
Đồng thời, trình bày dự thảo các văn bản: Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của BHXH địa phương (phiên bản 2); Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm và chế độ quản lý của các phòng nghiệp vụ trực thuộc BHXH tỉnh (phiên bản 2); Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu, trách nhiệm và chế độ quản lý của các Tổ nghiệp vụ thuộc BHXH quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (phiên bản 1).
Theo dự thảo Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của BHXH địa phương, vị trí và chức năng của BHXH tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là cơ quan trực thuộc BHXH Việt Nam đặt tại tỉnh, có chức năng giúp Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách BHXH, BHYT; tổ chức thu, chi chế độ BH thất nghiệp; quản lý và sử dụng các quỹ: BHXH, BHYT; thanh tra chuyên ngành việc đóng BHXH, BHYT và kiểm tra việc thực hiện các chế độ BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật và quy định của BHXH Việt Nam. Đồng thời, BHXH tỉnh chịu sự quản lý trực tiếp, toàn diện của Tổng Giám đốc và chịu sự quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh của UBND cấp tỉnh. BHXH tỉnh có tư cách pháp nhân, con dấu, tài khoản và trụ sở riêng.
Cùng với đó, theo dự thảo, BHXH tỉnh có các nhiệm vụ và quyền hạn được quy định cụ thể. Đơn cử như: Xây dựng, trình Tổng Giám đốc kế hoạch ngắn hạn và dài hạn về phát triển BHXH, BHYT trên địa bàn và chương trình công tác hàng năm; tổ chức thực hiện kế hoạch, chương trình sau khi được phê duyệt. Chủ động phối hợp với các sở, ngành có liên quan xây dựng, trình UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch phát triển người tham gia BHXH, BHYT và Kế hoạch phân bổ dự toán chi KCB BHYT theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Tổ chức thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật BHXH, BHYT. Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ theo quy định…
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận, tham gia, góp ý đối với các nội dung mới trong dự thảo các Quyết định. Các đại biểu dự Hội thảo đều đồng thuận, nhất trí và đánh giá cao dự thảo các Quyết định đã đảm bảo tính khoa học, phù hợp với điều kiện thực tế và yêu cầu đặt ra. Đồng thời, để các Quyết định này được hoàn thiện đảm bảo sát với tình hình thực tế, các đại biểu đã đưa ra một số góp ý, cũng như những khó khăn, vướng mắc và giải pháp tháo gỡ.
Phát biểu kết luận, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh đánh giá cao tinh thần làm việc tích cực của các đại biểu tham dự Hội thảo. “Chỉ một buổi sáng, nhưng Hội thảo đã hoàn thành được các yêu cầu đã đặt ra. Các đại biểu cũng đã tích cực góp ý, thảo luận những vấn đề mới, khó, đang vướng mắc. Qua đó, cùng nhau thống nhất, đảm bảo được các quy định về chức năng, nhiệm vụ của địa phương đúng pháp luật hiện hành, phù hợp khi triển khai thực tế”- Tổng Giám đốc nói.
Tổng Giám đốc cũng gợi ý một số nội dung, phương án để xây dựng được các quyết định phù hợp, tối ưu nhất. “Việc xây dựng các quy định phải đảm bảo nguyên tắc tinh gọn, rõ trách nhiệm, từng hoạt động phải rành mạch, rõ ràng, không bị chồng chéo, các chức năng, nhiệm vụ phải thành một chuỗi thống nhất từ Trung ương đến địa phương đảm bảo nguyên tắc tổ chức, thực hiện nhiệm vụ, hoàn thành nhiệm vụ được giao”- Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh nhấn mạnh. Đồng thời, Tổng Giám đốc cho biết thêm, các ý kiến tham gia tại Hội thảo sẽ được tiếp thu để xem xét hoàn thiện dự thảo các Quyết định trước khi trình ban hành.