Tiền gửi thanh toán của tổ chức kinh tế tăng mạnh
Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 11:32, 13/11/2021
Theo số liệu mới công bố từ Ngân hàng Nhà nước, tổng phương tiện thanh toán tính đến cuối tháng 9 tăng 6,35% so với cuối năm 2020 với số dư hơn 12,879 triệu tỉ đồng.
Trong đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng 7,8%, đạt số dư hơn 5,258 triệu tỉ đồng và tiền gửi của dân cư tăng 2,92%, số dư 5,291 triệu tỉ đồng. Số dư tiền gửi của tổ chức tháng 9 tăng mạnh 114.000 tỉ đồng so với tháng 8, trong khi 9 tháng đầu năm tăng 400.587 tỉ đồng.
Một số tháng đầu năm 2021, số dư tiền gửi của tổ chức còn có mức sụt giảm. Trong khi đó, số dư tiền gửi cá nhân tháng 9 lại giảm 1.473 tỉ đồng so với tháng 8 và tăng 166.000 tỉ đồng so với đầu năm.
Ngoài ra, tỷ trọng tiền mặt lưu thông trên tổng phương tiện thanh toán trong tháng 9 giảm nhẹ còn 11,31% thay vì mức 11,36% hồi tháng 8.
Theo đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành, mục tiêu đến cuối năm 2025 giá trị thanh toán không dùng tiền mặt gấp 25 lần GDP; thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%; từ 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác; tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ thanh toán của người dân, tăng số lượng điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt lên trên 450.000 điểm.
Mục tiêu tăng trưởng sử dụng phương tiện, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt với tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng và giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt 20 - 25%/năm; số lượng giao dịch qua kênh điện thoại di động đạt 50 - 80%/năm và giá trị giao dịch đạt 80 - 100%/năm; số lượng và giá trị giao dịch qua kênh internet đạt 35 - 40%/năm…