Dự báo 5 nhóm ngành kinh tế trọng tâm năm 2022
Doanh nghiệp - Doanh nhân - Ngày đăng : 11:12, 24/11/2021
Tại “Diễn đàn Doanh nghiệp 2022 - Nhận diện thị trường và phương thức thích ứng”, ông Nguyễn Xuân Quang - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia (NCIF), Bộ KH&ĐT cho rằng, dự báo phục hồi kinh tế Việt Nam năm 2022 và những năm tiếp theo là rất khó và phức tạp vì điều kiện hoàn cảnh dịch bệnh đã đặt Việt Nam vào bối cảnh mới.
Do đó, NCIF đưa ra dự đoán, kịch bản tăng trưởng kinh tế có thể dao động từ khoảng 5,8 - 6,5% trong năm 2022. Từ dự báo này, các ngành "dẫn đường" kinh tế năm 2022 được phân thành 5 nhóm ngành cụ thể:
Nhóm thứ nhất là các nhóm ngành đóng vai trò trọng tâm, đồng thời là “vốn mồi” kích thích đầu tư tư nhân phát triển. Theo đó, đầu tư công được dự kiến sẽ tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng, đổi mới sáng tạo phát triển kỹ thuật số và nhu cầu về vật liệu xây dựng sẽ có xu hướng phát triển năm 2022.
Dư địa để thúc đẩy đầu tư công năm 2022 đang rất lớn, đây là cơ hội để huy động nguồn lực đầu tư công, phát triển cơ sở hạ tầng sẽ kéo theo nhu cầu về vật liệu xây dựng sẽ có xu hướng phát triển tốt từ năm 2022.
Nhóm thứ hai là nhóm ngành có tỉ trọng xuất khẩu lớn, cùng với sự phục hồi nhu cầu thế giới, đặc biệt là do sự giảm cung từ Trung Quốc, kích thích xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam trong các ngành như điện tử, dệt may, thủy sản, gỗ và các sản phẩm gỗ, cao su, sắt thép...
Nhóm thứ 3 là nhóm ngành được kích thích do phục hồi nhu cầu tiêu dùng trong nước. Với việc kiểm soát, chính sách thích ứng dịch bệnh được triển khai có hiệu quả thì tiêu dùng trong nước sẽ phục hồi. Doanh nghiệp ngành thực phẩm và đồ uống, bán lẻ và hàng không sẽ hưởng lợi do sự phục hồi nhu cầu tiêu thụ trong nước sau thời gian giãn cách và chính sách hạn chế đi lại.
Nhóm thứ 4 là thương mại điện tử và logistics. Những thay đổi trong thói quen tiêu dùng, mua sắm trực tuyến của người dân trong bối cảnh dịch bệnh cũng thay đổi mạnh mẽ, là lực đẩy khiến thương mại điện tử khiến thương mại điện tử tiếp tục bùng nổ trong năm 2022.
Bên cạnh đó, kỳ vọng tăng trưởng thương mại quốc tế của Việt Nam do tác động tích cực của các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, cùng với sản xuất phục hồi, nhu cầu vận chuyển hàng hóa trong nước tăng theo, kéo theo các ngành phụ trợ như logistics cũng hưởng lợi.
Nhóm thứ 5 là nhóm ngành công nghệ thông tin sẽ phục hồi với mảng phần mềm doanh nghiệp, thiết bị và dịch vụ. Tiềm năng lớn của các kênh ngân hàng số mở ra xu hướng đầu tư công nghệ và chuyển đổi số trong khối ngân hàng, đang tăng về cả tốc độ lẫn quy mô.