Doanh nghiệp dầu khí áp dụng nhiều giải pháp quản trị và công nghệ vượt đại dịch
Kinh tế - Ngày đăng : 09:46, 08/11/2021
Ứng dụng các giải pháp công nghệ vượt đại dịch
Trong tháng 10, việc kiểm soát dịch COVID-19 trên cả nước có nhiều khởi sắc, các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng, hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) từng bước được khôi phục trong trạng thái bình thường mới, chuyển hướng từ chiến lược phòng, chống dịch COVID-19 sang “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” theo Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ.
Tuy nhiên, những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID -19 vẫn còn kéo dài, riêng trong lĩnh vực dầu khí, tình hình tiêu thụ các sản phẩm dầu khí hết sức khó khăn, đặc biệt sản lượng huy động khí, điện giảm sút mạnh.
Trước tình hình đó, với nỗ lực cao của cả hệ thống cùng với phát huy kinh nghiệm, hiệu quả công tác quản trị, linh hoạt trong điều hành, có sự chuẩn bị và bắt nhịp tốt với thị trường, trong tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2021, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Đặc biệt, trước đà suy giảm sản lượng tự nhiên của các mỏ dầu khí hiện hữu sau thời gian dài khai thác và công tác đầu tư phát triển mỏ mới gặp nhiều vướng mắc về cơ chế, việc duy trì và hoàn thành kế hoạch sản lượng khai thác là thách thức rất lớn với Petrovietnam. Mặc dù vậy, Tập đoàn đã tập trung nỗ lực ứng dụng các giải pháp khoa học, kỹ thuật, công nghệ, áp dụng nhiều giải pháp nâng cao thu hồi dầu; kết quả khai thác dầu thô tháng 10 vượt 6,6% kế hoạch tháng 10, tính chung 10 tháng đạt 9,09 triệu tấn, vượt 12,4% kế hoạch 10 tháng.
Từ đó, Petrovietnam đã đóng góp quan trọng vào nguồn thu NSNN 10 tháng đầu năm là 75,4 nghìn tỷ đồng, vượt 21% kế hoạch năm 2021 và vượt 23% so với cùng kỳ năm 2020. Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp lớn gặp khó khăn, thua lỗ dưới tác động nghiêm trọng của đại dịch COVID-19, những đóng góp quan trọng của Petrovietnam thể hiện nỗ lực rất lớn của Tập đoàn, các đơn vị thành viên và gần 60.000 người lao động dầu khí.
Để có được kết quả khả quan trên một phần còn nhờ các công tác như: chuyển đổi số; an ninh, an toàn; truyền thông và văn hóa doanh nghiệp; đào tạo;… đều được triển khai đồng bộ, tích cực trong toàn Tập đoàn.
Ngoài ra, công tác quản trị đầu tư trong toàn Tập đoàn cũng đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đặc biệt, các dự án phát triển mỏ như BK-18A, BK-19 đã và đang được triển khai tích cực, vượt tiến độ đề ra. Dự kiến hai công trình này sẽ về đích đồng thời và sẽ đón dòng dầu đầu tiên trong vài ngày tới. Petrovietnam cũng tiếp tục tập trung mọi nguồn lực để sớm đưa vào vận hành các dự án NMNĐ Sông Hậu 1, Thái Bình 2, trong đó dự kiến đưa vào vận hành thương mại Tổ máy số 1 dự án NMNĐ Sông Hậu 1 trong tháng 11/2021.
Ứng phó linh hoạt cùng các giải pháp dài hơi hậu COVID-19
Trong thời gian tới, với những điều kiện mới, các doanh nghiệp dầu khí cần chủ động có kế hoạch và phương án tối ưu nhất để xử lý khó khăn, sớm đưa các dự án vào khai thác. Trong giai đoạn “bình thường mới”, các doanh nghiệp không chủ quan với công tác phòng chống dịch COVID-19, cần tiếp tục tích cực triển khai các giải pháp kiểm soát dịch, tuân thủ 5K, tiêm chủng, giữ an toàn sản xuất, an toàn cho người lao động, đảm bảo nhịp độ SXKD; chuẩn bị các nguồn lực cần thiết để tận dụng các cơ hội thị trường trong lĩnh vực dịch vụ dầu khí thời gian tới.
Đồng thời, tập trung các giải pháp quản trị, an toàn kỹ thuật để gia tăng sản lượng khai thác, tăng công suất sản xuất các sản phẩm dầu khí để giảm sức ép đối với hàng nhập khẩu và phối hợp tốt với các đơn vị phân phối để giữ vững thị trường, bảo vệ nguồn thu nhằm đóng góp cao nhất cho NSNN; qua đó thể hiện tình cảm, trách nhiệm với đất nước trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
Theo nhiều chuyên gia, các doanh nghiệp cần tiếp tục đánh giá, cập nhật tình hình vĩ mô, thị trường, diễn biến chính sách tài khóa, tiền tệ, đặc biệt là khả năng lạm phát được dự báo ở mức cao để kiểm soát tốt nguồn lực tài chính, giải ngân vốn đầu tư, cũng như điều hành hoạt động SXKD; đánh giá tác động khủng hoảng năng lượng, cả về tích cực và tiêu cực để có giải pháp ứng phó.
Bên cạnh đó, các đơn vị vẫn triển khai hiệu quả, đưa các chuỗi giá trị vào thực tiễn nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh; triển khai tốt quản trị danh mục đầu tư, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án.
Trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh và giá dầu khó lường như hiện nay, bên cạnh sự chủ động nắm bắt tình hình, triển khai đồng bộ các giải pháp, các doanh nghiệp dầu khí cũng rất cần có cơ chế đặc biệt để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đồng thời nắm bắt cơ hội xuất hiện, từ đó vượt qua thách thức trong thời điểm hiện tại.
Ðó là cơ chế kiểm soát, quản trị rủi ro, phương châm hành động thật nhanh, nghĩ thật nhanh để có thể đáp ứng yêu cầu giải quyết công việc, điều hành sản xuất - kinh doanh vào giai đoạn đặc biệt khó khăn này.
Những thay đổi về mặt cơ chế, chính sách quản lý mang tính chiến lược đối với các doanh nghiệp dầu khí, sẽ tác động quan trọng đến đóng góp của ngành dầu khí vào ngân sách Nhà nước, cũng như tác động đến việc tạo nền tảng cho các ngành, lĩnh vực khác phát triển, đồng thời đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NĐ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)