“Cởi trói” cho doanh nghiệp, nền kinh tế khởi sắc
Kinh tế - Ngày đăng : 11:01, 07/12/2021
Doanh nghiệp phục hồi nhờ chiến lược thích hợp
Đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 tại nhiều tỉnh thành trên cả nước đã "vô hiệu hóa" hầu hết các cơ hội tăng trưởng mà doanh nghiệp đang có. Các nguồn lực của doanh nghiệp bị đóng băng, không thể lưu thông, thậm chí bị bào mòn do chi phí cố định vẫn phải chi, thậm chí tăng thêm để đáp ứng quy định phòng, chống dịch trong khi doanh thu giảm mạnh hoặc bằng không. Những doanh nghiệp có chi phí cố định lớn và vay ngân hàng càng nhiều thì rủi ro càng cao.
Sau thời gian nhiều tháng áp dụng chiến lược "zero COVID-19" khiến nền kinh tế suy giảm nghiêm trọng, Chính phủ và các bộ, ngành đã điều chỉnh chiến lược ứng phó với dịch COVID-19 theo phương châm “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.
Nhờ đó, các doanh nghiệp đã nhanh chóng khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy sự lưu thông hàng hóa trong nước cũng như tận dụng cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu dịp cuối năm. Kinh tế quý 4 năm 2021 sẽ khởi sắc và bù đắp phần nào những tổn thất trước đó.
Tại Diễn đàn “Kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và Phát triển bền vững”, ở góc độ doanh nghiệp, ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Cơ khí - Điện Thành phố Hồ Chí Minh cho biết hiện nay tình hình hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn thành phố cơ bản phục hồi khá tốt.
Riêng các doanh nghiệp trong ngành cơ khí - điện đã phục hồi trên 90% công suất hoạt động; thậm chí, có doanh nghiệp đạt trên 100% để đáp ứng nhu cầu tăng mạnh của khách hàng trong dịp cuối năm.
Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 được ban hành trong thời gian qua cũng đã phần nào trợ giúp các doanh nghiệp hồi phục nhanh hơn.
“Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi hiện nay có rất nhiều rồi, vấn đề nằm ở chỗ hiệu quả thực thi chính sách. Doanh nghiệp mong muốn thời gian tới, các bộ, ngành liên quan có giải pháp hiệu quả hơn trong việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính để doanh nghiệp tiếp cận chính sách dễ hơn, phù hợp hơn với từng nhóm đối tượng doanh nghiệp”, ông Đỗ Phước Tống chia sẻ.
Giải pháp trụ cột để kinh tế phục hồi, tăng tốc
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng giải pháp quan trọng là tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp tiếp cận được vốn để phục hồi sản xuất, kinh doanh, vượt qua được giai đoạn khó khăn. Theo đó, ngân hàng nên thay đổi các phương thức tiếp cận, đẩy mạnh theo hướng đồng hành cùng doanh nghiệp, bám sát theo các hợp đồng để đưa vốn vào sản xuất. Qua đó xem dòng tiền đi đâu, cho vay làm việc gì. Điều này sẽ tránh được chuyện trục lợi.
Cũng theo ông Tuấn, nền kinh tế, có nghĩa là không chỉ các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng được quan tâm, mà ngay cả các hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ cũng phải được quan tâm như vậy. Và để sản xuất, kinh doanh được phục hồi và nhanh chóng tăng tốc, các quy định về phòng chống dịch cũng như lộ trình mở cửa trở lại cần có sự phối hợp, thống nhất giữa các địa phương để đảm bảo chuỗi sản xuất được thông suốt.
Ngoài ra, nếu Chính phủ và Quốc hội có thể thiết kế một chương trình cải cách thể chế đồng bộ, toàn diện thì như Chủ tịch VCCI từng nói, chương trình đó có tác dụng tích cực không kém một “gói cứu trợ” hàng trăm ngàn tỷ đồng. Doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí, nguồn lực quốc gia được giải phóng và tạo đà cho nền kinh tế bứt phá nhanh hơn, bền vững hơn trong giai đoạn tới.
Bổ sung thêm giải pháp tăng tốc nền kinh tế, ĐBQH Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân nhận định, Ngoài giải pháp truyền thống thì trong bối cảnh đặc biệt phải thực hiện những giải pháp đặc biệt. Rất cần đặt hàng cho các tập đoàn tư nhân thực hiện giải ngân vốn đầu tư công chứ không phải dựa vào các dự án đầu tư do những cơ quan nhà nước, địa phương, bộ ngành thực hiện. Chúng ta dùng các tập đoàn tư nhân để phát triển công trình và chúng ta trả tiền cho họ bằng vốn đầu tư công này thông qua phương thức đặt hàng, vừa nhanh vừa hiệu quả.
Chúng ta có cơ hội để dùng tiền vốn đầu tư vào những lĩnh vực lâu nay chúng ta thấy có thể bị cạnh tranh. Nếu tiền đổ vào sản phẩm làm cho giá tăng lên có thể dẫn đến nguy cơ đầu cơ nhưng bây giờ chúng ta đang thiếu nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân…, nếu dòng tiền này đầu tư vào các chương trình phát triển các công trình đó thì không tạo ra bong bóng mà lại là cơ hội để chúng ta đầu tư phát triển.
Phát biểu bế mạc Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh rằng, Nhà nước, ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp cũng là tự giúp mình. Chủ tịch Quốc hội cho rằng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp chính là để nuôi dưỡng nguồn thu cho ngân sách, cho hệ thống ngân hàng.
“Ở đây không phải là Nhà nước, ngân hàng đứng ra làm ơn, ban ơn. Nhà nước, ngân hàng đứng ra hỗ trợ doanh nghiệp thì cũng là tự mình giúp mình. Không có doanh nghiệp thì làm gì có việc làm, làm gì có thu nhập, làm gì có thuế, làm gì có lợi nhuận cho ngân hàng”, Chủ tịch Quốc hội nói.
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NĐ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)