Cá nhân, tổ chức có quyền tham gia hoạt động mua nợ?

Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 16:40, 21/11/2021

Đối với hoạt động mua bán nợ thì cá nhân, tổ chức không kinh doanh dịch vụ mua bán nợ đều có quyền tham gia hoạt động mua nợ. Có thể cá nhân, tổ chức có nhu cầu mua nợ, cũng có thể chính chủ tài sản mong muốn mua lại tài sản của mình để tiếp tục sở hữu, sử dụng tài sản.

Hỏi: Theo dự kiến trong tháng 11/2021, Công ty Đấu giá hợp danh Phạm Nam Anh sẽ tổ chức bán đấu giá khoản nợ xấu của Công ty Cổ phần Tư vấn thiết kế và xây dựng Phú Bình vay vốn tại Agribank - Chi nhánh Tây Hồ với giá khởi điểm hơn 45,5 tỷ đồng. Tài sản đấu giá là toàn bộ khoản nợ của Công ty Cổ phần Tư vấn thiết kế và xây dựng Phú Bình vay vốn tại Agribank - Chi nhánh Tây Hồ theo Hợp đồng cấp tín dụng số 1506-LAV-201800967 ngày 6/8/2018, ngày 19/7/2019 cấp lại hạn mức HĐTD số 1506-LAV-201900825. Giá trị ghi sổ khoản nợ tạm tính đến ngày 30/6/2021 là 56,2 tỷ đồng. Tài sản bảo đảm cho khoản vay của của Công ty Cổ phần Tư vấn thiết kế và xây dựng Phú Bình tại Agribank - Chi nhánh Tây Hồ là một phần tài sản thuộc dự án Sing Garden của Công ty Cổ phần Bất động sản Singland theo Hợp đồng thế chấp số 6789/2018/HĐTC do VPCC Kinh Bắc chứng nhận ngày 18/10/2018. Xin hỏi với mong muốn tiếp tục dự án Sing Garden thì việc chủ đầu tư dự án công ty Singland hay Công ty Phú Bình có quyền mua lại chính khoản nợ của mình có được hay không? Xin cảm ơn.

Nguyễn Đức Hiếu, Hà Nội

dau-gia(1).jpg
Ảnh minh họa

Trả lời: Dựa trên căn cứ bạn đã nêu, chúng tôi tư vấn những quy định của pháp luật như sau:

Theo Điều 30 Nghị định số 17/2010/NĐ-CP người không được tham gia đấu giá tài sản:

"1. Người không có năng lực hành vi dân sự, người bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc người tại thời điểm đấu giá không nhận thức, làm chủ được hành vi của mình.

2. Người làm việc trong tổ chức bán đấu giá tài sản, nơi thực hiện việc bán đấu giá tài sản đó, cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột của người đó; người trực tiếp giám định, định giá tài sản, cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột của người đó.

3. Người được chủ sở hữu ủy quyền bán tài sản; người ra quyết định tịch thu tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; người có thẩm quyền quyết định bán tài sản nhà nước; người ký hợp đồng thuê tổ chức bán đấu giá tài sản để bán đấu giá tài sản nhà nước; cá nhân, tổ chức có quyền bán tài sản của người khác theo quy định của pháp luật.

4. Người không có quyền mua tài sản bán đấu giá theo quy định của pháp luật, bao gồm:

a) Người không được tham gia mua tài sản để thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự;

b) Người không đủ điều kiện tham gia mua tài sản đối với một số loại tài sản theo quy định của pháp luật về loại tài sản đó.

5. Người không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất; người không thuộc trường hợp được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai”.

Như vậy, trừ những trường hợp quy định trên thì các cá nhân, tổ chức có nhu cầu đều có quyền tham gia đấu giá mua tài sản. Các cá nhân, tổ chức có khả năng tài chính, có nhu cầu mua tài sản, nộp hồ sơ đấu giá đều có quyền tham gia đấu giá.

Theo khoản 4 điều 3 Thông tư số 09/2015/TT-NHNN quy định về hoạt động mua, bán nợ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài:

“ 4. Bên mua nợ là tổ chức, cá nhân, bao gồm:

- Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được Ngân hàng nước chấp thuận hoạt động mua nợ;

- Tổ chức kinh doanh dịch vụ mua, bán nợ (không phải tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ mua, bán nợ theo quy định của pháp luật;

- Tổ chức khác, cá nhân không kinh doanh dịch vụ mua, bán nợ.”

Căn cứ tại khoản 2 Điều 6 Nghị Quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu các tổ chức tín dụng:

“Điều 6. Mua, bán nợ xấu của tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu

2. Tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được bán nợ xấu cho pháp nhân, cá nhân, bao gồm cả doanh nghiệp không có chức năng kinh doanh mua, bán nợ.

Đối hoạt động mua bán nợ thì cá nhân, tổ chức không kinh doanh dịch vụ mua bán nợ đều có quyền tham gia hoạt động mua nợ. Có thể cá nhân, tổ chức có nhu cầu mua nợ, cũng có thể chính chủ tài sản mong muốn mua lại tài sản của mình để tiếp tục sở hữu, sử dụng tài sản. Tra cứu trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp thì Công ty Singland và Công ty Cổ phần Tư vấn thiết kế và xây dựng Phú Bình đều không có ngành nghề kinh doanh mua bán, nợ. Chính vì thế, chủ đầu tư công ty Singland hay Công ty Cổ phần Tư vấn thiết kế và xây dựng Phú Bình có quyền tham gia đấu giá mua lại chính khoản nợ mình để dự án được thực hiện theo đúng tiến độ.

Sau khi ký kết hợp đồng mua bán tài sản giữa Ngân hàng và bên mua nợ thì quyền và nghĩa vụ của bên mua đương nhiên sẽ được kế thừa từ bên bán bao gồm cả quyền và nghĩa vụ đối tài sản bảo đảm. Bên mua nợ thành bên nhận đảm bảo

Bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm có quyền thỏa thuận một trong bốn phương thức xử lý tài sản thế chấp sau đây: bán đấu giá tài sản; bên nhận bảo đảm tự bán tài sản; bên nhận bảo đảm nhận chính tài sản để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm; và theo phương thức khác, như bù trừ nghĩa vụ trả nợ. Trường hợp không có thỏa thuận thì tài sản được bán đấu giá, trừ trường hợp luật có quy định khác.

Bởi nếu như nhà đầu tư khác mua lại khoản nợ, việc xử lý tài sản bảo bảo là một phần tài sản thuộc dự án Sing Garden sẽ gặp khó khăn, kéo dài dẫn đến dự án bị trì trệ không đúng tiến độ.

LS Trương Quốc Hòe