Nhóm đối tượng làm nhục cháu gái, cưỡng đoạt tài sản ở shop quần áo đối mặt khung hình phạt nào?
Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 10:54, 05/12/2021
Trao đổi với PV, Luật sư Nguyễn Anh Đức (Công ty Luật Năm Châu) cho rằng, hành vi của nhóm đối tượng diễn ra ở shop Mai Hường khiến dư luận vô cùng bức xúc. Cơ quan tố tụng khi nhận được thông tin đã nhanh chóng vào cuộc, xác minh, khởi tố, bắt tạm giam các đối tượng được đông đảo người dân hoan nghênh.
Về phía nạn nhân đã nhận thức được hành vi sai trái của mình và có trách nhiệm đền bù thiệt hại. Dưới góc độ của người làm luật, tôi thấy đó là một sự thẳng thắng, dám làm, dám chịu. Tuổi trẻ thường có lúc xốc nổi, bồng bột, không kiểm soát được hành vi. Chính vì thế mà người lớn có trách nhiệm định hướng, uốn nắn. Ngay cả với luật pháp cũng có các chế tài xử lý nhẹ hơn khi người dưới 18 tuổi phạm tội.
Nhóm đối tượng ở shop Mai Hường lại có hành vi đe dọa, đánh đập, làm nhục danh dự nhân phẩm của cháu gái như thế là vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật. Tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm và hậu quả xảy ra sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nhóm đối tượng đã dùng lời nói và cả hành động xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm danh dự của người khác như: lăng mạ, lột áo, cắt áo ngực sau đó còn quay clip, phát tán trên mạng xã hội.
Hành vi làm nhục người khác trong trường hợp này được xác định là có sử dụng phương tiện điện tử nên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2, Điều 155, Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015. Khung hình phạt cao nhất là 2 năm tù giam. Người vi phạm còn phải bồi thường thiệt hại đến danh dự nhân phẩm, uy tín đối với nạn nhân.
Nhóm đối tượng còn thực hiện hành vi đe dọa, nhắn tin uy hiếp tinh thần của nạn nhân để buộc nạn nhân phải đưa số tiền tới 30 triệu đồng là cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản. Đặc trưng cơ bản của tội cưỡng đoạt tài sản là người phạm tội đã có hành vi uy hiếp tinh thần của người có trách nhiệm về tài sản bằng những thủ đoạn đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác làm cho người có trách nhiệm về tài sản lo sợ mà phải giao tài sản cho người phạm tội
Tội cưỡng đoạt tài sản cùng lúc xâm hại đến hai khách thể (quan hệ sở hữu và quan hệ nhân thân), nhưng chủ yếu là quan hệ sở hữu. Trong đó, việc xâm hại đến quan hệ nhân thân không phải mục đích của tội phạm mà chỉ đe dọa tinh thần làm cho người bị cưỡng đoạt phải giao tài sản. Tội cưỡng đoạt tài sản là tội có cấu thành hình thức và được coi là hoàn thành từ thời điểm người phạm tội thực hiện một trong các hành vi phân tích ở trên chứ không phụ thuộc vào việc có chiếm đoạt được tài sản hay không. Trường hợp phạm tội với người dưới 16 tuổi hoặc hành vi được xác định là ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội thì đối tượng phạm tội sẽ bị xử lý theo khoản 2, điều 170, BLHS năm 2015, với mức chế tài phạt tù cao nhất là 10 năm.
Trong vụ việc này, ngoài 2 đối tượng đã bị khởi tố, bắt tạm gia còn có một số người hỗ trợ. Quá trình điều tra cơ quan tố tụng sẽ làm rõ vai trò của các đối tượng có liên quan. Tùy tính chất, mức độ, cơ quan tố tụng sẽ xem xét xử lý với vai trò đồng phạm.
Các cơ quan chức năng cũng sẽ làm rõ hoạt động kinh doanh của shop này được thực hiện như thế nào, các hàng hóa là quần áo bày bán có nguồn gốc xuất xứ hay không, có hóa đơn chứng từ hợp pháp hay không, để xử lý theo quy định của pháp luật.
Nạn nhân trong vụ việc này có hoàn cảnh khó khăn, bố mất do tai nạn giao thông, 1 mình mẹ nuôi 4 chị em ăn học. Thu nhập trông chờ vào mấy sào ruộng kém năng suất. Sau sự việc, cháu gái vẫn đang rất hoảng loạn, gia đình phải đưa cháu vào bệnh viện để điều trị. Chính quyền địa phương và cả nhà trường nơi cháu đang học đã xuống thăm hỏi, động viên để sớm vượt qua biến cố, trở lại đi học.