Omicron - Siêu biến chủng mới "đáng lo ngại" của virus SARS-CoV-2
Chuyển động - Ngày đăng : 10:01, 27/11/2021
WHO đặt tên siêu biến chủng mới là Omicron
Biến thể Omicron (B.1.1.529) lần đầu tiên được báo cáo cho WHO từ Nam Phi vào ngày 24/11. Ca nhiễm Omicron đầu tiên được xác nhận là từ mẫu bệnh phẩm được thu thập vào hôm 9/11. Tình hình dịch tễ học ở Nam Phi, trong những tuần gần đây, các ca nhiễm đã tăng mạnh, trùng với việc phát hiện biến thể Omicron.
WHO đã phân loại biến thể mới nhất của virus SARS-CoV-2 này là "đáng lo ngại". Trong một tuyên bố đưa ra sau cuộc họp khẩn cấp cùng ngày, WHO nêu rõ, biến thể B.1.1.529 có số lượng lớn các đột biến (32 đột biến), trong đó một số đáng lo ngại. Bằng chứng ban đầu cho thấy nguy cơ lây nhiễm với biến thể này cao hơn so với các biến chủng khác.
Các nhà nghiên cứu của WHO đã đặt tên biến thể mới là Omicron theo cách sử dụng các chữ cái trong bảng chữ cái Hy Lạp. Theo WHO, các công cụ phát hiện virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp PCR hiện nay có thể phát hiện biến thể mới Omicron.
Qua phân tích, biến chủng Omicron có 32 đột biến trong protein gai, phần mà hầu hết các loại vaccine sử dụng để tạo ra hệ thống miễn dịch chống nCoV. Các đột biến protein gai có thể ảnh hưởng tới khả năng nhiễm bệnh và tốc độ lây lan của virus, cũng như khiến tế bào miễn dịch khó tấn công mầm bệnh hơn.
Do đó, với lượng đột biến lớn như trên, các nhà khoa học đang lo ngại rằng biến chủng Omicron có thể giúp SARS-CoV-2 lẩn tránh miễn dịch.
Một vấn đề khác là biến thể này dường như lây lan rất nhanh. Nhà virus học Nam Phi Tulio de Oliveira lưu ý rằng biến thể Omicron hiện “thống trị tất cả ca nhiễm” ở nước này sau chưa đầy hai tuần. Chủng Delta từng là biến thể thống trị cho đến khi xuất hiện biến thể mới.
Hiện vẫn chưa rõ liệu biến thể mới có làm tình trạng bệnh của người nhiễm tiến triển nặng hơn hay không. Các nhà khoa học vẫn đang tiến hành thêm nghiên cứu. Các nhà khoa học có thể sẽ mất vài tuần để nghiên cứu thêm thông tin về biển chủng mới và mối đe dọa nghiêm trọng mà biến thể này có thể gây ra.
Nhóm tư vấn kỹ thuật về sự tiến hóa của virus SARS-CoV-2 (TAG-VE), một nhóm chuyên gia độc lập theo dõi và đánh giá định kỳ sự tiến hóa của SARS-CoV-2, có nhiệm vụ đánh giá xem liệu các đột biến và sự kết hợp của đột biến có làm thay đổi hành vi của virus hay không. Dựa trên các số liệu sơ bộ, các chuyên gia của TAG-VE đánh giá Omicron cho thấy sự thay đổi gây nguy hại và TAG-VE khuyến cáo WHO phân loại biến chủng mới này vào diện “biến chủng đáng lo ngại” (VOC).
Ngoài Nam Phi, biến thể được đánh giá là tiến hóa nhất từ trước tới nay cũng có mặt ở Botswana (4 ca) và Đặc khu hành chính Hong Kong của Trung Quốc (1 ca).
Nhiều nước khẩn trương, mạnh tay ngăn chặn biến chủng mới lây lan
Trong bối cảnh ngày càng nhiều ý kiến lo ngại về một loại biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 phát hiện ở Nam Phi, Liên minh châu Âu (EU) đề xuất dừng mọi hoạt động đi lại hàng không với khu vực miền Nam châu Phi.
Đăng tải trên Twitter ngày 26/11, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết EC sẽ phối hợp với các nước thành viên để đề xuất kích hoạt cơ chế khẩn cấp cho phép dừng các hoạt động đi lại bằng đường hàng không từ khu vực miền Nam châu Phi do lo ngại về biến thể mới B.1.1.529. Theo các nhà khoa học Nam Phi, biến thể này có những đột biến rất dị thường và đáng quan ngại vì những đột biến này có thể giúp virus vô hiệu hóa phản ứng miễn dịch của cơ thể và có khả năng lây nhiễm cao hơn.
Trong khi đó, một nguồn tin từ Bộ Y tế Đức cho biết nước này chuẩn bị đưa Nam Phi vào danh sách khu vực ghi nhận biến thể nguy hiểm sau sự xuất hiện của B.1.1.529. Theo nguồn tin này, quyết định trên sẽ có hiệu lực từ tối 26/11, đồng nghĩa rằng các hãng hàng không sẽ chỉ được phép chở công dân Đức từ Nam Phi về nước. Những người trở về cũng sẽ phải cách ly 14 ngày kể cả đã được tiêm phòng đầy đủ.
Cùng ngày 26/11, Italy đã áp dụng lệnh cấm nhập cảnh với những người từng đến các nước ở miền Nam châu Phi, trong đó Nam Phi, trong 14 ngày gần nhất do lo ngại biến thể mới. Bộ trưởng Y tế Italy Roberto Speranza đã ký chỉ thị cấm nhập cảnh với những người đến từ các quốc gia gồm Nam Phi, Lesotho, Bostwana, Zimbabwe, Mozambique, Namibia và Eswatini.
Trong khi đó, Czech cũng đã ban hành lệnh cấm đi lại với Nam Phi và các nước châu Phi khác để ngăn chặn nguy cơ lây lan biến thể mới. Theo đó, Ngoại trưởng Séc Jakub Kullhanek cho biết lệnh cấm có hiệu lực từ ngày 27/11, áp dụng với các du khách nước ngoài từng đến và lưu lại hơn 12 tiếng tại các nước gồm Nam Phi, Namibia, Lesotho, Eswatini, Zimbabwe, Botswana, Mozambique và Zambia.
Trước đó, Anh đã nhanh chóng ban hành lệnh cấm bay từ các nước gồm Nam Phi, Namibia, Bostwana, Zimbabwe, Lesotho và Eswatini. Lý giải cho lệnh cấm này, Bộ trưởng Giao thông Anh Grant Shapps nêu rõ bài học từ những đợt dịch trước chỉ ra rằng những hành động can thiệp từ sớm là rất cần thiết.
Tại Pháp, Bộ trưởng Y tế Olivier Véran cho biết, nước này cũng đã quyết định ngừng tất cả các chuyến bay khởi hành từ miền Nam châu Phi đến Pháp trong vòng 48 giờ. Bộ trưởng Véran nhấn mạnh hiện chưa có trường hợp nào tại châu Âu được chẩn đoán nhiễm biến thể B.1.1.529. Ông cũng cho biết thêm rằng tất cả những người từng đến khu vực này đều sẽ được xét nghiệm sàng lọc và giám sát chặt chẽ.
Lo ngại về tác động của siêu biến thể trên, ngày 25/1, các quan chức Malaysia tuyến bố, sẽ siết chặt quy định với người nhập cảnh từ 7 quốc gia châu Phi gồm Nam Phi, Botswana, Eswatini, Lesotho, Mozambique, Namibia và Zimbabwe. Theo đó, tất cả các trường hợp không phải là công dân Malaysia và những người không thuộc diện cư trú tại nước này có lịch trình đi lại tới 7 quốc gia này trong thời gian gần đây đều không được phép nhập cảnh. Các công dân Malaysia và người nước ngoài thuộc diện cư trú ở Malaysia vẫn sẽ được phép nhập cảnh, song phải tuân thủ quy định cách ly. Ngoài ra, Malaysia cũng cấm công dân nước này tới 7 quốc gia châu Phi nói trên.
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa sẽ triệu tập Hội đồng quốc gia phòng chống COVID-19 vào ngày 28/11 tới sau khi các nhà khoa học phát hiện một siêu biến thể mới của virus SARS-CoV-2 tại nước này.
Tuyên bố ngày 26/11 của Chính phủ Nam Phi nêu rõ các quyết định được Hội đồng trên đưa ra sẽ trở thành căn cứ để chính phủ ban hành đánh giá về tình hình dịch COVID-19, trong đó có việc triển khai các mức độ phong tỏa phù hợp.