Đối ngoại địa phương đóng góp vào thành công chung của công tác đối ngoại cả nước

Chính trị - Ngày đăng : 12:19, 12/12/2021

Nhân dịp Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 20 diễn ra, Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng trả lời phỏng vấn báo chí về những kết quả đạt được trong triển khai công tác đối ngoại địa phương cũng như các điểm mới hội nghị lần này.

PV: Xin Thứ trưởng cho biết những kết quả đạt được trong triển khai công tác đối ngoại địa phương từ Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 19 đến nay?

Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng: Hội nghị Ngoại vụ năm nay có chủ đề “Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế của các địa phương”. Từ Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 19 (tháng 8/2018) đến nay, công tác đối ngoại địa phương đã thu được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp vào thành công chung của công tác đối ngoại cả nước, thiết thực phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

to-anh-dung.jpg
Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng

Dù chịu nhiều tác động từ đại dịch Covid-19 trong 2 năm qua nhưng với cách tiếp cận đồng bộ, thích ứng linh hoạt và đột phá, đối ngoại địa phương đã khắc phục được khó khăn, từng bước triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đạt được các kết quả khá toàn diện.

Cụ thể, trong giai đoạn 2019-2021, các địa phương đã ký hơn 200 thỏa thuận quốc tế với các đối tác nước ngoài là các địa phương, tổ chức hay doanh nghiệp nước ngoài để tăng cường hợp tác, mở rộng thị trường cho các sản phẩm của địa phương.

Nhiều hoạt động kết nối, xúc tiến thương mại, quảng bá địa phương được tổ chức với nhiều đổi mới cả về hình thức và nội dung như Diễn đàn “Nhịp cầu phát triển Việt Nam 2021: Kết nối địa phương, doanh nghiệp, nắm bắt cơ hội mới”, Diễn đàn quốc tế chuyển đổi số nông nghiệp Việt Nam 2021, Hội nghị Gặp gỡ châu Âu 2021…

Công tác ngoại giao văn hóa được chủ động triển khai, tạo sự gắn kết với ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế. Việc hát then được ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại năm 2019, Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa và Cao nguyên Kon Hà Nừng của Việt Nam được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới năm 2021, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa của Việt Nam đối với bạn bè thế giới.

Công tác lãnh sự, bảo hộ công dân và công tác người Việt Nam ở nước ngoài cũng là điểm sáng, đặc biệt khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Các địa phương cũng đóng góp quan trọng trong thành công của công tác bảo vệ chủ quyền biên giới lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo. Các đường biên giới và hệ thống mốc quốc giới được giữ vững, trật tự, an toàn xã hội khu vực biên giới được bảo đảm. Công tác tuyên truyền, thông tin, bảo hộ ngư dân, tàu cá cũng được phối hợp triển khai đồng bộ giữa Bộ Ngoại giao, các cơ quan chức năng và các địa phương, tạo nên “hậu phương” vững chắc cho công tác đấu tranh chính trị, ngoại giao, tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với lập trường của ta.

Công tác lãnh sự, công tác người Việt Nam ở nước ngoài cũng là điểm sáng, đặc biệt khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Các địa phương đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao và các cơ quan chức năng liên quan kịp thời tổ chức triển khai công tác bảo hộ công dân, hỗ trợ tại các cửa khẩu, lối mở trên đất liền, cũng như tổ chức hơn 800 chuyến bay đón hơn 200.000 công dân Việt Nam ở nước ngoài về Việt Nam và hỗ trợ các công dân bị “kẹt” ở nước ngoài.

PV: Những nội dung mới trong triển khai đường lối đối ngoại sau Đại hội Đảng lần thứ XIII tác động thế nào đến định hướng trong công tác hỗ trợ đối ngoại địa phương của Bộ Ngoại giao, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng: Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định rõ vị trí, vai trò tiên phong của đối ngoại trong "tạo lập và giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước". Văn kiện Đại hội cũng chỉ rõ mục tiêu “xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với 3 trụ cột là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân”.

Tính toàn diện của ngoại giao thể hiện rõ nét hơn ở đặt trọng tâm phục vụ trực tiếp các địa phương, doanh nghiệp và từng người dân, bên cạnh những nhiệm vụ chính trị tầm vĩ mô trước nay. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, ngoại giao phục vụ phát triển có ý nghĩa hết sức thiết thực, đóng góp vào các nỗ lực duy trì phát triển và hướng tới phục hồi của từng địa phương.

Có thể chỉ ra một số định hướng trọng tâm trong hỗ trợ đối ngoại địa phương thời gian tới như sau:

Một là, đẩy mạnh và phát huy vai trò của ngoại giao kinh tế trong đối ngoại địa phương. Tiếp nối những thành công trong ngoại giao vắc-xin, ngoại giao kinh tế sẽ là chất xúc tác quan trọng cho các địa phương trong khôi phục sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy phục hồi. Cụ thể là việc chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong tái mở cửa nền kinh tế từ các nước bên ngoài đến việc mở đường cho việc xuất nhập khẩu hàng hóa đến thu hút các nguồn đầu tư phục vụ phát triển kinh tế, an sinh xã hội.

Hai là, đẩy mạnh các nội hàm phù hợp với xu hướng phát triển chung của thế giới, đáp ứng trúng và đúng với nhu cầu, nguyện vọng của các địa phương như phát triển kinh tế số, thương mại điện tử, nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng sạch, cũng như văn hóa, du lịch...

Ba là, chú trọng khai thác các lợi thế sẵn có của địa phương, đồng thời tiếp tục tìm kiếm, mở rộng thị trường mới, có nhiều tiềm năng cho sản phẩm của các địa phương; kêu gọi sự chung tay của cộng đồng quốc tế trong thực hiện các mục tiêu phát triển bao trùm và bền vững.

PV: Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 20 sẽ khai mạc vào ngày 13/12 tới. Các điểm mới của Hội nghị Ngoại vụ lần này là gì, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng: Hội nghị Ngoại vụ lần thứ 20 được tổ chức sau Đại hội Đảng lần thứ XIII để triển khai các định hướng mới cho công tác đối ngoại, trong đó địa phương và doanh nghiệp được đặt vào vị trí trung tâm. Hội nghị là dịp quan trọng để các địa phương, các ban, bộ, ngành trung ương, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cùng các đối tác quốc tế cùng đánh giá về những kết quả đã đạt được trong đối ngoại địa phương, và đưa ra các biện pháp để tăng cường phối hợp, nâng cao hiệu quả triển khai công tác này trong thời gian tới.

Điểm mới thứ hai là Hội nghị được tổ chức trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp ở nước ta và trên thế giới. Theo đó, Hội nghị sẽ được tổ chức kết hợp hình thức trực tiếp và trực tuyến, kết nối với các điểm cầu ở trong và ngoài nước nhằm đảm bảo các quy định về phòng chống dịch nhưng vẫn mang lại hiệu quả tối đa cho sự kiện.

Điểm mới thứ ba là năm nay, Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 20 có tổ chức “Gặp gỡ Đoàn Ngoại giao, Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, kết nối địa phương, doanh nghiệp Việt Nam” với sự tham dự của Lãnh đạo các địa phương Việt Nam, các Đại sứ và Tổng Lãnh sự Việt Nam trên khắp thế giới, Đại diện các Đại sứ quán và Thương Vụ nước ngoài tại Hà Nội, các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam và một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Việt Nam. Đây là cơ hội để các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm và trao đổi các biện pháp thiết thực nhằm nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ các địa phương Việt Nam đẩy mạnh hội nhập quốc tế phục vụ phát triển kinh tế xã hội. Nội dung sẽ tập trung vào các trọng tâm triển khai trong thời gian tới như mở rộng thị trường, xúc tiến đầu tư, tranh thủ nguồn ngoại lực để vượt qua các khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19 hướng tới phục hồi toàn diện, phát triển…

Điểm mới tiếp theo là, lần đầu tiên, nhân dịp Hội nghị Ngoại vụ, Bộ Ngoại giao phối hợp cùng Bộ Công Thương tổ chức Triển lãm trưng bày sản phẩm thương hiệu Việt Nam nhằm quảng bá các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam đến các đại biểu trong và ngoài nước để hỗ trợ các doanh nghiệp tìm đầu ra của sản phẩm.

Ngoài ra, trong khuôn khổ Hội nghị, Bộ Ngoại giao có tổ chức các cuộc trao đổi riêng giữa các địa phương Việt Nam với các Đại sứ, Tổng Lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài và đại diện doanh nghiệp cũng như các cơ quan đại diện của nước ngoài ở Việt Nam để trao đổi sâu hơn những nội dung các bên cùng quan tâm.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Nhật Minh (ghi)