Hội đồng Bảo an đánh giá cao nhiệm kỳ Chủ tịch Nhóm Công tác về các tòa án quốc tế của Việt Nam

Chuyển động - Ngày đăng : 16:06, 11/12/2021

Trợ lý Tổng Thư ký Liên hợp quốc đánh giá cao tinh thần hợp tác và nỗ lực của thành viên Nhóm công tác về các tòa án quốc tế, đặc biệt là vai trò Chủ tịch và chủ trì soạn thảo văn kiện của Việt Nam trong 2 năm qua, nhất là trong bối cảnh tình hình phức tạp.

Ngày 10/12, Đại sứ Phạm Hải Anh - Đại biện lâm thời của Việt Nam tại Liên hợp quốc, đã chủ trì cuộc họp định kỳ 6 tháng của Nhóm Công tác không chính thức của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về các tòa án quốc tế.

nhom-cong-tac-ve-cac-toa-an-quoc-te-cua-viet-nam.jpg
Đại sứ Phạm Hải Anh chủ trì cuộc họp định kỳ của Nhóm Công tác không chính thức của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về các tòa án quốc tế ngày 10/12.

Trợ lý Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách các vấn đề pháp lý Stephen Mathias, Chủ tịch Cơ chế Giải quyết các vụ việc còn tồn đọng của các tòa án quốc tế - Thẩm phán Carmel Agius, Công tố viên Serge Brammertz đã tham dự và phát biểu tại cuộc họp.

Đây là cuộc họp thứ 4 và cuối cùng do Việt Nam chủ trì trong nhiệm kỳ thành viên Hội đồng Bảo an 2020-2021.

Phát biểu khai mạc, Đại sứ Phạm Hải Anh cảm ơn tinh thần hợp tác, xây dựng của thành viên Nhóm Công tác trong hỗ trợ cơ chế hoàn thành nhiệm vụ.

Đại sứ cho biết trong 2 năm qua, trong vai trò Chủ tịch Nhóm Công tác, Việt Nam đã hỗ trợ thúc đẩy đối thoại giữa Nhóm Công tác và Chủ tịch, Công tố viên của cơ chế nhằm hoàn tất nhiệm vụ của cơ chế do Hội đồng Bảo an giao, qua đó thúc đẩy việc tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.

Trợ lý Tổng Thư ký Mathias đánh giá cao nỗ lực của thẩm phán và nhân viên cơ chế trong khắc phục khó khăn do đại dịch COVID-19, bảo đảm tiến độ xét xử và ban hành các bản án đúng theo kế hoạch đề ra.

Ông Mathias khẳng định, vai trò và đóng góp của Cơ chế Giải quyết các vụ việc còn tồn đọng của các tòa án quốc tế trong trừng trị các tội ác đặc biệt nghiêm trọng, bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ cơ chế và Nhóm Công tác trong đợt kiểm điểm 2 năm.

Trợ lý Tổng Thư ký cũng đánh giá cao tinh thần hợp tác và nỗ lực của thành viên Nhóm Công tác, đặc biệt là vai trò Chủ tịch và chủ trì soạn thảo văn kiện của Việt Nam trong hai năm qua đã duy trì hoạt động của Nhóm Công tác và đối thoại với Cơ chế Giải quyết các vụ việc còn tồn đọng của các tòa án quốc tế trong bối cảnh tình hình phức tạp.

Sau khi nghe báo cáo của Chủ tịch, Công tố viên của Cơ chế Giải quyết các vụ việc còn tồn đọng của các tòa án quốc tế, Nhóm Công tác thảo luận về tiến độ các vụ việc xét xử, các biện pháp tăng hiệu quả hoạt động, thực hiện khuyến nghị của Hội đồng Bảo an như về sớm rút gọn quy mô, giảm kinh phí hoạt động, đồng thời bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ của cơ chế.

Chủ tịch, Công tố viên của Cơ chế Giải quyết các vụ việc còn tồn đọng của các tòa án quốc tế và các nước đánh giá cao vai trò của Chủ tịch Việt Nam trong việc làm cầu nối giữa các thành viên và cơ chế, thúc đẩy hợp tác giữa các thành viên trong quá trình thương lượng, thông qua Nghị quyết 2529 (2020) về kiểm điểm hoạt động 2 năm.

Nhóm công tác không chính thức về các tòa án quốc tế là cơ quan trực thuộc Hội đồng Bảo an.

Trong nhiệm kỳ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc 2020-2021, Việt Nam đảm nhiệm các vị trí Chủ tịch của Nhóm Công tác và hai Ủy ban trừng phạt về Nam Sudan và về Liban.

Tháng 6/2020, trong vai trò Chủ tịch Nhóm Công tác, Việt Nam đã chủ trì thương lượng và đề xuất Hội đồng Bảo an thông qua Nghị quyết 2529 (2020) về kiểm điểm công việc của Cơ chế Giải quyết các vụ việc còn tồn đọng của các tòa án quốc tế và bổ nhiệm Công tố viên.

Dự kiến, đợt kiểm điểm định kỳ tiếp theo diễn ra vào tháng 6/2022.

Nhật Minh