Dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông: Giải phóng mặt bằng phải minh bạch, bảo đảm đời sống cho người bị thu hồi đất
Chính trị - Ngày đăng : 15:58, 10/12/2021
Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV đã thông qua chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía đông giai đoạn 2017-2020 với tổng chiều dài 654 km, gồm 11 dự án thành phần (gồm 8 dự án đầu tư theo phương thức PPP và 3 dự án đầu tư công).
Trong quá trình thực hiện, do khó khăn trong việc kêu gọi nhà đầu tư, huy động vốn tín dụng và với mục tiêu thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy sản xuất, cung ứng vật liệu xây dựng cho các dự án, giải quyết về công việc và nguồn thu nhập đối với người lao động,... góp phần thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, Chính phủ đã trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) chuyển đổi 5/8 dự án thành phần từ phương thức PPP sang đầu tư công.
Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 sẽ giải quyết những hạn chế mà các tuyến quốc lộ song hành, đặc biệt Quốc lộ 1 không thể khắc phục. Những năm vừa qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, năng lực hệ thống đường bộ ngày càng được cải thiện và nâng cao, đặc biệt là việc hoàn thành nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 với quy mô 4 làn xe đã phát huy hiệu quả đầu tư, tạo điều kiện để phát triển kinh tế kinh tế - xã hội cho các địa phương.
Trên hành lang vận tải Bắc - Nam, tuyến Quốc lộ 1 đã được mở rộng từ Lạng Sơn đến Cà Mau, tuyến đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên kết nối xuống miền Đông Nam Bộ đã đưa vào khai thác. Tuy nhiên, ngay từ bước chủ trương đầu tư đã xác định việc mở rộng Quốc lộ 1 chỉ cơ bản đáp ứng được nhu cầu vận tải giai đoạn trước mắt. Với đặc điểm đi qua nhiều khu đông dân cư (chiếm khoảng 48,7% tổng chiều dài), lưu thông hỗn hợp với các phương tiện thô sơ, chủ yếu là giao cắt cùng mức, tốc độ khai thác trung bình khoảng 40 - 60 km/h... nên Quốc lộ 1 chỉ có ưu thế vận tải với cự ly ngắn, tính chất nội vùng. Do vậy, việc sớm đầu tư hoàn thành, đưa vào khai thác đồng bộ tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông với năng lực thông hành lớn, tốc độ cao và an toàn nhằm tạo sức lan tỏa, động lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước là rất cần thiết.
Để triển khai dự án đúng tiến độ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung cho công tác giải phóng mặt bằng, kế hoạch đấu thầu, phương thức đầu tư dự án…
Tập trung vào công tác giải phóng mặt bằng và kế hoạch đấu thầu, phương thức đầu tư dự án
Tại Phiên thảo luận, đa số các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng thuận với chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 và tập trung cho ý kiến về các giải pháp để triển khai dự án nhanh chóng, hiệu quả nhất; bảo đảm về tiến độ, chất lượng dự án cũng như ổn định của hệ thống quy hoạch dự án với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và quy hoạch có liên quan.
Tập trung vào công tác giải phóng mặt bằng và kế hoạch đấu thầu, phương thức đầu tư dự án
Phát biểu tại Phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đồng tình với Tờ trình của Chính phủ và báo cáo Thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đối về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025. Cho rằng đây là dự án trọng điểm và nằm trong gói kích thích nền kinh tế nên Bộ Giao thông Vận tải cần tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt trên cơ sở các quy định hiện hành để tổ chức thực hiện cho hiệu quả.
Trong việc thực hiện dự án, nếu thẩm quyền nào của Chính phủ thì Chính phủ sẽ quyết định. Khi quyết định chủ trương đầu tư mà xem xét cả chủ đầu tư dự án, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tán thành với các ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ đề xuất, Hội đồng thẩm định dự án và ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học và các địa phương là giao cho Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư dự án. Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 là dự án đặc biệt quan trọng và muốn triển khai nhanh, chỉ đạo tập trung thống nhất thì việc giao cho Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư dự án là hợp lý.
Để triển khai dự án đúng tiến độ, theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, các Bộ ngành, địa phương cần tập trung vào công tác giải phóng mặt bằng và kế hoạch đấu thầu, phương thức đầu tư dự án. Ngoài việc hoàn thiện hồ sơ, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Giao thông Vận tải cần lường hết các ý kiến của các đại biểu, có báo cáo tiếp thu giải trình, thống nhất giữa hồ sơ trình và thẩm tra đối với dự án. Khi có thảo luận ở Tổ, sau khi thảo luận ở Hội trường, Bộ Giao thông Vận tải cũng phải có báo cáo giải trình ngay và phối hợp với cơ quan thẩm tra chuẩn bị dự thảo Nghị quyết, ý kiến báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội xem xét, thông qua chủ trương đầu tư dự án.
Đồng tình với sự cần thiết của dự án đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định: Để góp phần giải quyết được những hạn chế, điểm nghẽn trong phát triển kinh tế xã hội thì việc tăng cường đầu tư hạ tầng giao thông nhằm tạo sức lan tỏa, động lực phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và các vùng là cần thiết.
Cơ bản thống nhất 09 nội dung Ủy ban Kinh tế thẩm tra, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đưa ra 4 nội dung đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo trao đổi, báo cáo thêm.
Về đề xuất cơ chế, chính sách triển khai đầu tư dự án, trên cơ sở kết luận của Chủ tịch Quốc hội đưa ra ngày 26/11, Chính phủ đã có sự tiếp thu bước đầu. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, cần tiếp tục hoàn thiện phương án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng hợp lý nhất để làm cơ sở Ủy ban Thường vụ xem xét, quyết định; đồng thời lưu ý phương án đề xuất phải bảo đảm sự kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái rừng, không làm phát sinh chi phí đầu tư.
Cũng tại Phiên thảo luận, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn cho ý kiến về tiến độ hoàn thiện dự án, nguồn vốn đầu tư; phương án thu phí để thu hồi vốn hoàn trả ngân sách Trung ương; xem xét, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng ở bước nghiên cứu khả thi của dự án.
Giao thông Vận tải quản lý, đầu tư dự án, không giao cho địa phương làm chủ đầu tư
Phát biểu kết luận Phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025. Tại Phiên thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tập trung cho ý kiến, đề xuất vào các nội dung:
Thứ nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét quyết định chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 tại kỳ họp bất thường Quốc hội khóa XV.
Thứ hai, đề nghị Chính phủ nghiên cứu tiếp thu ý kiến của cơ quan thẩm tra, ý kiến tham gia của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm nay và lưu ý một số vấn đề sau:
Nghiên cứu, cân nhắc thêm phương án đầu tư Dự án theo quy mô 4 làn xe = 24,75m so với qui mô 4 làn xe =17m để bảo đảm an toàn, hiệu quả trong quá trình khai thác và mở rộng giai đoạn sau, nhất là đối với đoạn có nền đất yếu như Cần Thơ – Cà Mau.
Tiếp tục rà soát, tính toán kỹ sơ bộ tổng mức đầu tư của từng dự án thành phần và phương án thiết kế sơ bộ bảo đảm phù hợp, tiết kiệm, hiệu quả đúng quy định pháp luật, tránh ảnh hưởng đến môi trường, hệ sinh thái; đồng thời bổ sung làm rõ phương án lựa chọn công nghệ chính cho Dự án.
Giao Bộ Giao thông Vận tải quản lý, đầu tư dự án, không giao cho địa phương làm chủ đầu tư các dự án thành phần mà chỉ giao kinh phí và việc thực hiện giải phóng mặt bằng cho các địa phương. Đây là cơ chế hiện nay đang thực hiện, cơ bản không có vướng mắc. Nếu giao cho địa phương làm chủ đầu tư dự án thành phần sẽ không phù hợp với quy định của Luật Giao thông đường bộ, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý tài sản công, khó bảo đảm chất lượng, tiến độ và tính thống nhất trong quá trình thực hiện Dự án, đặc biệt đây là dự án quan trọng quốc gia đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng cao và đòi hỏi thi công đồng bộ, thống nhất nên cần quản lý tập trung, thống nhất.
Thống nhất trình Quốc hội xem xét quyết định việc đầu tư toàn bộ dự án bằng vốn đầu tư công nhưng đề nghị Chính phủ rà soát, điều hòa nguồn vốn đầu tư công trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và nguồn vốn đầu tư công trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để ưu tiên vốn của Chương trình phục hồi cho các dự án trọng điểm, có tác dụng lan tỏa, liên kết vùng, thúc đẩy tăng trưởng, có khả năng hấp thụ vốn và đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành trong hai năm 2022- 2023; đồng thời sắp xếp lại kế hoạch đầu tư công trung hạn để bố trí từ nguồn vốn trong kế hoạch trung hạn thực hiện dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2024 - 2025.
Thống nhất trình Quốc hội quyết định việc Quốc hội ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng của Dự án trong bước báo cáo nghiên cứu khả thi. Tuy nhiên, đề nghị bổ sung, làm rõ thẩm quyền đối với việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa 2 vụ khoảng 1.532 ha để Quốc hội có cơ sở xem xét, quyết định.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu hướng tuyến và các điều kiện khác để đảm bảo chi phí đầu tư xây dựng đường cao tốc hợp lý, tiết kiệm trên cơ sở chuyển đổi đất rừng, đất trồng lúa tối ưu nhất. Đồng thời diện tích đất phải thu hồi cho Dự án rất lớn, số hộ bị ảnh hưởng nhiều nên việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng phải công khai minh bạch, đảm bảo ổn định cuộc sống cho người dân bị thu hồi đất.
Ngoài ra, đề nghị Chính phủ nghiên cứu để có phương án thu hồi vốn khả thi khi đưa dự án vào khai thác sử dụng để tạo nguồn trả nợ, nguồn duy tu, sửa chữa lớn và nguồn đầu tư các công trình khác; có các giải pháp để xử lý những những khó khăn, vướng mắc, không để thiếu nguyên vật liệu, bãi đổ thải, các điều kiện đảm bảo khác để hoàn thành dự án chất lượng, đúng tiến độ.
Thứ 3, đề nghị Chính phủ tiếp thu các ý kiến tham gia, chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ Dự án và dự thảo Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, gửi Quốc hội và cơ quan thẩm tra. Ủy ban Kinh tế thẩm tra chính thức trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp bất thường, Quốc hội khóa XV
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thống nhất trình Quốc hội xem xét đầu tư toàn bộ dự án bằng vốn đầu tư công. Tuy nhiên, Chính phủ cần rà soát, điều hoàn nguồn vốn đầu tư công trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và nguồn vốn đầu tư công trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để ưu tiên vốn của Chương trình cho các dự án trọng điểm, có tác động lan tỏa, liên kết vùng, thúc đẩy tăng trưởng, có khả năng hấp thụ vốn và đẩy nhanh tiến độ hoàn thành trong 2 năm 2022 – 2023. Đồng thời sắp xếp lại kế hoạch đầu tư công trung hạn để bố trí từ nguồn vốn trong kế hoạch trung hạn thực hiện dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2024 – 2025.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng lưu ý, diện tích đất bị thu hồi cho Dự án rất lớn, một số hộ bị ảnh hưởng nhiều, do đó, việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng phải công khai, minh bạch, bảo đảm đời sống cho người dân bị thu hồi đất, không để phát sinh vấn đề phức tạp, kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ thi công, chú ý đến vấn đề phòng chống thiên tai, ảnh hưởng đến đời sống người dân khu vực dự án, như vấn đề sản xuất, vấn đề dân sinh…