VKS đề nghị giảm án cho bị cáo Nguyễn Đức Chung so với mức án đề nghị trước đó
Pháp đình - Ngày đăng : 19:48, 11/12/2021
Ghi nhận việc tự nguyện nộp 10 tỉ đồng của gia đình bị cáo Chung, đại diện VKS đã đề nghị HĐXX giảm hình phạt cho bị cáo Chung xuống còn 8-10 năm tù. Trong phần luận tội và đề nghị mức án trước đó, đại diện VKS đề nghị HĐXX xử phạt cựu Chủ tịch Nguyễn Đức Chung từ 10-12 năm về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Cùng tội danh này, đối với hai bị cáo Hùng và Giang, đại diện VKS vẫn giữ nguyên đề nghị mức án từ 6 - 7 năm tù.
Tiếp tục đối đáp ý kiến của một số luật sư cho rằng các bị cáo không có tội và việc phân cấp đánh giá vai trò của các bị cáo chưa đúng, kiểm sát viên cao cấp Đặng Như Vĩnh giữ nguyên quan điểm đánh giá đây là vụ án đồng phạm. "Các bị cáo ở các vị trí chức vụ khác nhau nhưng thực hiện một chuỗi sai phạm. Bị cáo này sai, bị cáo khác tiếp nhận cái sai đó để tiếp tục sai".
Phân tích vai trò chủ mưu của bị cáo Nguyễn Đức Chung, đại diện VKS nói ngoài là Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, chủ sở hữu của công ty thoát nước, ông Chung còn là Trưởng ban chỉ đạo công tác xử lý nước, giữ vai trò cao nhất. Với các chức vụ trên, ông Chung một mặt tạo điều kiện để Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội tiếp cận việc kinh doanh những sản phẩm liên quan đến môi trường. Mặt khác, ông chỉ đạo để Giang đi theo các đoàn công tác của thành phố, tham gia các buổi thử nghiệm, dù Giang không có tên trong danh sách do sở ngoại vụ đề xuất.
Ngoài các cáo buộc liên quan vai trò chủ mưu, công tố viên cho rằng, việc gửi giấy mời Giám đốc Công ty Watch Water sang Việt Nam không có trong các văn bản, chương trình làm việc của bất cứ sở ban ngành nào của thành phố, không xác định được người gửi. Theo lời khai của Giang trong giai đoạn điều tra, thư mời do thư ký của ông Chung gửi bằng tiếng Việt cho Giang để Giang sau đó dịch sang tiếng Đức và email cho Giám đốc Watch Water.
VKS xác định Công ty Arktic thực chất là công ty của ông Chung và gia đình. Ban đầu con trai ông Chung góp 60% vốn, đăng ký lần đầu năm 2015. Sau khi vợ ông Chung ba lần làm giả hồ sơ chuyển nhượng vốn góp, Giang nắm 60% cổ phần, một cá nhân khác 40%. Song thực chất, vợ ông Chung là người thành lập Arktic, góp đủ 5 tỷ đồng nhưng để Giang cùng một người khác đứng tên.
Công ty Arktic ban đầu không đăng ký kinh doanh hóa chất nhưng sau chuyến công tác châu Âu của Giang với UBND Hà Nội, công ty Arktic đã chuẩn bị nhập Redoxy-3C về, lập tức đăng ký thêm danh mục kinh doanh này.
Ngoài việc làm giả đăng ký kinh doanh, cơ quan điều tra phát hiện công ty gian lận, kê khai man thuế tới 27 tỷ đồng. Tất cả hành vi này có thể quy kết Arktic thực chất là "công ty gia đình", được ông Chung "sử dụng quyền lực để thâu tóm, đưa lợi ích về cho công ty gia đình", công tố viên kết luận.
Về vấn đề chế phẩm độc quyền, VKS cho rằng là giả tạo. Theo cơ quan công tố, bao bì ghi là Redoxy-3C, một sản phẩm độc quyền của Hà Nội, sản phẩm tốn nhiều tiền ngân sách Nhà nước nhưng cuối cùng lại phải mua qua một công ty trung gian. VKS kết luận thiệt hại 36,1 tỷ đồng trong vụ án là phù hợp bởi đã "có những tính toán kỹ lưỡng".