Việt Nam chi hơn 600 triệu USD nhập khẩu thịt lợn

Kinh tế - Ngày đăng : 21:23, 06/12/2021

10 tháng đầu năm, Việt Nam nhập trên 332.000 tấn thịt lợn các loại (chưa kể lợn sống), tăng gần 300% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, 10 tháng năm 2021, có khoảng 350.000 con heo sống được nhập khẩu từ Thái Lan về giết mổ, tăng trên 50% so với cùng kỳ. Cùng với lợn sống, có gần 332.000 tấn thịt heo các loại được nhập khẩu về Việt Nam, tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2020. Như vậy, trong 10 tháng, Việt Nam đã chi 617 triệu USD để nhập khẩu thịt heo đông lạnh và heo sống.

5 quốc gia xuất khẩu thịt heo nằm trong top đầu ở thị trường Việt Nam là Nga, Đức, Brazil, Hà Lan và Canada, trong đó riêng Nga chiếm 42,8% thị phần, đạt 142,3 triệu tấn.

Thịt heo nhập khẩu bán trên đường Lê Đức Thọ, Gò Vấp (TP HCM). Ảnh: Thi Hà

Thịt heo nhập khẩu bán trên đường Lê Đức Thọ, Gò Vấp (TP HCM). Ảnh: Thi Hà

Tại thị trường trong nước, giá heo hơi thời gian qua liên tục đi xuống ở mức 40.000 đồng một kg. Tuy nhiên, 2 ngày gần đây thị trường bắt đầu đảo chiều do sức mua để chuẩn bị hàng cho dịp Tết Nguyên đán tăng nên heo hơi đi lên quanh mức 43.000-50.000 đồng một kg. Nhưng giá bán lẻ của thịt đã pha lóc vẫn còn cao, thậm chí cao hơn nhiều so với hàng nhập khẩu.

Trước đó, có nhiều ý kiến cho rằng, việc nhập khẩu thịt lợn ồ ạt về Việt Nam là một phần nguyên nhân dẫn đến giá lợn hơi trong nước lao dốc. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, thịt lợn nhập khẩu chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với tổng sản lượng thịt lợn trong nước. Vị này cho rằng nhập khẩu không phải là nguyên nhân chủ yếu khiến giá lợn hơi xuống thấp thời gian qua mà cốt lõi do cung cầu thị trường.

Cùng với thịt heo, 10 tháng đầu năm Việt Nam cũng nhập 50.000 tấn thịt bò với giá trị 220 triệu USD. Trong đó, bò từ Australia chiếm 50% thị phần với số lượng lên tới 25.000 tấn trong 10 tháng.

Minh Khang