Ranh giới mỏng manh giữa việc sáng tạo và phá nát ca khúc trong âm nhạc Việt
Âm nhạc - Phim - Ngày đăng : 18:17, 17/11/2021
Sáng tạo là yếu tố tiên quyết trong việc làm mới ca khúc cũ. Để có một phiên bản mới hấp dẫn, các nghệ sĩ và producer vừa phải nắm được tinh thần gốc của ca khúc, vừa phải đưa được tính thời đại cũng như chất nhạc riêng vào.
Remake ca khúc cũ vừa có lợi điểm là bài hát đã quen thuộc với công chúng, dễ tiếp cận. Và cũng mang lại tính thu hút cho những ca khúc.
Nhưng cái khó là chẳng những phải làm mới cho hay, mà cái hay đó còn phải được sự tiếp nhận của khán giả. Biến những thứ quen thuộc có tính mặc định trở nên khác lạ luôn rất dễ tạo nên tranh cãi.
Vì vậy, ranh giới giữa sáng tạo và phá tác phẩm rất mong manh. Làm mới nhưng bị phản đối là điều rất đáng tiếc với những người sản xuất âm nhạc.
Cô gái Gen Z ban đầu cũng xuất phát từ tâm ý muốn tôn vinh hình ảnh phụ nữ từ xưa tới nay. Han Sara chia sẻ cô thích ca khúc Cô gái mở đường, và muốn đưa thêm vào đó tinh thần của những cô gái thế hệ mới. Đáng tiếc, khi triển khai, việc làm mới lại không đúng hướng cảm thụ của khán giả.
Trang phục, lời rap và hình tượng trong tiết mục của Han Sara đã khiến cô phải lên tiếng xin lỗi công chúng.
Một số bình luận cảm thông nếu trang phục của Han Sara và vũ đoàn nền nã hơn thì có lẽ bài hát đã đỡ bị chỉ trích. Những ý kiến đa dạng cho thấy luôn có nhiều góc nhìn trên cùng một phiên bản làm mới.
Chinh phục được số đông chính là thử thách của nghệ sĩ. Làm mới nhạc cũ đã khó, làm mới hay lấy cảm hứng từ nhạc cách mạng lại càng cần phải cẩn thận. Bởi thể hiện lại các ca khúc nhạc đỏ luôn bị đánh giá khắt khe hơn.
Tính chất của nhạc đỏ rất đặc biệt. Đây là những bài hát có tính kinh điển, có bề dày thời gian, phổ quát ở nhiều thế hệ, luôn được nhìn nhận là cần sự trang nghiêm.
Suốt nhiều năm qua, đã có nhiều phiên bản mới của các ca khúc cách mạng phát hành. Các lớp nghệ sĩ sau này, từ Đan Trường, Phương Thanh, Noo Phước Thịnh, Đức Tuấn, Hiền Thục… đều từng thử sức mình với dòng nhạc đỏ.
Các bản hòa âm phối khí mới theo phong cách hiện đại, nhiều album được đầu tư công phu, các show diễn kết hợp dàn giao hưởng hoành tráng. Tuy gần gũi với giới trẻ, nhưng một số cách thể hiện mới vẫn bị đánh giá là quá “tình”, chưa thể hiện rõ hồn cốt của bài hát.
Đặc biệt, càng về sau này, các nghệ sĩ trẻ càng thích có tính đột phá trong sản phẩm làm lại. Nó dễ tạo ra các cuộc tranh luận trái chiều, bởi khoảng cách thế hệ càng lớn, cảm nhận âm nhạc càng khác nhau.
Chính vì vậy, việc làm mới một ca khúc cũ là những việc làm đáng khen ngợi và cần cổ vũ. Nhưng hãy làm công việc đó một cách cẩn trọng và đừng đặt cái tôi của mình quá nhiều vào đó.
Mỗi một ca khúc đều có một hoàn cảnh, một câu chuyện riêng. Nếu sự sáng tạo vẫn dựa trên những nền tảng sẵn có thì khán giả sẽ không ngại ngần mà đón nhận cái mới.