Dệt may hướng đến mục tiêu 43,5 tỷ USD

Doanh nghiệp - Doanh nhân - Ngày đăng : 14:48, 16/11/2021

Lãnh đạo Hiệp hội Dệt may Việt Nam tự tin đặt mục tiêu ngành dệt may Việt Nam xuất khẩu 43,5 tỷ USD trong năm 2022 dựa trên cơ sở đánh giá xu hướng tiêu dùng toàn cầu

Dù TP HCM và các tỉnh phía Nam bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 kéo dài, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may cả nước trong 10 tháng đầu năm nay vẫn tăng gần 11% so với cùng kỳ năm ngoái. 

det-may.jpg
Dệt may liên kết hướng đến mục tiêu 43,5 tỷ USD.

Tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của cả nước trong 10 tháng đầu năm đạt hơn 32 tỷ USD, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, may mặc đạt hơn 23,8 tỷ USD, vải đạt hơn 2 tỷ USD...

Tại buổi họp báo công bố Cotton Day 2021- sự kiện thường niên do Hiệp hội Dệt may Việt Nam ( VITAS) và Hiệp hội Bông Mỹ (CCI) tổ chức, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), dự báo trong 2 tháng cuối năm, xuất khẩu của ngành sẽ đạt khoảng 3 tỷ USD/tháng, nâng tổng kim ngạch đạt khoảng 38 tỷ USD trong năm nay. Năm 2020, con số đạt được là 35 tỷ USD.

"Chính liên kết chuỗi đã tạo ra được sự chia sẻ, hỗ trợ của cả ngành công nghiệp kéo sợi, dệt lụa và dệt may. Người lao động đã trở lại làm việc khoảng 92%. Cùng với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, ngành dệt may đã đạt được các con số tích cực", ông Đức Giang chia sẻ.

VITAS cho rằng kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cao trong năm 2022 và đạt con số 43 tỷ USD. Để thành công với mục tiêu đề ra, theo VITAS, ngành cần bắt kịp xu hướng tiêu dùng trên thế giới. Bên cạnh đó, ngành cũng cần tập trung vào các thị trường quan trọng như Mỹ, khối CPTPP.... Để tiếp tục tận dụng lợi thế từ các thị trường này, việc sử dụng bông và các nguyên liệu đầu vào cần tiếp tục đẩy mạnh.

Ông Võ Mạnh Hùng, đại diện Cotton USA tại Việt Nam, cho rằng ngành dệt may và thời trang thế giới đang có những chuyển biến mạnh mẽ hướng đến việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Các nhãn hàng ngày càng chú trọng đến các nguyên liệu vừa mang tính thời trang, vừa thân thiện với môi trường.

Đến năm 2025, khi thế giới chuyển sang sử dụng bông bền vững mà các doanh nghiệp Việt không bắt kịp thì sẽ mất lợi thế cạnh tranh trên trường quốc tế.

Trang Nhi