Truyền 10 lọ huyết thanh cứu người đàn ông bị rắn cắn

Sức khỏe - Ngày đăng : 09:46, 30/11/2021

Phương pháp sử dụng huyết thanh kháng nọc để điều trị người bệnh bị rắn cắn được xem là phương pháp điều trị đặc hiệu, mang lại hiệu quả cao, rút ngắn thời gian điều trị và giảm tỷ lệ tử vong.

Bệnh nhân Đ.V.H. (sinh năm 1977, trú tại Tân Sơn, Phú Thọ) được gia đình đưa vào Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ trong tình trạng sưng nề vùng cổ chân lan rộng bàn chân; cẳng chân, đùi phải kèm theo có nốt nanh độc, rỉ máu tươi qua vết thương.

Theo lời kể của bệnh nhân H., anh đang đi lấy củi thì bất ngờ bị rắn cắn vào cổ chân bên phải. Sau khi bị cắn, cổ chân anh sưng nề, đau buốt.

bn.jpeg
Bệnh nhân đang được theo dõi tại bệnh viện

Qua thăm khám và hỏi bệnh, các bác sĩ đã nghĩ đến khả năng người bệnh bị rắn lục cắn và chỉ định người bệnh đi làm các xét nghiệm để chẩn đoán xác định.

Kết quả xét nghiệm cho thấy người bệnh có tình trạng rối loạn đông máu, kèm theo giảm tiểu cầu (tiểu cầu 33x109G/l). Người bệnh được cho dùng 10 lọ huyết thanh kháng nọc đặc hiệu kháng nọc rắn lục tre.

Sau 6 giờ, bệnh nhân đỡ sưng nề tại chỗ rắn cắn, hết chảy máu, xét nghiệm tiểu cầu, đông máu cải thiện và ổn định.

Bác sĩ Hà Thế Linh - Khoa Cấp cứu, cho biết, trước đây bệnh nhân bị rắn hổ mang và rắn lục cắn thường phải chuyển về Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, vì không có huyết thanh kháng nọc rắn.

Theo bác sĩ Linh, đây là trường hợp rắn lục cắn được dùng huyết thanh kháng nọc đầu tiên tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ có kết quả điều trị tốt. Hiện tại, bệnh viện đã có một số loại huyết thanh kháng nọc cho một số loại rắn như: rắn lục, rắn hổ mang...

Bác sĩ Linh cũng khuyến cáo, người dân khi bị rắn cắn phải khẩn trương sơ cứu và nhanh chóng đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời. Tuyệt đối không tự chữa mẹo, đắp các loại lá thuốc làm chậm trễ điều trị và nguy hiểm đến tính mạng.

Chí Tâm