Phân nhóm, có giải pháp phù hợp để giải quyết cho khoảng 1,3 triệu lao động

Chính trị - Ngày đăng : 13:59, 11/11/2021

Giải quyết cho khoảng 1,3 triệu lao động từ một số địa bàn, chủ yếu từ các tỉnh Đông Nam Bộ, đi về các tỉnh được quay lại làm việc, vừa phục hồi hoạt động sản xuất, vừa bảo đảm quyền lợi cho họ và gia đình, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, cần phân loại các nhóm người lao động để có biện pháp giải quyết phù hợp.
phan-nhom-co-giai-phap-phu-hop-de-giai-quyet-cho-hon-1-3-trieu-lao-dong.jpg
Phó Thủ tướng: Làm sao để doanh nghiệp thực sự lo cho công nhân, không hình thức hay dồn trách nhiệm về phía chính quyền

Sáng nay với 10 phút để làm rõ thêm ý kiến, câu hỏi của một số đại biểu Quốc hội liên quan đến người lao động trước tác động, ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 11/11, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ, đợt dịch vừa qua đã làm bộc lộ rất nhiều vấn đề tồn tại từ lâu như nhà ở cho công nhân, các công trình phúc lợi, đổi mới đào tạo nghề… Tới đây, Chính phủ sẽ có một số chương trình và báo cáo Quốc hội, các cơ quan có thẩm quyền để từng bước giải quyết căn cơ những vấn đề này.

Trước mắt, các địa phương, nhân dân rất quan tâm đến việc giải quyết cho khoảng 1,3 triệu lao động từ một số địa bàn, chủ yếu từ các tỉnh Đông Nam Bộ, đi về các tỉnh được quay lại làm việc, vừa phục hồi hoạt động sản xuất, vừa bảo đảm quyền lợi cho họ và gia đình.

Phó Thủ tướng cho rằng cần phân loại các nhóm người lao động để có biện pháp giải quyết phù hợp. Theo Phó Thủ tướng, đối tượng thứ nhất là người lao động có hợp đồng chính quy, tương đối ổn định và dài hạn, làm việc ở các doanh nghiệp lớn, đặc biệt các khu chế xuất, khu công nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai, Bình Dương, Long An.

Với những trường hợp này, cơ bản các doanh nghiệp vẫn trả một phần lương nên tình trạng số lao động này quay lại “là tương đối tốt.” Những người chưa muốn quay lại phần nhiều do muốn thay đổi công việc như trong điều kiện bình thường.

Đối tượng thứ hai là người lao động không dài hạn và có tính thời vụ, làm việc ở công trường, các xí nghiệp nhỏ. Chúng ta cũng không biết số lao động không có cam kết dài hạn lúc nào sẽ quay lại.

Đối tượng thứ ba là người lao động tự do như ở Thành phố Hồ Chí Minh là rất lớn, hầu hết không có hợp đồng, tự vào làm việc.

Đối tượng thứ tư là những người đi theo các lao động này như người trông con, cháu

Theo Phó Thủ tướng, có ba vấn đề quan trọng để người lao động yên tâm quay lại làm việc.

Thứ nhất là phải có kế hoạch rất cụ thể, chi tiết nhằm kiểm soát tốt dịch bệnh, không để người lao động vừa quay lại làm thì phải tạm nghỉ do dịch bùng phát.

Thứ hai là phải mở lại trường học, nhất là mẫu giáo và tiểu học, đây không chỉ là vấn đề giáo dục mà chính là giải quyết cho người lao động đi làm vì đa phần họ có con nhỏ.

Thứ ba là người lao động muốn được các doanh nghiệp, dù to hay nhỏ, cam kết tiếp tục trả một phần lương trong trường hợp phải tạm nghỉ do dịch bùng phát trở lại.

Phó Thủ tướng cho biết, vừa qua lãnh đạo các địa phương đã đi xuống từng doanh nghiệp để thảo luận, giải quyết các vấn đề đặt ra.

Về phía các bộ, ngành Trung ương, Phó Thủ tướng đề nghị tiếp tục rà soát tất cả quy định về phòng, chống dịch an toàn nhưng không quá phức tạp, nhất là trong xét nghiệm, xử lý khi phát hiện ca nhiễm trong doanh nghiệp một cách rất linh hoạt.

“Làm sao để doanh nghiệp thực sự lo cho công nhân, không hình thức hay dồn trách nhiệm về phía chính quyền”, Phó Thủ tướng nói.

Nói rõ quy định về việc nới “trần” làm thêm với người lao động trong một thời gian rất ngắn vì cuối năm là thời điểm chốt các đơn hàng, rất quan trọng với cả doanh nghiệp và người lao động, Phó Thủ tướng nhấn mạnh rất cần đưa ra một số quy định có tính chất tạm thời nhưng thiết thực cho doanh nghiệp. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội hiện đang trình các cơ quan có thẩm quyền thảo luận, thậm chí xem xét trình Quốc hội kỳ này về việc áp dụng tạm thời trong một thời gian ngắn quy định đặc biệt việc hạn chế số giờ làm việc trong một tháng, cả năm. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp cũng chính là tạo điều kiện cho người lao động.

Đề cập việc chủ động lo vaccine phòng bệnh cho người lao động, bố trí đón người lao động trở lại, Phó Thủ tướng cho biết các nước cũng đang trong tình trạng giống Việt Nam như Singapore, Malaysia thiếu tới gần 1 triệu lao động và còn phải tính mở cửa đón lao động nước ngoài vào. Nước nào cũng có những gói hỗ trợ lớn để hỗ trợ người lao động trở lại. Việt Nam cũng cần phải có những tính toán căn cơ.

“Chúng ta đã có một số gói hỗ trợ rồi, tới đây các địa phương đã chủ động rồi nhưng tôi cũng đề nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội xem xét cùng với các địa phương để có các gói hỗ trợ riêng cho người lao động quay lại làm việc và đặc biệt lưu ý đối với người nhà đi theo để trông con cái,” Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Về lâu dài, Phó Thủ tướng cho rằng phải có chương trình xây dựng nhà ở cho công nhân, xem xét cơ cấu lại sản xuất, lao động.

Phó Thủ tướng cho biết thời gian qua, trước sức ép của tăng trưởng, của công nghiệp, một số lượng rất lớn người lao động đã tập trung về các vùng công nghiệp lớn, hình thành những khu nhà ở công nhân có mật độ đậm đặc. Khi dịch xảy ra, những khu ký túc xá xây đúng theo định hướng mới thì chống dịch thuận lợi, còn những khu nhà trọ dân sinh thì vô cùng phức tạp.

“Một căn phòng trọ khoảng trên dưới 10 m2, thường là có 2 người thuê chung hoặc 2 vợ chồng với 1 đứa con, thậm chí 2 đứa con, kèm thêm một bà mẹ lên trông cháu”, Phó Thủ tướng dẫn chứng và nhấn mạnh phải có sự thay đổi, điều chỉnh chiến lược thu hút lao động, thu hút đầu tư nước ngoài theo định hướng đã có là từ bỏ lợi thế lao động giá rẻ hướng tới giá trị gia tăng cao.

“Nếu có sự chuẩn bị đúng thì chúng ta vẫn giữ chân nhà đầu tư nước ngoài, vừa dịch chuyển được cơ cấu lao động”, Phó Thủ tướng nói.

Ngọc Mai