Tin vắn thế giới ngày 27/11: EU kêu gọi dừng liên kết không vận với tất cả các địa điểm đã phát hiện B.1.1.529

Chuyển động - Ngày đăng : 07:41, 27/11/2021

Taliban xác nhận đàm phán với Mỹ sẽ được nối lại ở Doha; Ấn Độ nối lại hoạt động xuất khẩu vaccine theo cơ chế COVAX; EU kêu gọi dừng liên kết không vận với tất cả các địa điểm đã phát hiện biến thể B.1.1.529… là tin tức thế giới đáng chú ý.

Taliban xác nhận đàm phán với Mỹ sẽ được nối lại ở Doha

Người phát ngôn chính quyền Taliban tại Afghanistan, ông Zabihullah Mujahid ngày 26/11 xác nhận các cuộc đàm phán giữa Taliban với Mỹ sẽ được nối lại ở thủ đô Doha của Qatar.

Ông bày tỏ hy vọng đàm phán sẽ làm mới lại các cam kết, xóa bỏ các lo ngại và tiếp tục các nỗ lực nhằm dỡ bỏ phong tỏa đối với tài sản của chính quyền Afghanistan ở nước ngoài.

zabihullahmujahid.jpg
Người phát ngôn chính quyền Taliban tại Afghanistan, ông Zabihullah Mujahid

Campuchia công bố kết quả hội nghị ASEM 13 và 3 văn kiện chính

Chiều 26/11, Bộ Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế Campuchia phát thông cáo báo chí về kết quả Hội nghị Cấp cao Á - Âu lần thứ 13 (ASEM 13) diễn ra theo hình thức trực tuyến trong hai ngày 25 - 26/11 với việc thông qua 3 văn kiện chính.

Thông cáo nêu bật phát biểu của Thủ tướng Hun Sen cho rằng trong 25 năm qua, ASEM đã chứng tỏ là nền tảng quan trọng sống còn, kết nối châu Á và châu Âu, thúc đẩy quan hệ đối tác giữa hai châu lục. Hướng tới 25 năm sau, ông nhấn mạnh các đối tác ASEM cần nỗ lực gấp đôi cam kết của mình về một cơ chế đa phương hiệu quả, toàn diện và thích ứng linh hoạt trong giai đoạn phục hồi hậu COVID-19, và cần là một ASEM có tầm nhìn, mạnh mẽ trong quản trị toàn cầu.

ASEM 13: Malaysia đề cao tầm quan trọng của hòa bình, an ninh và ổn định

Phát biểu tại phiên họp toàn thể thứ hai của Hội nghị Cấp cao Á - Âu lần thứ 13 (ASEM 13) theo hình thức trực tuyến ngày 26/11, Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob khẳng định Malaysia luôn coi trọng tầm quan trọng của hòa bình, an ninh và ổn định cũng như sự chung sống hòa bình, coi đây là phương tiện giải quyết các vấn đề địa chính trị hiện nay, đảm bảo sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của các quốc gia trên thế giới.

Tổng thống Nga công du Ấn Độ

Ngày 26/11, Điện Kremlin thông báo Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ công du Ấn Độ vào tháng tới.

Thông báo của Điện Kremlin nêu rõ Tổng thống Putin sẽ tới Ấn Độ vào ngày 6/12 để hội đàm với Thủ tướng nước chủ nhà Narendra Modi. Tại đây, hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về việc thúc đẩy "mối quan hệ đối tác chiến lược đặc quyền" giữa Nga và Ấn Độ.

Nội các Nhật Bản thông qua dự thảo ngân sách bổ sung trị giá 314 tỷ USD

Ngày 26/11, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua dự thảo ngân sách bổ sung của tài khóa 2021 với tổng trị giá lên tới 36.000 tỷ yen (khoảng 314 tỷ USD) để tài trợ một phần cho gói kích thích kinh tế nhằm vực dậy nền kinh tế sau đại dịch COVID-19.

Italy và Pháp ký hiệp định lịch sử về nâng tầm quan hệ song phương

Ngày 26/11, Thủ tướng Italy Mario Draghi và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã ký Hiệp định Quirinale tại Rome nhằm thiết lập một khuôn khổ ổn định và chính thức cho việc tăng cường hợp tác song phương, theo hình mẫu của Hiệp ước Elysée được ký năm 1963, và góp phần xây dựng một châu Âu hùng mạnh hơn.

Ấn Độ nối lại hoạt động xuất khẩu vaccine theo cơ chế COVAX

Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII), nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, ngày 26/11 cho biết đã vận chuyển lô vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên của hãng AstraZeneca, có tên thương mại là Covishield, cho cơ chế tiếp cận vaccine toàn cầu COVAX sau 8 tháng tạm dừng.

Quyết định nối lại xuất khẩu được đưa ra sau khi SII vượt chỉ tiêu ban đầu về sản xuất 1 tỷ liều Covishield vào cuối năm. SII cho biết hiện tổng số liều vaccine của AstraZeneca đã sản xuất là 1,25 tỷ liều.

EU chấm dứt chương trình cấp phép xuất khẩu vaccine

Thông báo của Liên minh châu Âu (EU) ngày 26/11 cho biết từ năm 2022, EU sẽ chấm dứt cơ chế xuất khẩu vaccine phòng COVID-19 và thực hiện một cơ chế giám sát mới.

Người phát ngôn của Ủy ban châu Âu (EC) Dana Spinant nêu rõ kể từ ngày 1/1/2022, các nhà sản xuất vaccine ở trong EU sẽ không được xin phép xuất khẩu vaccine ra ngoài khối. Tuy nhiên, EU vẫn sẽ đảm bảo tính minh bạch trong xuất khẩu vaccine thông qua một cơ chế giám sát mới đang được xây dựng.

Nam Phi kêu gọi người dân tiêm phòng COVID-19 trong bối cảnh xuất hiện biến thể virus mới

Ngày 26/11, Chính phủ Nam Phi kêu gọi người dân tiêm vaccine ngừa COVID-19 trong bối cảnh một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện ở nước này và được coi là nguy hiểm nhất chưa được xác định là B.1.1.529.

Hungary hối thúc người dân tiêm mũi tăng cường vaccine ngừa COVID-19

Ngày 26/11, Thủ tướng Hungary Viktor Orban tuyên bố nước này cần tăng số người được tiêm mũi tăng cường vaccine ngừa COVID-19 để khống chế số ca lây nhiễm hiện nay.

Ông cho rằng nếu việc tiêm vaccine có thể giúp kiềm chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2, thì chính phủ sẽ không cần phải áp đặt các biện pháp phong tỏa.

Bỉ là nước châu Âu đầu tiên ghi nhận ca nhiễm biến thể mới B.1.1.529

Ngày 26/11, Bỉ thông báo đã phát hiện ca đầu tiên tại châu Âu nhiễm siêu biến thể B.1.1.529 của virus SARS-CoV-2. Đó là một người chưa được tiêm phòng, vừa trở về từ nước ngoài.

Australia sẵn sàng ứng phó với biến thể mới của virus SARS-CoV-2

Các cơ quan chức năng Australia đang theo dõi chặt chẽ biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 vừa được phát hiện ở Nam Phi.

Bộ trưởng Y tế Greg Hunt khẳng định Australia đã được chuẩn bị tốt nếu biến thể mới có tên B.1.1.529 xâm nhập nước này. Ông cho biết chính quyền không cần thay đổi ngay lập tức kế hoạch mở cửa trở lại đất nước, nhưng sẽ phản ứng nhanh chóng theo khuyến nghị của các chuyên gia y tế.

Hungary lên kế hoạch cấp phép sử dụng vaccine Sputnik Light

Viện Dược phẩm và dinh dưỡng quốc gia Hungary (NIPN) thông báo kế hoạch bắt đầu đàm phán với các đối tác Nga từ ngày 29/11 về việc cấp phép sử dụng vaccine Sputnik Light tại Hungary.

Phát biểu tại họp báo ở Nga, Ngoại trưởng Peter Szijjarto khẳng định vaccine Sputnik Light "có hiệu quả cao khi được dùng để tiêm tăng cường". Trong chương trình tiêm chủng đại trà của mình, bên cạnh các vaccine do phương Tây sản xuất, Hungary cũng sử dụng vaccine Sputnik V cho dù việc Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) chưa cấp phép cho vaccine này.

Lây nhiễm COVID-19 kỉ lục, Đức điều không quân vận chuyển bệnh nhân nặng

Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn cho biết cơ quan chức năng có thể sẽ huy động máy bay quân sự để di chuyển bệnh nhân COVID-19 nặng từ nơi có tỉ lệ sử dụng buồng ICU cao đến nơi có công suất buồng còn thấp.

Trao đổi với báo giới, Bộ trưởng Spahn cùng Giám độc Viện Robert Koch (RKI) cho biết quân đội Đức sẵn sàng cho chiến dịch không vận, di chuyển khoảng 100 bệnh nhân nặng tới các bệnh viện khác, nơi có tỉ lệ buồng ICU còn trống cao hơn.

112721-duc-icu.jpg
Bên trong một máy bay A310 được trang bị đầy đủ thiết bị y tế làm nhiệm vụ vận chuyển bệnh nhân COVID-19 nặng. Ảnh: DPA

Lào phê chuẩn tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 tăng cường

Ngày 26/11, Lào đã phê chuẩn việc tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 tăng cường cho lực lượng tuyến đầu bằng vaccine của hãng dược phẩm AstraZeneca với điều kiện những người này đã tiêm đủ 2 mũi tối thiểu được 5 tháng.

Israel khẩn cấp đối phó với biến thể mới của virus SARS-CoV-2

Ngày 26/11, Thủ tướng Israel đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp với các bộ ngành liên quan để bàn biện pháp đối phó với nguy cơ biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây ra làn sóng dịch bệnh mới tại nước này.

Sau cuộc họp, một loạt biện pháp phòng chống mới đã được đưa ra, bao gồm: mở rộng danh sách các quốc gia trong diện “cảnh báo đỏ” ra toàn bộ châu Phi, trừ các nước Bắc Phi, người nước ngoài đến từ các quốc gia này sẽ không được nhập cảnh Israel; Cơ quan nội địa của quân đội Israel rà soát toàn bộ những người đã nhập cảnh từ các quốc gia “cảnh báo đỏ” trong tuần qua để cách ly và xét nghiệm; Đặt mua 10 triệu bộ xét nghiệp PCR phục vụ xét nghiệm chủng virus mới; Thực hiện thí điểm lắp đặt máy lọc không khí trong trường học trên cả nước; Lấy mẫu nước thải ở tất cả các địa phương để xác định nguy cơ nhiễm bệnh do biến thể mới.

Hãng Merck hạ mức đánh giá hiệu quả của thuốc Molnupiravir điều trị COVID-19

Hãng dược phẩm Merck & Co (Mỹ) ngày 26/11 đã cập nhật các dữ liệu khoa học mới đối với Molnupiravir - một loại thuốc kháng virus dạng uống mà hãng này đang thử nghiệm để chống COVID-19.

Trong nghiên cứu mới nhất thực hiện đối với 1.400 bệnh nhân, các nhà khoa học của Merck đánh giá hiệu quả ở mức 30% trong việc ngăn ngừa nguy cơ tử vong cũng như phải nhập viện điều trị của các bệnh nhân mắc COVID-19. Tỷ lệ này giảm đáng kể so với kết luận được hãng đưa ra trước đó.

Thái Lan cho phép du khách nhập cảnh bằng đường bộ và đường biển từ tháng tới

Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 của Chính phủ Thái Lan (CCSA) ngày 26/11 đã dỡ bỏ lệnh giới nghiêm ban đêm tại 6 tỉnh cuối cùng, đồng thời thời nới lỏng thêm các quy định phòng chống dịch bệnh nhằm khôi phục nền kinh tế và ngành du lịch.

EU kêu gọi dừng liên kết không vận với tất cả các địa điểm đã phát hiện biến thể B.1.1.529

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen ngày 26/11 kêu gọi dừng tất cả liên kết không vận với các địa điểm đã phát hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 mang tên B.1.1.529.

Trong bối cảnh thông tin về một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện ở Nam Phi làm chao đảo thị trường toàn cầu, Chủ tịch Ủy ban châu Âu cũng cho biết các hãng sản xuất vaccine buộc phải điều chỉnh mũi tiêm ngay khi các biến thể mới xuất hiện.

phap-covid.jpg
Cảnh sát kiểm tra giấy tờ của hành khách tại sân bay Nice, miền Nam nước Pháp.

Singapore, Nhật Bản hạn chế người nhập cảnh từ một số quốc gia châu Phi

Bộ Y tế Singapore (MOH) ngày 26/11 nêu rõ bắt đầu từ 11h59 ngày 27/11/2021, tất cả du khách có lịch sử đến các quốc gia Botswana, Eswatini, Lesotho, Mozambique, Namibia, Nam Phi và Zimbabwe sẽ không được nhập cảnh hoặc quá cảnh tại Singapore.

Trong khi đó, Nhật Bản ngày 26/11 cũng đã quyết định siết chặt kiểm soát biên giới đối với các trường hợp nhập cảnh đến từ Nam Phi và 5 nước châu Phi khác sau khi phát hiện biến thể mới của SARS-CoV-2 tại châu lục này.

Quần đảo Solomon ban bố lệnh giới nghiêm ở thủ đô

Trong bối cảnh các cuộc biểu tình và bạo động bước sang ngày thứ 3 liên tiếp khiến Quần đảo Solomon rơi vào tình trạng hỗn loạn, ngày 26/11, Toàn quyền Quần đảo Solomon David Vunagi đã ban bố lệnh giới nghiêm ban đêm ở thủ đô Honiara.

Tàu hộ vệ Đan Mạch tiêu diệt toán cướp biển ở Vịnh Guinea

Tàu hộ vệ HDMS Esbern Snare (F342) của Hải quân Đan Mạch đã chạm trán toán cướp biển trong khi thực thi sứ mệnh chống cướp biển ở ngoài khơi Vịnh Guinea thuộc Tây Phi.

Vụ việc xảy ra ngày 24/11 và lực lượng trên tàu chiến của Đan Mạch đã tiêu diệt 4 tên cướp biển và bắt giữ 4 tên còn lại.

Ngư dân Pháp chặn tàu bè qua Eo biển Manche nhằm phản đối Anh

Ngày 26/11, ngư dân Pháp đã bắt đầu một ngày hành động nhằm làm gián đoạn giao thông qua Eo biển Manche để phản đối việc Anh đưa ra các quyền đánh cá hậu Brexit.

Người phụ trách khu vực của liên đoàn đánh cá CNPMEM, ông Olivier Lepretre cho biết hành động của người biểu tình nhằm "gây sức ép với Chính phủ Anh" và cảnh báo sẽ có thêm các hành động khác, trong đó nhằm vào các sản phẩm nhập khẩu từ Anh.

Australia chìm trong mưa lũ do hiện tượng La Nina

Ngày 26/11, nhà chức trách Australia đã đưa ra cảnh báo lũ lụt tại nhiều khu vực của bang New South Wales (NSW), Queensland và Victoria, trong bối cảnh mưa bão đang tiếp tục hoành hành tại khu vực bờ biển phía Đông nước này.

Bạch Dương