Hải Phòng: Đẩy mạnh phân loại rác tại nguồn, nâng cao hiệu quả xử lý
Môi trường - Ngày đăng : 09:48, 26/11/2021
Nhận thức được tầm quan trọng của việc phân loại rác tại nguồn, từ năm 2016, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Phòng đã phối hợp với các chuyên gia thành phố Kitakyushu (Nhật Bản) triển khai thực hiện chương trình phân loại rác tại nguồn và xử lý rác thu hồi mùn hữu cơ tại Nhà máy xử lý thay vì đưa rác tổng hợp vào xử lý.
Giai đoạn đầu, Công ty tiến hành thu gom, phân loại rác hữu cơ từ các chợ, nhà hàng, khách sạn và các địa điểm thu gom rác có tỷ lệ hữu cơ cao, xây dựng quy trình thu gom và vận chuyển rác hữu cơ riêng biệt, sử dụng xe thu gom, xe ép vận chuyển rác hữu cơ. Hàng ngày, rác thải hữu cơ được phân loại tại nguồn thuộc các khu vực phát sinh được Công ty xử lý bằng phương pháp vi sinh. Sau khi xử lý vi sinh, rác thải hữu cơ được đưa vào ủ chín, mùn hữu cơ thu hồi có chất lượng tốt, góp phần xử lý một phần lớn rác thải hữu cơ, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đến nay, tại Hải Phòng, hầu hết các chợ, nhà hàng, khách sạn lớn trong 4 quận nội thành và huyện An Dương đã thực hiện phân loại rác tại nguồn.
Thực hiện Luật Bảo vệ môi trường 2020 về quy định chủ nguồn thải phải phân loại chất thải rắn trước khi được thu gom, vận chuyển, xử lý và Nghị quyết số 09-NQ/ĐH của Đảng bộ thành phố lần thứ XVI, từ kết quả thực tiễn phân loại rác thải tại nguồn, thời gian qua, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Phòng đã không ngừng nỗ lực, phối hợp tốt với các cơ quan, đơn vị và địa phương đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền phân loại rác thải đối với các khu dân cư, tổ dân phố, trường học các cấp thuộc các quận, huyện trên địa bàn thành phố. Mục tiêu là tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý đạt 100% và nông thôn đạt 95%; trên 50% được xử lý bằng công nghệ hiện đại, không chôn lấp vào năm 2025; chất thải rắn sinh hoạt đô thị được phân loại tại nguồn; tăng cường khả năng tái chế, tái sử dụng hoặc sản xuất phân hữu cơ.
Tiếp nối từ chương trình phân loại rác tại nguồn được áp dụng thành công ở hầu hết tại các chợ, nhà hàng, khách sạn trên địa bàn thành phố, công ty đã tăng cường mở rộng tuyên truyền, hướng dẫn phân loại rác thải đến địa bàn các quận, phường, tổ dân phố, khu dân cư, trường học... Theo đó, từ năm 2020 đến nay, công ty đã tổ chức thành công 40 hội nghị tuyên tuyền, phối hợp triển khai 22 mô hình phân loại rác tại nguồn tại nhiều đơn vị như: Phường Máy Chai, phường Cầu Đất, phường Cầu Tre (quận Ngô Quyền), Thành Tô (quận Hải An), phường Minh Khai (quận Hồng Bàng), huyện Thủy Nguyên, Trường tiểu học Bạch Đằng, Trường tiểu học Chu Văn An, Trường tiểu học Dư Hàng Kênh… Hiện nay, lượng rác hữu cơ mà người dân và công ty phân loại hàng ngày từ 70 - 100 tấn. Rác hữu cơ sau khi phân loại được vận chuyển theo quy trình riêng biệt về Khu liên hợp xử lý chất thải Tràng Cát và tiếp tục được phân loại trên dây chuyền để xử lý thành phân mùn hữu cơ.
Theo ông Nguyễn Văn Viển, Phó Chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên, huyện này đang triển khai các kế hoạch, thực hiện các nhiệm vụ để sớm được công nhận là huyện nông thôn mới kiểu mẫu và trở thành thành phố trực thuộc thành phố Hải Phòng. Trong đó, vấn đề thu gom, xử lý rác thải, bảo đảm VSMT vừa là tiêu chí và là nhiệm vụ rất hệ trọng cần sự vào cuộc trách nhiệm của cả hệ thống chính trị từ cấp huyện đến cơ sở.
Hiện nay, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn huyện Thủy Nguyên khoảng 175 tấn/ngày; thu gom, xử lý đạt 124 tấn/ngày; lượng rác còn lại tập kết tự phát tại ven đường, ngõ xóm, gây mất mỹ quan, ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe người dân. Nhiều ga rác ở một số xã bố trí chưa hợp lý, hoạt động chưa ổn định, chưa đảm bảo mỹ quan; việc chôn lấp; xử lý rác thải trên địa bàn huyện cũng đã quá tải… Vì vậy, huyện Thủy Nguyên đã phối hợp với Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Phòng để đưa ra các giải pháp xử lý hiệu quả trong thời gian tới, trong đó có việc phân loại rác thải tại nguồn.
Theo các Phòng quản lý Đô thị, thời gian qua, các phường đã phối hợp tốt với Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Phòng trong công tác quản lý vệ sinh môi trường đô thị; trong đó, có công tác tuyên truyền, hướng dẫn phân loại rác thải tại nguồn, tổng dọn vệ sinh môi trường đô thị, xử lý các điểm nóng về tập kết rác thải bừa bãi, …
Tuy nhiên, vẫn còn có những địa phương, cơ sở chưa chủ động, chưa tích cực phối hợp trong việc khắc phục, xử lý các điểm nóng về tập kết rác thải bừa bãi; việc giám sát, quản lý của chính quyền cơ sở còn chưa tốt nên nhiều khu vực bị tái chiếm, tái diễn tình trạng tập kết rác thải bừa bãi.
Thông qua các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn, mô hình phân loại rác tại nguồn trên địa bàn thành phố đã lan tỏa sâu rộng đến các cơ quan đơn vị, khu dân cư. Từ đó, mỗi người dân đã nâng cao nhận thức, hành động và hình thành thói quen phân loại rác tại nguồn, đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định, góp phần nâng cao nếp sống văn minh, bảo đảm môi trường xanh - sạch - đẹp.