Ủy ban Xã hội họp thẩm tra việc thực hiện, đề xuất chi phí quản lý BHXH, BHTN

Chính trị - Ngày đăng : 17:09, 17/11/2021

Ngày 17/11, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Xã hội tiến hành Phiên họp toàn thể lần thứ tư theo hình thức trực tuyến nhằm thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chi phí quản lý BHXH, BHTN giai đoạn 2019-2021 và đề xuất mức chi phí quản lý BHXH, BHTN giai đoạn 2022-2024.
uy-ban-xa-hoi-hop-tham-tra-de-xuat-chi-phi-thuc-hien-bhxh-bhtn.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh chủ trì phiên họp

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh chủ trì phiên họp.

Phát biểu tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh nêu rõ, theo quy định Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm, định kỳ 3 năm Chính phủ báo cáo chi phí quản lý chi phí bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Ủy ban tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 4 để thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chi phí quản lý BHXH, BHTN giai đoạn 2019-2021 và đề xuất mức chi phí quản lý BHXH, BHTN giai đoạn 2022-2024. Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội mong muốn các thành viên Ủy ban tiếp tục phát huy trí tuệ, tập trung thảo luận, đóng góp với tinh thần trách nhiệm cao để xây dựng, hoàn thiện Báo cáo thẩm tra của Ủy ban đạt chất lượng tốt nhất.

Trình bày Báo cáo của Chính phủ về phát triển đối tượng tham gia BHXH, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho biết, dự kiến hết năm 2021, tổng số đối tượng quản lý của ngành BHXH đạt 90,1 triệu người, trong đó có 15,7 triệu người tham gia BHXH, bằng 32% lực lượng lao động trong độ tuổi; 12,5 triệu người tham gia BHTN, bằng 25,5% lực lượng lao động; 88,8 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT 91% dân số.

Đối với việc quản lý đối tượng thụ hưởng: dự kiến hết năm 2021 ngành BHXH chi trả chế độ lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hàng tháng cho khoảng 3,3 triệu người; 890 nghìn người hưởng trợ cấp thất nghiệp (dịch bệnh Covid-19 đã làm khoảng 1,8 triệu lao đông mất việc làm, tuy nhiên không phải tất cả lao động bị mất việc làm đều tham gia BHTN và không phải tất cả người tham gia BHTN đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp. Đối với người lao động không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, Chính phủ đã ban hành chính sách hỗ trợ theo quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; chi trả trợ cấp ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khoẻ, chế độ BHXH một lần cho hơn 8,6 triệu lượt người; thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT cho 521 triệu lượt người.

Đối với chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia giai đoạn 2022 - 2024 được dự báo theo kịch bản đại dịch Covid - 19 sẽ cơ bản được kiểm soát vào cuối năm 2021, cùng với chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đang được Chính phủ xây dựng với các giải pháp tổng thể, trong đó có giải pháp phục hồi thị trường lao động, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và người lao động...

Về tổ chức bộ máy, tiếp tục giảm 63 BHXH cấp phòng của 63 BHXH cấp tỉnh, thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, cơ cấu lại nguồn nhân lực theo Nghị quyết số 18-NQ/TW và Quyết định 856/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phù hợp với lộ trình ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN theo hướng đổi mới toàn diện cả về nội dung, hình thức và phương pháp tập trung vào đối tượng. Cải cách thủ tục hành chính tăng cường thực hiện giao dịch điện tử, cung cấp dịch vụ công trên cổng dịch vụ công, tiếp tục giảm số giờ kê khai nộp tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN, nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Tiếp tục tăng cường công tác thanh kiểm tra, giám sát; giám định chi trả BHYT.

Về ứng dụng công nghệ thông tin, tập trung cho các nhiệm vụ (các nền tảng giải pháp kỹ thuật mới phục vụ chuyển đổi số; hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm; duy trì, thay thế, nâng cấp, mở rộng hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin hiện có để vận hành liên tục và ổn định, chuẩn hóa theo công nghệ hiện đại, bảo đảm an toàn thông tin đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ.

Các thành viên Ủy ban Xã hội đánh giá nội dung báo cáo của Chính phủ. Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ thông tin đã giải quyết được nhiều tồn tại trong thực hiện BHXH, BHYT, BHTN. Tuy nhiên, các đại biểu cũng lưu ý, cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, không chỉ sử dụng riêng cho BHXH mà có kết nối đến người thụ hưởng.

Các đại biểu cho rằng cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để người dân hiểu về bảo hiểm xã hội và có ý thức chủ động tham gia bảo hiểm xã hội; đổi mới cách thức tuyên truyền, đảm bảo toàn diện cả về nội dung, hình thức, phương pháp, tập trung trực tiếp vào các nhóm đối tượng.

Đồng thời, ngành bảo hiểm cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường thực hiện giao dịch điện tử, cung cấp dịch vụ công trên cổng dịch vụ công, nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp; ứng dụng công nghệ thông tin theo hướng tập trung cho các nền tảng giải pháp kỹ thuật mới phục vụ chuyển đổi số, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, duy trì, thay thế, nâng cấp, mở rộng hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin hiện có để vận hành liên tục và ổn định, chuẩn hóa theo công nghệ hiện đại, đảm bảo an toàn thông tin, đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ.

Ngoài ra, nhiều ý kiến chỉ rõ, cần thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, cơ cấu lại nguồn nhân lực ngành bảo hiểm theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, giám định chi trả bảo hiểm y tế; tăng cường hiệu quả đầu tư quỹ theo nguyên tắc bảo đảm an toàn, hiệu quả và thu hồi được vốn đầu tư.

Ngọc Mai