Cước vận tải biển tiếp đà tăng 'đè nặng' doanh nghiệp nhỏ
Doanh nghiệp - Doanh nhân - Ngày đăng : 11:01, 08/11/2021
Cước vận tải biển tăng phi mã đã là một chủ đề nhận được rất nhiều sự quan tâm từ các chủ hàng Việt Nam từ cuối năm 2020, nhưng dường như không nhiều doanh nghiệp xem cuộc khủng hoảng này là một cơ hội.
Vào giữa tháng 10, hãng tư vấn Sea-Intelligence của Đan Mạch đã phân tích về việc chi phí vận tải container đang giáng đòn rất mạnh vào các chủ hàng nhỏ, qua đó giải thích lý do tại sao rất nhiều nhà xuất khẩu có thể lâm vào tình trạng phá sản vì câu chuyện giá cước vận chuyển tăng "phi mã" trong năm 2021.
Báo cáo cập nhật ngành logistics của SSI Research vừa công bố cho thấy, giá cước container và vận tải biển đã tăng gấp 4 lần mức trước dịch. Đặc biệt, ở một số tuyến nhu cầu vận tải cao, giá cước thậm chí đã tăng tới 7-8 lần trong vòng 1 năm qua.
Sea-Intelligence cho biết chênh lệch giá cước mà các chủ hàng nhỏ chi trả cho mức cước giao ngay với mức cước theo hợp đồng (contract rate) mà các chủ hàng lớn phải chi trả đã ngày càng được nới rộng, vào tháng 6/2021, khoảng cách giữa hai mức cước là 10.000 USD/FEU nhưng đến giữa tháng 10 thì đã tăng gấp đôi, lên mức 20.000 USD/FEU.
Hãng tư vấn từ Đan Mạch kết luận, cuộc khủng hoảng cước vận tải biển sẽ làm thay đổi năng lực cạnh tranh giữa các chủ hàng, và điều này cũng có nghĩa rằng khủng hoảng là cơ hội để một số chủ hàng định vị năng lực cạnh tranh của chính mình.
Nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong nước cho biết, họ đã phải rất nỗ lực mới có thể điều hành doanh nghiệp cầm cự trong thời gian qua, duy trì sản xuất để bảo đảm mức lương tối thiểu cho toàn bộ cán bộ, công nhân viên trong hoàn cảnh dịch COVID-19 bùng phát liên tục cùng với tốc độ tăng phi mã của giá cước vận tải biển.
Với khối doanh nghiệp FDI, tác động trong 6 tháng đầu năm có thể chưa quá lớn, nhưng nếu giá cước vận tải tiếp tục giữ đà trên, các chuyên gia kinh tế nhận định sẽ có tác động tiêu cực đến xuất khẩu của khối doanh nghiệp này.
Chuyên gia vận tải biển Lars Jensen cũng đã nhấn mạnh đến khía cạnh này khi cho rằng khủng hoảng cước vận chuyển thực ra lại là một cơ hội chiến lược cho các chủ hàng lớn, họ có thể tự "gặm nhấm" phần lợi nhuận phải hy sinh và không tăng giá bán lẻ, vì các doanh nghiệp này còn đủ dư địa để hấp thụ bất lợi này trong khi các đối thủ cạnh tranh của họ thì không.
Công ty SSI Research dự báo giá cước có thể sẽ đạt đỉnh vào quý 4/2021, sau đó sẽ điều chỉnh nhẹ vào nửa đầu năm 2022. Giá cước có thể giảm đáng kể trong năm 2023 khi nguồn cung tàu mới đi vào hoạt động, nhưng duy trì ở mức cao hơn mặt bằng trước dịch COVD. Điều này cho thấy, nếu không có phản ứng kịp thời, xuất nhập khẩu sẽ đối mặt nhiều thách thức.
Trước đó, "gã khổng lồ" ngành vận tải biển Đan Mạch A.P. Moller-Maersk nhận định, cơn sốt giá cước chưa có dấu hiệu hạ nhiệt trong năm nay. Đại dịch COVID-19 đã gây nên tình trạng thiếu container và tắc nghẽn tại các cảng trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng tăng cao. Điều này đã đẩy giá cước tăng lên mức kỷ lục. Do đó, khối lượng giao dịch thương mại toàn cầu dự kiến tăng 7 - 8% trong năm 2021. Điều này đồng nghĩa nhu cầu của người tiêu dùng rất mạnh, kết hợp với việc các doanh nghiệp tăng cường hàng dự trữ.
Nhiều chuyên gia trong ngành cũng dự báo giá giá cước có thể đạt đỉnh vào quý 4/2021, sau đó sẽ điều chỉnh nhẹ vào nửa đầu năm 2022 và hạ nhiệt đáng kể vào năm 2023. Song có chuyên gia cho rằng, có khả năng cước vận tải biển vẫn chưa thực sự chạm đỉnh và sẽ tiếp tục duy trì ở các mức kỷ lục cho đến hết năm 2021 và thậm chí là kéo dài sang năm 2022.
"Ngay cả khi giá cước hạ nhiệt trở lại thì mặt bằng giá mới cũng sẽ cao hơn so với thời điểm trước khi xảy ra đại dịch COVID-19. Do đó, vai trò của các doanh nghiệp khai thác cảng và logistics sẽ đặc biệt quan trọng, nhất là trong giai đoạn hiện nay", đại diện Công ty Cổ phần Gemadept nhấn mạnh.
Do đó, Phó Cục trưởng Hàng Hải Việt Nam Hoàng Hồng Giang cho biết, ngay sau khi nhận được phản ánh của các hiệp hội, doanh nghiệp xuất khẩu về tình trạng tăng giá bất hợp lý của các hãng tàu, Cục đã ra văn bản yêu cầu các hãng tàu thực hiện nghiêm túc niêm yết giá.
Để tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, cần tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật về giá cước vận tải biển. Trước thực trạng giá cước vận tải biển gia tăng phi mã, các doanh nghiệp đang trông chờ vào các giải pháp của các cơ quan chức năng, nhằm giúp họ có thể duy trì hoạt động xuất nhập khẩu.