Việt Nam tăng 16 bậc trong xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu ngành công nghiệp

Doanh nghiệp - Doanh nhân - Ngày đăng : 10:28, 09/11/2021

Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, năng lực cạnh tranh toàn cầu của ngành công nghiệp đã tăng lên, phát triển công nghiệp từng bước đi vào chiều sâu.

Tại diễn đàn cấp cao và triển lãm quốc tế lần thứ ba về công nghiệp 4.0 - Industry 4.0 Summit 2021 với chủ đề "Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong kỷ nguyên số", Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển cho biết, qua 35 năm, Việt Nam đã có bước chuyển đổi sâu sắc. Từ một quốc gia kém phát triển, thu nhập bình quân đầu người thấp, đến nay Việt Nam đã thuộc nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình, vị thế trên trường quốc tế ngày càng cải thiện và được đánh giá cao.

cong-nghiep-hoa.jpg
Việt Nam tăng 16 bậc trong xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu ngành công nghiệp.

Việt Nam trở thành đối tác hợp tác tin cậy của nhiều quốc gia trên thế giới. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Cơ cấu kinh tế ngành và nội ngành chuyển biến tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; cơ cấu các ngành công nghiệp chuyển dịch theo hướng giảm dần tỉ trọng ngành khai khoáng, tăng nhanh tỷ trọng ngành chế biến, chế tạo.

"Một số sản phẩm công nghiệp xuất khẩu có quy mô lớn, chiếm vị trí vững chắc trên thị trường thế giới; năng lực cạnh tranh toàn cầu của ngành công nghiệp tăng lên (theo UNIDO, xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu của ngành công nghiệp Việt Nam tăng từ vị trí 58 năm 2015 lên thứ 42 vào năm 2019), phát triển công nghiệp từng bước đi vào chiều sâu", Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh.

Song, lãnh đạo ban Kinh tế Trung ương cho hay, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước còn chậm, năng lực và trình độ công nghệ của nền kinh tế còn thấp, việc tạo nền tảng để đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa đạt mục tiêu đề ra, chưa thu hẹp được khoảng cách phát triển và bắt kịp các nước trong khu vực.

Việt Nam đã xác định mục tiêu đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, phấn đấu là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập Nước, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

"Để thực hiện được các mục tiêu đó, một trong những nhiệm vụ then chốt được Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII xác định là 'đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng của tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo'", ông Hiển nhấn mạnh.

Tuy vậy, điểm xuất phát của Việt Nam còn nhiều điều kiện hạn chế về nguồn lực tài chính, nhân lực, trình độ khoa học công nghệ, vậy làm thế nào để Việt Nam có thể thực hiện được thành công quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Do đó, cần phải xác định được mô hình, con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa và lựa chọn chính sách cho phù hợp.

Trang Nhi