Thống đốc NHNN cảnh báo áp lực lạm phát năm 2022 rất lớn
Doanh nghiệp - Doanh nhân - Ngày đăng : 11:47, 13/11/2021
Đó là dự báo của Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng tại nghị trường sáng 12/11. Theo Thống đốc, chỉ tiêu lạm phát năm 2021 ở mức dưới 4% có thể đạt được, song rủi ro lạm phát năm 2022 là rất lớn với hàng loạt yếu tố rủi ro có thể nhận diện được như: khủng hoảng năng lượng; giá nhiều loại nguyên vật liệu tăng ảnh hưởng đến giá nhập khẩu; xu hướng đầu cơ, tích trữ các mặt hàng chiến lược của một số nước đang diễn ra...
"Khi nền kinh tế thế giới đã và dần phục hồi, giá cả hàng hóa đang có xu hướng gia tăng, một số mặt hàng như xăng dầu đã tăng rất cao, nhiều nước phát triển đã ghi nhận mức lạm phát cao nhất lịch sử. Với nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, áp lực rủi ro lạm phát nhập khẩu rất lớn", Thống đốc nêu.
Áp lực dễ nhận thấy nhất trong thời điểm này là giá xăng dầu. Ngày 10/11, giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu tăng lần thứ 5 liên tiếp kể từ tháng 9, thiết lập giá xăng dầu trong nước ở mức cao nhất trong 7 năm qua. Bộ Công Thương giải thích giá xăng dầu trong nước biến động mạnh do chịu ảnh hưởng từ giá năng lượng thế giới khi nhu cầu tăng trong bối cảnh các nước chuyển đổi chiến lược ứng phó với dịch COVID-19 theo hướng sống chung với dịch bệnh.
Phân tích rõ hơn, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, các nền kinh tế thế giới đang gần phục hồi khi chiến lược vaccine bao phủ. Điều này dẫn tới giá cả hàng hóa đang có xu hướng gia tăng, các chỉ số của giá nhiều mặt hàng hóa như xăng dầu đã tăng 55% so với cuối năm trước. Các nước phát triển thì lạm phát đã tăng lên mức cao nhất trong lịch sử với Mỹ tăng 5,3% trong tháng 9.
Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam có độ mới cửa lớn với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 200% GDP nên áp lực rủi ro lạm phát nhập khẩu rất lớn.
Về chính sách lãi suất, lãnh đạo NHNN cho biết, các ngân hàng Trung ương thế giới đang có xu hướng dừng chính sách nới lỏng tiền tệ. Hiện có tới 65 lượt tăng lãi suất trên thế giới.
Trong khi đó, với thị trường trong nước, nợ xấu của các tổ chức tín dụng đang gia tăng. Trong thời gian vừa qua, các ngân hàng đã giảm lãi suất bằng chính nguồn lực tài chính của mình chứ không phải tiền ngân sách, nên khi nợ xấu gia tăng chắc chắn bản thân các ngân hàng phải sử dụng nguồn lực tự có để xử lý.
Về phía NHNN, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong thời gian tới, cơ quan quản lý tiền tệ sẽ tiếp tục chỉ đạo hệ thống các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động để tiếp tục giảm lãi suất.
Tuy nhiên, vẫn phải đảm bảo an toàn hoạt động của từng tổ chức tín dụng cũng như toàn hệ thống để tránh tác động dây chuyền.
Đồng thời NHNN sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ Tài chính, Bộ KHĐT để tính toán gói hỗ trợ lãi suất với quy mô, phạm vi, đối tượng hợp lý trên cơ sở vẫn đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và phòng ngừa rủi ro lạm phát cũng như phòng ngừa rủi ro đối với an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng.
Theo Bộ Công Thương, sắp tới, cần phải có một số giải pháp chính để kiểm soát lạm phát, đảm bảo nguồn cung hàng hoá. Thứ nhất phải tiếp tục theo dõi chặt chẽ giá cả, diễn biến, tình hình lạm phát của các nước trên thế giới, chúng ta có sự tham khảo kịp thời để đánh giá các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả và lạm phát của Việt Nam. Đặc biệt cần đánh giá nguyên vật liệu nào có khả năng thiếu hụt tạm thời hay trong dài hạn trong nước, để từ đó đưa ra được chính sách đối ứng cho phù hợp.
Thứ hai, cần chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung và lưu thông hàng hoá, giảm áp lực lạm phát, cần có thông tin kịp thời rõ ràng, chính xác về các chính sách chỉ đạo điều hành của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, nhằm loại bỏ thông tin sai lệch về giá cả thị trường, không để xảy ra hiện tượng lạm phát do tâm lý.
Thứ ba, dự báo giá cả nguyên liệu trên thế giới sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, cần nỗ lực đàm phán để có được nguồn nguyên liệu thô thông qua tăng cường hợp tác từ cấp Chính phủ đến các bộ, ngành để hỗ trợ doanh nghiệp, ký kết các hợp đồng nhập khẩu nguyên liệu dài hạn để đảm bảo nguyên liệu đầu vào, ổn định sản xuất, qua đó kiểm soát lạm phát cũng như đảm bảo ảnh hưởng ít nhất đến đời sống của người dân, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.