Sống xứng đáng để đi qua nỗi đau

Tâm điểm dư luận - Ngày đăng : 07:15, 22/11/2021

Con người không phải là những cá thể đơn lẻ trong môi trường sống tự nhiên, mà chúng ta là các cá nhân sống trong một cộng đồng xã hội. Vậy nên, khi còn cơ hội như hôm nay, mỗi người đều có quyền và nên chọn cho mình cách sống và ra đi ý nghĩa.
song-xung-dang-de-di-qua-noi-dau.jpg
Những hình ảnh sẽ còn nhắc nhớ chúng ta về nỗi đau và trách nhiệm

Trong những ngày qua các cấp, ngành địa phương người dân cả nước đều hướng về những hoạt động tưởng niệm đồng bào mất trong đại dịch COVID-19. Đợt dịch vừa qua đã càn quét nhiều tỉnh, thành để lại hậu quả và những di chấn đau đớn lòng người.

Hơn 1 triệu người mắc Covid-19, sinh mạng của hơn 23 nghìn đồng bào, cán bộ, chiến sỹ đã bị dịch bệnh cướp đi. Đây là con số mà có lẽ không chỉ hôm nay, thế hệ con cháu chúng ta sau này vẫn còn ám ảnh khôn nguôi.

Bạo dịch ập đến, khiến những người dân xấu số không kịp có cơ hội lựa chọn sự sống-chết của mình. Tuổi đời còn quá trẻ, nhiều việc đang dang dở muốn làm cùng người thân, ước mơ cống hiến cho cuộc đời còn chưa kịp bắt đầu... vậy mà thình lình họ phải ra đi một cách khó có thể cam tâm.

Lấp lánh tỏa sáng trong đó còn có hàng nghìn cán bộ, thầy thuốc, nhân viên, chiến sỹ, nhà thiện nguyện, tình nguyện viên đã chọn cách hi sinh cho cộng đồng, vì cả những đang sống và những người đã mất.

Những người ra đi đã để lại những khoảng trống mãi không thể lấp đầy. Nỗi đau thật quá lớn và không thể đong đếm. Như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trước Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 đã chia sẻ như một lời nhắc nhở: “không thể để một đợt dịch gây đau thương, tổn thất lớn như vừa rồi xảy ra nữa”.

Cuộc sống dù có thương đau vẫn không thể dừng lại, những người còn sống vẫn phải tiếp tục sống. Và giờ đây, những người bước tiếp không chỉ sống cho mình mà mỗi người lại mang thêm sứ mệnh sống tiếp cuộc đời của những người đã sớm phải ra đi.

Tổ chức một Lễ kỷ niệm trang trọng với đầy đủ nghi thức, thắp nén tâm nhang dành cho những người đã khuất, lễ tưởng niệm vốn để ấm lòng người ra đi, yên lòng người ở lại. Nhưng như thế cũng chưa phải đã đủ, những gì diễn ra trong đợt dịch vừa qua vẫn luôn là lời cảnh tỉnh nhức nhối, nhắc nhớ tất cả chúng ta về nỗi đau và trách nhiệm.

Dịch bệnh giờ đây vẫn đang trỗi dậy từng ngày, chúng ta cần mạnh mẽ, thay đổi và thích ứng để bảo vệ cuộc sống của chính mình, người thân và đồng bào mình, bằng việc nâng cao ý thức trách nhiệm, đồng thuận, đồng hành cùng Đảng, Nhà nước trong việc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, phục hồi kinh tế-xã hội và mang lại cuộc sống bình an, hạnh phúc cho cộng đồng.

Không thể không lo lắng khi trong chính những ngày qua số ca mắc COVID cộng đồng vẫn không ngừng tăng lên ở hầu hết các địa phương trên cả nước. Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 9.616 ca/ngày; số ca tử vong là 97 ca/ngày.

Không thể đòi hỏi sự bình yên hơn khi cả thế giới đang chìm trong đại dịch, ngay cả những nước phát triển cũng đang phải vật lộn với COVID-19. Tuy nhiên, nguyên nhân dẫn đến tình hình dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp tại các địa phương được Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cách đây 2 ngày phần nhiều lại do yếu tố chủ quan. Theo người đứng đầu Chính phủ công tác phòng, chống dịch vẫn còn nhiều hạn chế và bất cập, vẫn có tư tưởng chủ quan, lơ là ở một số nơi. Một bộ phận người dân nhận thức chưa đúng về hiệu quả của việc tiêm vaccine. Hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở nhiều nơi, nhiều lúc chưa đáp ứng được khi tình hình diễn biến phức tạp. Việc tiêm chủng vaccine và đáp ứng thuốc chữa bệnh có nơi, có lúc triển khai chậm so với diễn biến tình hình và yêu cầu đặt ra, chưa đạt mục tiêu. Công tác phối hợp giữa các địa phương trong quản lý việc di chuyển của người dân chưa chặt chẽ, còn bất cập, gây khó khăn cho người dân. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 128 có nơi, có lúc thiếu quyết liệt. Một số nơi chưa thực hiện tốt việc triển khai thu dung, phân loại điều trị kịp thời các ca nhiễm ngay từ cơ sở.

Vừa qua một đợt dịch mà ranh giới giữa sự sống và cái chết gần như đã bị san phẳng, chúng ta đã thấm thía hậu quả tàn khốc, các cấp ngành từ Trung ương đến cơ sở đã rút ra những bài học kinh nghiệm, nhưng đâu đó vẫn không ít người, ít gia đình, thậm chí cả địa phương vẫn chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch. Điều đó không chỉ thể hiện một thái độ rằng: thấy đau mà không sót, thấy chết mà không kiềng. Và nguy hiểm hơn chính thái độ vô trách nhiệm này đang làm lây lan dịch bệnh trong cộng động, gây nguy hiểm đến sinh mạng nhiều người khác.

Ngay từ bây giờ, nếu bộ phận những cá nhân, gia đình, cấp, ngành và địa phương này không thay đổi nhận thức và hành vi thì không chỉ gây nên những thảm họa không thể sửa chữa, mà còn sẽ nhận sự nghiêm trị của pháp luật.

Tưởng nhớ những người ra đi cũng là lời nhắc nhở mỗi chúng ta về sự khốc liệt của dịch bệnh. Cũng một lần nữa khẳng định, con người chúng ta không phải là những cá thể đơn lẻ trong môi trường sống tự nhiên, mà chúng ta là các cá nhân sống trong một cộng đồng xã hội. Vậy nên, khi còn cơ hội như hôm nay, mỗi người đều có quyền và nên chọn cho mình cách sống và ra đi ý nghĩa. Vì mọi người cũng là vì mình.

Có như thế, chúng ta mới có thể đẩy lùi đại dịch, để sự hy sinh mất mát của đồng bào và cán bộ, chiến sĩ đã ngã xuống trong đại dịch COVID-19 vừa qua không trở nên vô ích. Chúng ta- mỗi người hãy sống đúng, xứng đáng hơn để nỗi đau này có thể dần qua đi, nhường chỗ cho những mầm sống tương lai tốt đẹp hơn sinh sôi nảy nở.

Mộc Miên