Tình trạng mất cân bằng giới tính ở Việt Nam: Hệ lụy khó lường
Chính trị - Ngày đăng : 10:48, 13/04/2012
Tỷ lệ bé trai nhiều hơn bé gái là vấn đề nóng bỏng tại Hội thảo
Những con số đáng báo động
Ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cho biết: Việt Nam phải đối mặt với tình trạng thừa nam - thiếu nữ ngay từ thời điểm hiện tại kéo dài cho đến nhiều năm sau này. Nếu có các biện pháp can thiệp tích cực để tỷ số giới tính khi sinh phát triển chậm lại thì vào năm 2025 nước ta vẫn sẽ có khoảng 1 triệu nam giới dư thừa, có thể phải kết hôn muộn hoặc không có khả năng kết hôn. Còn nếu không có biện pháp can thiệp thì con số nam giới dư thừa vào năm 2025 sẽ tăng thêm từ 2 triệu đến 3 triệu nữa. Vào thời điểm này, Việt Nam cũng đang phải chịu ảnh hưởng khi một số quốc gia, vùng lãnh thổ trong khu vực đang trong tình trạng mất cân bằng giới tính như Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc... với một số lượng không nhỏ phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài.
Theo thống kê, năm 2006, tỷ số giới tính khi sinh của tỉnh Nghệ An là 118 bé trai/100 bé gái; năm 2010 tỷ lệ đó tăng đột biến lên 123 bé trai/100 bé gái. Hầu hết các huyện, thị của Nghệ An đều có tỉ lệ trẻ sơ sinh nam nhiều hơn nữ, trong đó có 12 trên tổng số 18 huyện có tỉ lệ 123 em nam/100 nữ, vượt xa tỉ lệ chung toàn quốc. Tại tỉnh Hà Tĩnh, năm 2010 tỷ số giới tính là 115 bé trai/100 bé gái. Tỷ lệ này vượt quá xa theo quy luật sinh sản tự nhiên và hiện nay cao hơn bình quân của cả nước. |
Qua khảo sát thực tế cho thấy, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam đã xảy ra ở 5/6 vùng kinh tế xã hội và 45/63 tỉnh, thành phố. Đồng bằng sông Hồng có tỷ lệ mất cân bằng cao nhất, trung bình là 115 nam trên 100 nữ. Trong đó, đáng báo động là Hưng Yên (trên 130/100), Hải Dương (120/100), Hải Phòng (115/100), Bắc Ninh (119/100)... Hơn nữa, tỉ số này đặc biệt cao ở những gia đình có kinh tế khá giả và có trình độ học vấn cao. Ở nhóm 20% dân số nghèo nhất, tỷ số giới tính khi sinh là 105, trong khi ở 3 nhóm dân cư giàu nhất, tỉ số này là 112.
Nguyên nhân của tình trạng này do tâm lý thích con trai cùng khả năng tiếp cận ngày càng dễ dàng với các kỹ thuật và công nghệ mới có khả năng lựa chọn giới tính. Sau gần 30 năm, Việt Nam và một số quốc gia châu Á đã nhận thấy tác động nghiêm trọng của vấn đề này. Ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, tỷ số giới tính khi sinh nằm trong khoảng 104-106 bé trai trên 100 bé gái. Tuy nhiên, tỷ số này đang gia tăng nhanh chóng tại một số quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam.
Tỷ lệ trai nhiều hơn gái hiện nay rất đáng lo ngại
Trong khi nhiều người dân mong muốn và tìm mọi cách để có con trai thì họ không biết rằng, có rất nhiều hệ lụy đối với con cháu họ trong tương lai.
Phải mạnh tay và quyết liệt
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: Việc giải quyết tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh không chỉ là nhiệm vụ của ngành y tế bởi điều này có ý nghĩa quan trọng hàng đầu với sự phát triển bền vững. Thời gian tới, Chính phủ Việt Nam sẽ có những giải pháp đồng bộ và đột phá, tập trung giải quyết vấn đề này một cách quyết liệt và có trọng điểm. Việc kiểm soát giới tính khi sinh này cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là tại 10 địa phương mất cân đối cao nhất.
"Chính phủ Việt Nam sẽ có những giải pháp đồng bộ và đột phá, tập trung giải quyết vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh một cách quyết liệt và có trọng điểm. Đề nghị Bộ Y tế chủ trì giao ban 3 tháng/lần với các tỉnh có tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh cao nhất để nắm tình hình. Đồng thời phối hợp với các Bộ, ngành, đoàn thể đưa ra các biện pháp nhằm hạ tỷ lệ mất cân bằng giới tính để trình Chính phủ trong thời gian sớm nhất". Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh. |
Bên cạnh đó, phải có biện pháp quyết liệt để hạn chế việc chẩn đoán giới tính thai nhi; giám sát, xử lý nghiêm tình trạng nạo hút thai vì lý do giới tính. "Đề nghị Bộ Y tế với góc độ quản lý chuyên ngành tham mưu cho Chính phủ có giải pháp đặc biệt đối với 10 tỉnh, thành phố có mức sinh cao nhất, có biện pháp riêng, đánh giá nguyên nhân sâu hơn, đưa ra giải pháp phù hợp, từ đó rút ra những kinh nghiệm", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Ngoài ra, các biện pháp tuyên truyền, giáo dục là rất quan trọng, để người dân thay đổi quan niệm "trọng nam, khinh nữ", thấy được hệ lụy của việc mất cân bằng tỉ số giới tính khi sinh. Việc tuyên truyền phải quyết liệt, sâu sát, thuyết phục trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng. Bộ Y tế sẽ là đơn vị chịu trách nhiệm giám sát các ban, ngành, đoàn thể cùng triển khai công tác tuyên truyền để người dân hiểu và tự nguyện tham gia.
Bình Nguyên