Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ nỗ lực phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng

Kinh tế - Ngày đăng : 16:46, 17/11/2021

Trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nghiêm trọng do đại dịch COVID-19, các địa phương thuộc Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ (KTTĐBB) không ngừng thực hiện các giải pháp để phục hồi và nỗ lực lấy lại đà tăng trưởng.

Linh hoạt giữ chân lao động để đảm bảo sản xuất

Chuyển sang trạng thái bình thường mới, các doanh nghiệp thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ hiện phải đối diện với nhiều thách thức để nhanh chóng ổn định hoạt động, nhất là vấn đề thu hút, giữ chân người lao động.

Thời gian giãn cách xã hội, nhiều doanh nghiệp bị gián đoạn hoạt động, công nhân, người lao động đã về quê tránh dịch hoặc phải tìm các công việc khác để duy trì cuộc sống. Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Học viện Tài chính, để "giữ chân" người lao động, các doanh nghiệp chủ động chăm lo và điều chỉnh chính sách đãi ngộ trong sau khi kiểm soát dịch COVID-19 được xem là giải pháp đúng đắn trong bối cảnh hiện nay.

1(2).jpg

Sản xuất các mặt hàng thời trang đồ da tại Công ty cổ phần Kết nối châu Âu (Eurolink).

Ông Thịnh cũng nêu, cần có một mức lương thỏa đáng để động viên lao động làm việc thêm ca, thêm giờ nhằm hoàn thành mục tiêu công việc cuối năm. Bởi từ giờ đến cuối năm là thời điểm mà rất nhiều đơn hàng cần phải thực hiện và hoàn thiện.

Thấu hiểu tầm quan trọng của người lao động trong sự phát triển, hồi phục của doanh nghiệp, Công ty CP Kết nối châu Âu (KCN Vĩnh Phúc) đã nỗ lực xây dựng chính sách thật tốt, trong đó chú trọng đến vấn đề thu nhập của người lao động.

Với những công nhân tiếp tục cống hiến, làm việc cho công ty thì sẽ được hỗ trợ việc đi lại, ăn ở, nghỉ tại chỗ và sẽ được trả lương gấp 1,5 lần so với trước đó. Với những lao động mới là người tại địa phương thì sẽ cố gắng xây dựng quỹ lương tốt hơn so với mặt bằng chung của các đơn vị kinh doanh. Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp thì môi trường làm việc luôn sạch sẽ, ngăn nắp, đảm bảo các điều kiện về phòng, chống dịch là yếu tố mà công ty quan tâm hàng đầu.

Còn Ban giám đốc Công ty Cổ phần may Minh Anh (Khoái Châu, Hưng Yên) đã nỗ lực thực hiện nhiều hoạt động chăm lo cho người lao động như: Lắp điều hòa không khí, quạt làm mát, hệ thống quạt thông gió để phục vụ người lao động; hỗ trợ tiền xăng xe; tổ chức thưởng chuyên cần hàng tháng và vào các ngày lễ, Tết; tổ chức khám sức khỏe định kỳ 2 lần 1 năm; người lao động được trang bị găng tay, khẩu trang, quần áo bảo hộ lao động theo từng vị trí công việc. Cùng với đó, doanh nghiệp bố trí nhà ăn tập thể khang trang, sạch sẽ cho người lao động với đầy đủ hệ thống quạt thông gió, quạt trần, vách ngăn bảo đảm giãn cách trong mùa dịch.

Ông Nguyễn Phi Thường, Chủ tịch Liên đoàn lao động TP. Hà Nội cho rằng, duy trì sản xuất trong điều kiện khó khăn để bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động, nỗ lực ấy của các doanh nghiệp rất đáng trân trọng. Về phía người lao động, hiểu được khó khăn của doanh nghiệp nên họ sẵn lòng chia ngọt sẻ bùi.

“Tinh thần đồng hành của người sử dụng lao động và người lao động là nền tảng phát triển doanh nghiệp bền vững”, ông Thường nhấn mạnh.

Có thể thấy, các doanh nghiệp vẫn luôn tìm cách để duy trì việc làm, bảo đảm thu nhập cho người lao động, xây dựng môi trường làm việc an toàn. Chính điều này đã giúp người lao động hiểu và cảm nhận được những giá trị tinh thần tập thể, qua đó tạo niềm tin gắn bó với doanh nghiệp, từng bước khôi phục sản xuất trong giai đoạn “bình thường mới”.

Kịp thời "gỡ khó” cho doanh nghiệp, củng cố niềm tin cho NLĐ

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tác động nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất kinh doanh, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đã và đang nêu cao tinh thần chia sẻ đồng hành cùng đất nước, vượt khó, tự lực, tự cường, nỗ lực thích ứng với hoàn cảnh khó khăn để duy trì sản xuất kinh doanh và việc làm cho người lao động.

Song, khi tình hình dịch bệnh trong nước diễn biến phức tạp, do biến chủng mới, tốc độ lây lan nhanh; các đợt dịch bùng phát khiến cho các doanh nghiệp gặp khó khăn hơn bao giờ hết. Đặc biệt là ở đợt dịch lần thứ 4 xảy ra, tác động mạnh của nó tới các khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi tập trung một lượng lớn người lao động, nhất là ở các tỉnh, thành phố thuộc Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, dẫn đến nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi lao động, sản xuất quy mô lớn, ảnh hưởng lớn đến kinh tế địa phương và cả nước.

2(2).jpg

Hoạt động sản xuất tại Nhà máy Canon, Khu công nghiệp Phố Nối A (Hưng Yên).

Chính vì vậy, cần có các chính sách, giải pháp nhanh, mạnh và kịp thời để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, tiếp sức cho doanh nghiệp ổn định, duy trì sản xuất kinh doanh và việc làm cho người lao động.

Các chuyên gia đã đưa ra một số giải pháp cơ bản nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp:

Thứ nhất, cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin, đặc biệt là tại các địa phương thuộc Vùng kinh tế trọng điểm về sản xuất, tạo điều kiện để doanh nghiệp và người lao động duy trì và sớm triển khai bình thường trở lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Thứ hai, các bộ, ngành và địa phương cần phối hợp triển khai đồng bộ, thống nhất, hiệu quả quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 tại Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn liên quan, tránh gây ách tắc, khó khăn cho việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa và di chuyển của người lao động.

Thứ ba, các cơ quan có thẩm quyền cần sớm ban hành thêm các hướng dẫn chi tiết, cụ thể hơn về quy trình phòng dịch trong tình hình mới để các doanh nghiệp thống nhất và chủ động áp dụng.

Thứ tư, tăng tính chủ động của doanh nghiệp trong công tác phòng dịch, trong đó có việc xem xét cho phép doanh nghiệp tự tiến hành xét nghiệm COVID-19 và chứng nhận kết quả xét nghiệm cho người lao động trong doanh nghiệp dưới sự giám sát của cơ quan y tế có thẩm quyền.

Thứ năm, cần có các chính sách tạo điều kiện để lực lượng lao động trở lại làm việc - đặc biệt là tại các thành phố và các trung tâm công nghiệp lớn của Bắc Bộ trong thời gian sớm nhất, bảo đảm việc tiếp cận hiệu quả các chính sách hỗ trợ về an sinh xã hội của Nhà nước cho người lao động để nhanh chóng phục hồi nguồn cung lao động phục vụ sản xuất.

Thứ sáu, nhằm giảm áp lực tài chính cho doanh nghiệp trong thời kỳ dịch bệnh, và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, cần tiếp tục bảo đảm triển khai hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân của Chính phủ (như các hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, giảm giá điện, hỗ trợ tín tụng, tiền tệ, hỗ trợ các chi phí an sinh xã hội, giảm các chi phí chống dịch, hỗ trợ tuyển dụng lao động…) nhằm giúp các doanh nghiệp từng bước khôi phục các nguồn lực về tài chính và lao động phục vụ cho sản xuất.


(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NĐ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Trang Nhi