Vì sao Hà Nội chưa tổ chức cách ly F0, F1 tại nhà?
Đời sống - Ngày đăng : 12:43, 09/11/2021
Từ đầu đợt dịch thứ tư tới hết ngày 8/11, địa bàn Hà Nội ghi nhận tổng số 5.104 ca Covid-19, gồm 2.017 trường hợp phát hiện ngoài cộng đồng và 3.087 người được cách ly từ trước. Một tuần gần đây, mỗi ngày TP có trung bình khoảng 90 ca nhiễm mới, trong đó số ca cộng đồng rất lớn.
Trước tình hình số mắc và lượng người liên quan F0 tăng lên nhanh chóng, một số chuyên gia cho rằng, Hà Nội nên sớm có phương án cách ly F1 và điều trị F0 không triệu chứng/triệu chứng nhẹ tại nhà.
Thông tin về vấn đề trên, ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, ở thời điểm hiện tại, TP chưa tổ chức cách ly F1, F0 tại nhà.
Lý giải cụ thể, Phó Giám đốc CDC Hà Nội nêu: Thứ nhất, Hà Nội vẫn đủ nguồn lực để cho F0, F1 cách ly tập trung như hiện nay; khi F0 gia tăng đến mức độ nào đó mới tính đến việc cách ly tại nhà. Thứ 2, đặc thù của TP Hà Nội là “đất chật người đông”, khác với các tỉnh, khó đảm bảo đủ an toàn khi cách ly tại nhà.
Theo Phó giám đốc CDC Hà Nội, tới đây thành phố sẽ không đưa những trường hợp F0 không triệu chứng vào bệnh viện điều trị tập trung mà sẽ thành lập trạm y tế lưu động.
Việc lập trạm y tế lưu động tại các địa phương cũng tương tự điều trị tại nhà. Bởi các trạm y tế lưu động này không cố định, không điều trị tập trung. Các quận, huyện, xã, phường đều phải có các địa điểm để điều trị cho F0 không triệu chứng. Hiện nay số cơ sở cách ly tập trung của Hà Nội vẫn chứa được khoảng 60.000-70.000 F1 trở lên.
Theo báo cáo của Sở Y tế, dự kiến Hà Nội sẽ thành lập 508 trạm y tế lưu động, có 20 trạm y tế xã lưu động được đặt tại khu công nghiệp, khu chế xuất. Hiện nay, 30/30 quận, huyện, thị xã đã xây dựng kế hoạch, phương án chỉ đạo và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị trong việc triển khai mô hình trạm y tế lưu động.
Căn cứ tình hình thực tế diễn biến dịch trên địa bàn, UBND các quận, huyện, thị xã sẽ chỉ đạo bộ phận liên quan chuẩn bị các điều kiện về địa điểm, nhận lực, trang thiết bị, thuốc… để sẵn sàng thiết lập thêm trạm y tế lưu động, đưa vào sử dụng khi có tình huống dịch bệnh diễn biến phức tạp, lan rộng trong cộng đồng
Bên cạnh đó, Phó giám đốc CDC Hà Nội cho rằng, việc thành phố mở cửa để phát triển kinh tế xã hội sẽ xác định và đối diện với việc xuất hiện nhiều ca bệnh. Trong những ngày tới, có thể sẽ xuất hiện thêm nhiều ổ dịch mới bởi nhiều người bệnh có lịch trình di chuyển nhiều nơi, phức tạp không xác định hết được nguồn lây.