Bộ Ngoại giao kỷ niệm 100 năm sinh đồng chí Nguyễn Cơ Thạch
Đời sống - Ngày đăng : 20:52, 10/12/2021
Tham dự lễ kỷ niệm có các đồng chí: Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành ở Trung ương, tỉnh Nam Định và thành phố Hà Nội; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ Ngoại giao và các thế hệ cán bộ ngoại giao lão thành; đại diện gia đình đồng chí Nguyễn Cơ Thạch và một số bạn bè, các Đại sứ, Trưởng Cơ quan Đại diện Việt Nam tại nước ngoài, cán bộ của các đơn vị thuộc Bộ Ngoại giao, cùng đông đảo cơ quan thông tấn, báo chí.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã ôn lại cuộc đời, sự nghiệp vẻ vang hơn 60 năm hoạt động cách mạng sôi nổi và gần 40 năm công tác trong lĩnh vực đối ngoại của đồng chí Nguyễn Cơ Thạch - người con ưu tú của quê hương Nam Định, nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, người chiến sĩ cộng sản kiên trung, nhà ngoại giao tài ba có cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, đất nước và ngành ngoại giao.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, cuộc đời hoạt động cách mạng vẻ vang của đồng chí Nguyễn Cơ Thạch đã để lại nhiều bài học vẫn còn nguyên giá trị đối với sự nghiệp phát triển đất nước và ngành ngoại giao hiện nay. Dưới ánh sáng đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIII và tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, học tập, noi gương đồng chí Nguyễn Cơ Thạch và các bậc cách mạng tiền bối, ngành ngoại giao luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; ra sức phấn đấu xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, cùng các lực lượng đối ngoại nỗ lực phát huy tốt vai trò tiên phong trong tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, nâng cao vị thế đất nước, huy động các nguồn lực bên ngoài để đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Cũng tại lễ kỷ niệm, đồng chí Nguyễn Văn Đắc, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hưu trí Bộ Ngoại giao đã xúc động chia sẻ những cảm nghĩ chân thành về đồng chí Nguyễn Cơ Thạch, một nhà ngoại giao thân thiện, cởi mở, hóm hỉnh, kiến thức rộng cùng khả năng đối đáp, ứng biến mau lẹ, thể hiện hình mẫu người lãnh đạo bản lĩnh, góp phần không nhỏ vào nhiều thắng lợi trên mặt trận đối ngoại của đất nước.
Thay mặt cho thế hệ trẻ Bộ Ngoại giao, đồng chí Đoàn Tuấn Minh, Bí thư Đoàn thanh niên Bộ Ngoại giao bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc về những công lao to lớn và những bài học kinh nghiệm quý báu mà đồng chí Nguyễn Cơ Thạch để lại cho thế hệ trẻ ngày nay, đồng thời nguyện quyết tâm không ngừng nỗ lực học tập, nghiên cứu, rèn luyện bản lĩnh để trở thành những người lính trên mặt trận đối ngoại, góp phần đưa Việt Nam sánh vai các cường quốc năm châu.
Đặc biệt, trong gia đình đồng chí Nguyễn Cơ Thạch tham dự buổi lễ còn có phu nhân Phan Thị Phúc. Đại sứ Phạm Kiến Thiết đã đại diện gia đình phát biểu, bày tỏ lời cảm ơn chân thành sâu sắc đến Đảng, Nhà nước và Bộ Ngoại giao đã luôn quan tâm, ghi nhận và tri ân những đóng góp của đồng chí Nguyễn Cơ Thạch đối với sự nghiệp cách mạng của đất nước, nhất là trong lĩnh vực đối ngoại, đồng thời tin tưởng Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục viết tiếp những trang sử vàng của nền ngoại giao hiện đại, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.
Trong buổi lễ, Bộ Ngoại giao cũng trang trọng tổ chức Lễ trao Học bổng Nguyễn Cơ Thạch và trao giải thưởng cao nhất cho những người tham dự Cuộc thi tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Nguyễn Cơ Thạch. Các sự kiện nằm trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm đã góp phần lan tỏa tri thức và lưu giữ những ký ức tốt đẹp về nhà ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch. Bên lề Lễ kỷ niệm còn có hoạt động triển lãm một số hình ảnh về cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Nguyễn Cơ Thạch.
Lễ kỷ niệm 100 năm sinh đồng chí Nguyễn Cơ Thạch góp phần tri ân thế hệ những nhà Ngoại giao lỗi lạc đi trước, phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của ngành Ngoại giao, góp phần tăng cường công tác giáo dục truyền thống cho các thế hệ cán bộ ngoại giao. Lễ kỷ niệm càng mang nhiều ý nghĩa khi được tổ chức ngay trước thềm Hội nghị đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31 và Hội nghị Ngoại vụ lần thứ 20 trong tuần tới.
Khái lược tiểu sử đồng chí Nguyễn Cơ Thạch
Đồng chí Nguyễn Cơ Thạch tên khai sinh là Phạm Văn Cương, sinh ngày 15 tháng 5 năm 1921 tại xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.
Đồng chí tham gia Tổ chức Thanh niên Dân chủ rồi Thanh niên Phản đế tại Nam Định (1937–1939) và bị thực dân Pháp bỏ tù tại Nam Định, Hòa Bình, Sơn La (1940-1945).
Năm 1943, trong nhà tù Sơn La, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.
Tháng 8 năm 1945, đồng chí lãnh đạo cướp chính quyền tại phủ Nghĩa Hưng và các tổng phía Nam huyện Vụ Bản, Nam Định.
Tháng 9 năm 1945, đồng chí về công tác tại Bộ Quốc phòng, làm Bí thư cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp; sau đó giữ chức vụ Chánh Văn phòng Quân uỷ Trung ương, Bí thư đảng uỷ các cơ quan Bộ Quốc phòng và Tổng tư lệnh (1947–1949).
Sau đó đồng chí làm Phó Bí thư rồi Quyền Bí thư tỉnh uỷ kiêm Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến Hành chính tỉnh Hà Đông (tháng 5 năm 1949 - tháng 5 năm 1951); Uỷ viên Đảng Đoàn và Uỷ viên Uỷ ban Kháng chiến hành chính Liên khu 3, Bí thư Đảng ủy các cơ quan của Liên khu (1949–1954).
Từ năm 1954, đồng chí công tác trong ngành ngoại giao và lần lượt đảm nhiệm các chức vụ Chánh văn phòng Bộ Ngoại giao (1954–1956), Tổng lãnh sự nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Cộng hòa Ấn Độ (1956–1960); Thứ trưởng Bộ Ngoại giao và Uỷ viên Đảng đoàn Bộ Ngoại giao (tháng 8 năm 1960 – tháng 5 năm 1979); Quyền Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Genève về Lào (1961–1962); Thứ trưởng Bộ Ngoại giao phụ trách công tác đấu tranh chống Mỹ (từ 1964).
Đồng chí là trợ lý cho Cố vấn Lê Đức Thọ trong đàm phán với Mỹ (1972–1973) đưa đến việc ký kết Hiệp định Paris về Việt Nam; Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Bộ trưởng Bộ Ngoại giao các nước không liên kết tại Peru (1975); Đặc phái viên của Chính phủ thăm các nước Ả Rập, Tây Âu, Bắc Âu và ASEAN (1976–1980); Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam tại Hội nghị Bộ trưởng Bộ Ngoại giao các nước không liên kết tại Colombo (Sri Lanka), New Delhi (Ấn Độ), Luanda (Angola) (1979–1986); Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam dự Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại New York (1979–1991).
Tháng 10/1958 đến tháng 01/1981, đồng chí là Bí thư Ban Cán sự Đảng Ngoại nước. Tháng 5 năm 1979, đồng chí làm Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao (hàm Bộ trưởng), rồi Bộ trưởng Bộ Ngoại giao từ tháng 1 năm 1980; Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao (tháng 2 năm 1987 – 1991).
Đồng chí là Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng từ tháng 12 năm 1976 đến 1991, Uỷ viên dự khuyết Bộ Chính trị từ năm 1982, Uỷ viên chính thức Bộ Chính trị khoá VI (1986–1991), phụ trách Ban Đối ngoại Trung ương Đảng.
Ngày 29/9/1990, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch được cử đi gặp Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ James Baker tại New York, bắt đầu tiến trình đàm phán bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ.
Sau khi thôi chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, đồng chí tham gia nghiên cứu tổng kết công tác ngoại giao, nghiên cứu kinh tế thế giới và chiến lược đối ngoại (tháng 10 năm 1991 – 1998).
Đồng chí là đại biểu Quốc hội khoá VII (1981–1987) và khoá VIII (1987–1992).
Đồng chí mất ngày 10 tháng 4 năm 1998 tại Hà Nội, hưởng thọ 77 tuổi.
Những dấu ấn trong hoạt động đối ngoại của đồng chí Nguyễn Cơ Thạch
Trong hơn 40 năm gắn bó với ngành ngoại giao, nhất là khi đảm nhiệm trọng trách “Tư lệnh” ngành, đồng chí Nguyễn Cơ Thạch đã thể hiện là nhà ngoại giao kiệt xuất, có tầm nhìn chiến lược, bản lĩnh sáng tạo, luôn đặt lợi ích quốc gia-dân tộc lên trên hết và có nhiều đóng góp to lớn trong lĩnh vực đối ngoại, cụ thể như việc đưa ra giải pháp chính trị cho vấn đề Lào (1961-1962), ký kết và thực hiện Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (1968-1973) và giải pháp chính trị cho vấn đề Campuchia (1978-1991), bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, ASEAN và Mỹ…
Từ những nhận thức rất mới mẻ vào thời điểm những năm 1980, đồng chí đề xuất những ý tưởng mang tính bước ngoặt như nhấn mạnh lợi ích dân tộc cao nhất là giữ vững hòa bình để tập trung phát triển kinh tế. Trước cục diện chính trị thế giới phức tạp những năm 1989-1991, với sự nhạy bén, sắc sảo và tư duy đổi mới, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã đưa quan hệ quốc tế của Việt Nam vượt qua những thách thức và biến động, góp phần chỉ đạo thực hiện những điều chỉnh có ý nghĩa chiến lược về đường lối chính sách đối ngoại, đưa nước ta thoát khỏi thế bao vây, cô lập; từ đó, tiến hành bình thường hóa và mở rộng quan hệ với các nước. Đồng chí nhiều lần nhấn mạnh phải nắm vững tình hình quốc tế, nắm bắt xu hướng phát triển của thế giới, đánh giá đúng ý đồ chiến lược và lợi ích của mỗi nước và phải biết vận dụng sách lược hết sức khôn khéo.
Bên cạnh đó, là một nhà ngoại giao xuất sắc với tầm nhìn chiến lược, từ rất sớm, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã chủ trương vận dụng quan hệ ngoại giao để phát triển kinh tế, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu có những chuyển biến lớn về kinh tế và khoa học kỹ thuật.
Về công tác nội bộ, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch cũng là người khởi xướng việc đổi mới công tác xây dựng ngành Ngoại giao, coi công tác này có tầm quan trọng ngang với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị. Dưới sự lãnh đạo của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch, bộ máy tổ chức và đội ngũ cán bộ của Bộ Ngoại giao đã có bước phát triển mạnh mẽ, góp phần tạo dựng nên Bộ Ngoại giao lớn mạnh như hôm nay.
Ghi nhận những cống hiến to lớn của đồng chí, nhất là trong lĩnh vực đối ngoại, Đảng và Nhà nước đã trao tặng đồng chí Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Sao Vàng, Huân chương Chiến thắng hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Huy chương "Vì sự nghiệp Ngoại giao Việt Nam", Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng và nhiều danh hiệu cao quý khác.
Sau này, tên của đồng chí được đặt cho các đường, phố ở Hà Nội, Nam Định, Đà Nẵng, Nha Trang và Thành phố Hồ Chí Minh.