Tiếp sức doanh nghiệp xuất nhập khẩu vượt qua đại dịch

Kinh tế - Ngày đăng : 21:55, 26/11/2021

Mặc dù dịch bệnh vẫn phức tạp, song nhiều doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu vẫn tìm được giải pháp, tận dụng cơ hội để đảm bảo sản xuất, xuất khẩu, gia tăng sản lượng và mở rộng thị trường.

Chủ động ứng biến, nỗ lực vượt khó

Công ty CP công nghiệp cao su Miền Nam trong các tháng cao điểm phòng chống dịch bệnh, 2 trong 5 nhà máy của công ty tại Bình Dương đều thực hiện phương án sản xuất “3 tại chỗ”. Mặc dù gặp khó khăn về nhân lực tham gia sản xuất, chi phí phát sinh nhưng công ty vẫn duy trì và ổn định các đơn hàng xuất khẩu tới các thị trường chính là Mỹ, EU, Đông Nam Á. Trung bình 4 tháng giãn cách xã hội, doanh thu xuất khẩu của doanh nghiệp đạt khoảng 160-170 tỷ đồng/tháng. Đây là những tín hiệu tích cực góp phần giúp Công ty CP công nghiệp cao su Miền Nam ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, bù đắp cho thị trường nội địa bị sụt giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.

Công ty Kim Minh International (TP. Thủ Đức), doanh nghiệp chuyên xuất khẩu rau củ quả tươi, đông lạnh và nước ép trái cây thì khuyến khích nhân viên khai thác triệt để các sàn giao dịch thương mại điện tử để tìm kiếm, tiếp cận nhanh chóng các nhà nhập khẩu trên thế giới; đồng thời đa dạng hoá sản phẩm để mở rộng tệp khách hàng trong nhiều lĩnh vực. Công ty đã cùng khách hàng ngồi lại đàm phán, chia sẻ rủi ro về giá cước, tiến độ giao hàng; đồng thời kết hợp chặt chẽ với nhà cung cấp trong nước để nắm rõ mùa vụ thu hoạch, từ đó có phương án tập trung chào bán xuất khẩu sản phẩm phù hợp… Nhờ có sự liên kết, chia sẻ thông tin như vậy, Công ty Kim Minh International vẫn có thể xuất khẩu ổn định trong mùa dịch.

1(1).jpg

Công ty Kim Minh International duy trì và khôi phục sản xuất. Ảnh: Ng.Thủy.

Hay tại Công ty Sunhouse, hiện công ty đã chủ động chuyển trạng thái từ sản xuất “3 tại chỗ” sang trạng thái "bình thường mới", riêng chi nhánh tại Cụm công nghiệp Ngọc Liệp (huyện Quốc Oai) đã huy động 100% cán bộ, công nhân (khoảng 2.000 người) quay lại làm việc nhằm tăng tốc để kịp sản xuất đơn hàng xuất khẩu sang thị trường Mỹ…

Phía trên chỉ là 3 trong nhiều doanh nghiệp xuất khẩu luôn nỗ lực tìm hướng đi để duy trì sản xuất, xuất khẩu giữa đại dịch.

Thời gian vừa qua cộng đồng DN xuất nhập khẩu đã chủ động, tích cực tìm hướng đi mới, áp dụng chuyển đổi số trong vận hành để duy trì tối đa hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu. Đặc biệt, các DN đã tận dụng tốt cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do FTA mang lại, tạo điều kiện để hàng hóa của Việt Nam thâm nhập vào các thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi, thông qua đó thúc đẩy xuất khẩu, nhập khẩu tăng trưởng mạnh hơn trong thời gian tới. Giá hàng hóa xuất khẩu cũng đang có xu hướng tăng, là động lực quan trọng để gia tăng giá trị xuất khẩu.

Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu

Để giảm tác động của dịch COVID-19 tới hoạt động xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tạo thuận lợi, đẩy nhanh tốc độ thông quan hàng hóa, kịp thời hỗ trợ cho các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và các công tác phòng chống dịch bệnh.

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã tham mưu, đề xuất, chỉ đạo các đơn vị hải quan địa phương thực hiện 6 nhóm giải pháp để đẩy nhanh tốc độ thông quan hàng hóa, kịp thời hỗ trợ cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

2.png

Tổng cục Hải quan đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Cụ thể đó là các giải pháp: Tạo thuận lợi về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; hỗ trợ thủ tục xuất khẩu nông sản qua các tỉnh biên giới phía Bắc; thông quan nhanh đối với hàng hóa nhập khẩu là vật tư thiết bị y tế, thuốc tân dược, vắc xin và sinh phẩm y tế phục vụ phòng, chống dịch; chính sách thuế và thu, nộp thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; tổ chức, điều hành và bố trí nhân lực đảm bảo việc thông quan hàng hóa; xây dựng chủ trương, chính sách hỗ trợ cho các hoạt động XNK trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.

Theo đó, chấp nhận cho DN được nộp chứng từ dưới dạng điện tử (bản scan có xác nhận bằng chữ ký số) thuộc hồ sơ hải quan để thông quan hàng hoá và thành lập các Tổ hỗ trợ, xử lý vướng mắc về thủ tục hải quan đối với hàng hóa XNK kèm danh sách cán bộ, số điện thoại từ cấp Tổng cục, Cục Hải quan đến cấp Chi cục làm việc 24/7 để kịp thời tiếp nhận, xử lý các vướng mắc của người khai hải quan đảm bảo hỗ trợ giải quyết thông quan nhanh hàng hoá. Đồng thời, hướng dẫn xem xét việc không xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan đối với hành vi vi phạm quy định về thời hạn làm thủ tục hải quan do tình huống bất khả kháng.

Chấp nhận cho DN được nộp bản scan điện tử Giấy chứng nhận xuất xứ mẫu AK, KV để được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt theo Hiệp định Thương mại tự do với Hàn Quốc. Tạm dừng tổ chức kiểm tra thực tế điều kiện hoạt động đại lý làm thủ tục hải quan tại DN, cơ quan hải quan chỉ kiểm tra bộ hồ sơ do DN nộp để thực hiện việc gia hạn hoặc công nhận đủ điều kiện hoạt động đại lý hải quan theo quy định. Tạm thời không tiến hành kiểm tra việc bảo quản hàng hoá tại địa điểm bảo quản hàng hóa thuộc các khu vực phong tỏa cho đến khi các khu vực này được dỡ bỏ phong toả.

Cùng với đó, tạm dừng tổ chức kiểm tra đánh giá tuân thủ đối với các DN không có dấu hiệu vi phạm để tạo điều kiện cho DN tập trung giải quyết khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời không để DN lợi dụng chủ trương này vi phạm pháp luật, các đơn vị trong toàn ngành tăng cường công tác thu thập thông tin, đánh giá rủi ro để có các biện pháp xử lý kịp thời nhằm đảm bảo giám sát hàng hóa XNK.

Đặc biệt, theo Tổng Cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn, một trong những giải pháp quan trọng thời gian vừa qua được Tổng cục Hải quan thực hiện là đã chỉ đạo, hướng dẫn việc tạo điều kiện thuận lợi, thông quan nhanh các lô hàng vật tư, thiết bị y tế, thuốc tân dược, vaccine sinh phẩm xét nghiệm,… hàng hóa viện trợ, biếu, tặng từ nước ngoài hoặc hàng hóa do các tổ chức, cá nhân trong nước nhập khẩu để ủng hộ, hỗ trợ, tài trợ, biếu tặng cho Chính phủ, Bộ Y tế, UBND các tỉnh, thành phố, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành phố để phục vụ yêu cầu khẩn cấp công tác phòng, chống dịch, điều trị, khám chữa bệnh.

Những giải pháp cụ thể trên đã được triển khai thống nhất tới các đơn vị, và mang lại những tín hiệu tích cực trong hỗ trợ DN thông quan hàng hoá được thông suốt, nhanh chóng. Sự đồng hành và gỡ khó kịp thời của ngành Hải quan đối với hoạt động XNK thời gian vừa qua đã được cộng đồng DN ghi nhận và đánh giá cao.


(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NĐ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Trang Nhi