Kết hợp nhuần nhuyễn chính sách tài khóa và tiền tệ để phục hồi kinh tế
Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 10:49, 12/11/2021
Cần chính sách quyết liệt hơn, mạnh tay hơn
Thời gian qua dịch bệnh ảnh hưởng đến tất cả các khía cạnh kinh tế, y tế, văn hóa, an sinh xã hội của nước ta. Nền kinh tế đối mặt với không ít rủi ro, thách thức về lạm phát, thiếu nguyên vật liệu đầu vào, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn… Để hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp, nhiều chính sách đã được ban hành.
Các giải pháp hỗ trợ được đánh giá là kịp thời, có tác động tích cực và được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao, góp phần tháo gỡ khó khăn ổn định sản xuất kinh doanh duy trì tăng trưởng.
Song, chính sách tài khóa tham gia vào hỗ trợ nền kinh tế vẫn ở tỷ lệ chưa đáp ứng được nhu cầu do nguồn ngân sách hữu hạn. Các gói hỗ trợ đối với người lao động không có việc làm chưa đủ đảm bảo được vấn đề an sinh, nên nhiều nhà máy, xí nghiệp không giữ chân được người lao động. Khi mở cửa trở lại nền kinh tế thì việc tuyển chọn người lao động đang trở nên vô cùng khó khăn.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam chia sẻ với báo chí về một số vấn đề nổi cộm trong việc áp dụng chính sách tài khóa - tiền tệ:
Thứ nhất, bản chất của cơ cấu nợ, điều chỉnh không chuyển nhóm nợ thực chất là những món nợ dưới chuẩn và không bị chuyển nhóm nợ để đủ điều kiện được xem xét mở rộng cho vay tiếp. Đối với những doanh nghiệp như vậy, không có tài sản đảm bảo, không quản lý được dòng tiền, thì liệu ngân hàng nào cho vay nên đây là vấn đề rất khó khăn với ngân hàng.
Thứ hai, Chính phủ đang áp dụng chính sách “dùng doanh nghiệp hỗ trợ doanh nghiệp” bởi vì các tổ chức tín dụng cũng chính là doanh nghiệp. Khi họ phải giảm lãi, giảm phí, hay như ngành Điện lực, viễn thông cũng hỗ trợ giảm giá,... Như vậy để thấy rằng, mọi gánh nặng đều đè lên vai của doanh nghiệp, còn những gói giãn hoãn thuế chỉ là kéo dài thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính.
Thứ ba, chính sách được giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp, nhưng phải là doanh nghiệp doanh thu không quá 200 tỷ đồng, thì không đáp ứng được yêu cầu mà khối doanh nghiệp mong muốn.
Thứ tư, việc hỗ trợ người lao động không có công ăn việc làm và chi phí chống dịch mà Chính phủ bỏ ra rất lớn, nhưng sự hỗ trợ đó đã đủ đảm bảo và đáp ứng với người dân được hay không cũng là vấn đề cần lời giải.
Chúng ta đã sử dụng rất nhiều giải pháp, nhưng đến thời điểm này nếu tiếp tục sử dụng chính sách tiền tệ như vừa qua sẽ có tác dụng ngược, vì nền kinh tế không thể hấp thụ. Trong khi bối cảnh hiện tại đòi hỏi sự phục hồi nhanh đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng.
Do đó, các chuyên gia cho rằng, nếu không có các chính sách, giải pháp hỗ trợ quyết liệt hơn, mạnh tay hơn, khó mà phục hồi sức dân, sức doanh nghiệp từ đó mới có tăng trưởng kinh tế.
Phải phối hợp chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ
Ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng để hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả, chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ phải có sự kết hợp chặt chẽ. Nếu chúng ta sử dụng chính sách tiền tệ mãi thì vài năm nữa gánh nặng nợ xấu rất lớn, để lại hệ quả nặng nề. Đồng thời các bộ, ngành phải nâng cao trách nhiệm tham mưu cho Chính phủ, nhìn nhận đúng thực trạng để đề xuất các giải pháp phù hợp nhất trong bối cảnh hiện nay. Chúng ta phải nhìn nhận đúng thực trạng nếu tiếp tục sử dụng chính sách tiền tệ sẽ gây hệ quả rất lớn.
Trước đó, trong phát biểu bế mạc Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ 4, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, dự báo trong năm 2022, tình hình dịch bệnh trên thế giới và ở nước ta còn diễn biến phức tạp, khó lường; có thể còn bùng phát các đợt dịch mới với những biến chủng mới, lây lan nhanh hơn và nguy hiểm hơn. Thế giới khó có thể kiểm soát dịch bệnh một cách tuyệt đối; do đó cần phải có chính sách, biện pháp phù hợp để phòng, chống, "thích ứng an toàn, linh hoạt" hoặc "sống chung" với dịch bệnh.
Hội nghị đặc biệt nhấn mạnh từ bài học kinh nghiệm trong nước và quốc tế đúc rút được thời gian qua, cần phải đổi mới tư duy, nhận thức đúng đắn hơn về phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh gắn với duy trì, phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh để xây dựng các phương án, kịch bản phù hợp đưa vào Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách nhà nước, đầu tư công năm 2022 sao cho sát hợp, khả thi nhất có thể.
Trên cơ sở kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2022 và chủ trương, định hướng phòng, chống dịch trong tình hình mới, kịp thời điều chỉnh chính sách tài chính - tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, tạo nguồn lực để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế, phục hồi sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hoá, lao động.
Sớm nghiên cứu, xây dựng kịch bản tăng trưởng mới cho thời kỳ hậu COVID-19, các giải pháp tổng thể kích thích nền kinh tế, hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động, không để suy giảm các động lực tăng trưởng trong dài hạn.
Hội nghị cũng yêu cầu tiếp tục rà soát, tính toán kỹ lưỡng, chuẩn xác hoá lại các mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để trình Quốc hội xem xét, quyết định, bảo đảm đáp ứng yêu cầu vừa tiếp tục phòng, chống, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, vừa phục hồi phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2022 và các năm tiếp theo.