Thanh toán không tiền mặt tăng trưởng vượt bậc
Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 09:51, 19/11/2021
Khảo sát của Visa cho thấy, COVID-19 đã thúc đẩy mạnh mẽ việc chuyển đổi sang các hình thức thanh toán không tiền mặt cho các khoản chi tiêu nhỏ lẻ. 77% người tiêu dùng Việt Nam biết đến ngân hàng số và có tới 31% người tiêu dùng sử dụng các dịch vụ này.
Trong đó, dịch vụ thanh toán hóa đơn được người tiêu dùng ưa thích nhất, tiếp đến là chuyển tiền cho gia đình, bạn bè. Đặc biệt, có đến 6% người được khảo sát cho biết họ nghĩ rằng sẽ không cần phải sử dụng tiền mặt nữa. Đó là tín hiệu lạc quan cho thấy dù quay lại bình thường mới thì thói quen không tiền mặt của người dân vẫn được duy trì.
Thống kê mới nhất từ NHNN, trong 9 tháng đầu năm, tổng số lượng giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 1,88% về số lượng và tăng tới 42,58% về giá trị so với cùng kỳ. Thanh toán qua kênh Internet tăng tương ứng hơn 51% về số lượng và 29% về giá trị.
Thanh toán qua kênh điện thoại di động tăng hơn 76% về số lượng và 88,3% về giá trị. Qua kênh QR code tăng 64% về số lượng và 128% về giá trị. Đến cuối tháng 9, số lượng tài khoản thanh toán của cá nhân là 110.92 triệu tài khoản, tăng 15.4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo các chuyên gia kinh tế, thanh toán không dùng tiền mặt sẽ góp phần hạn chế lượng tiền mặt trong lưu thông hàng hóa, giảm thiểu chi phí xã hội, mở rộng không gian, rút ngắn thời gian cho quá trình bán và mua hàng hóa, dịch vụ trong nền kinh tế.
Về lâu dài, khi thanh toán không dù tiền mặt được đưa vào như một phương thức thanh toán chính yếu trong xã hội sẽ đem lại nhiều lợi ích để thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững, tạo sự minh bạch trong các khoản chi tiêu và giao dịch, giúp dòng chảy tiền tệ được lưu thông rõ ràng hơn.
Còn trong bối cảnh hạn chế tiếp xúc đông người để phòng tránh dịch bệnh COVID-19 như hiện nay, hình thức thanh toán này cũng ít nhiều hạn chế sự tiếp xúc trực tiếp trong các giao dịch thanh toán của người dân, hạn chế nguy cơ lây nhiệm dịch bệnh trong cộng đồng.
Theo ông Phạm Xuân Hòe - nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược (NHNN), một vấn đề rất quan trọng đó là an toàn, bảo mật thông tin của khách hàng trong mọi giao dịch thanh toán. Đây là trách nhiệm của hệ thống ngân hàng và hệ thống thanh toán trong nền kinh tế. Vì vậy, các ngân hàng và công ty Fintech cần diễn tập thường xuyên kịch bản chống bị tấn công bởi hacker, không ngừng nâng cấp hệ thống phần mềm về an ninh, bảo mật.
Theo thông tin từ NHNN, theo trong thời gian tới tiếp tục triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, như tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động thanh toán; xây dựng nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng; phối hợp các bộ, ngành liên quan triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money)...
Trong đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2025, giá trị thanh toán không dùng tiền mặt gấp 25 lần GDP, thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử chiếm 50%. 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản, tăng số điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt lên 450.000 điểm.
Giới chuyên gia cho rằng, Chính phủ đã ban hành Ðề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt đến năm 2025. Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, đề án cần liên tục được cập nhật tạo cơ sở thúc đẩy hành lang pháp lý, đảm bảo theo kịp yêu cầu thực tiễn.
Trong đó, cách tiếp cận xây dựng các quy định pháp luật nên theo hướng khuyến khích thử nghiệm, sáng tạo nhiều hơn, song song với xu hướng chuẩn hóa nhằm tận dụng tốt thành quả công nghệ, nhưng vẫn kiểm soát được rủi ro và tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính của người dân và DN.