Chánh án Lương Xuân Lộc: Xét xử trực tuyến có rất nhiều ưu điểm
Tòa án địa phương - Ngày đăng : 07:24, 07/11/2021
PV: Thưa Chánh án, TANDTC đang dự thảo Quy chế tổ chức phiên tòa, phiên họp trực tuyến để kịp thời đáp ứng với yêu cầu thực tiễn cũng như bắt kịp với xu thế quốc tế trong thời đại công nghệ. Vậy, theo Chánh án, Tòa án các cấp cần chuẩn bị những gì để đáp ứng cho các phiên tòa xét xử trực tuyến?
Chánh án Lương Xuân Lộc: Việc ứng dụng CNTT trong hoạt động Tòa án và tổ chức phiên tòa trực tuyến là một xu thế tất yếu trên thế giới, đây là bước tiến cụ thể nhằm hướng tới thực hiện mô hình “Toà án điện tử”, chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư theo tinh thần Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị.
Để đáp ứng cho các phiên tòa xét xử trực tuyến, theo chúng tôi cần đầy đủ 04 yếu tố bao gồm: Phần cứng, phần mềm, đường truyền mạng và yếu tố con người. Từ kinh nghiệm của Bắc Giang đã nhiều lần tổ chức hội nghị trực tuyến, phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến cho thấy, cần phải có hệ thống trang thiết bị hiện đại, cấu hình cao, chất lượng tốt, có đường truyền Internet chất lượng cao, phần mềm thông minh, dễ sử dụng. Và quan trọng nhất là yếu tố con người, đội ngũ kỹ thuật viên phải chuyên nghiệp, các thẩm phán, thư ký, kiểm sát viên phải thành thạo kỹ năng ứng dụng CNTT.
PV: Xét xử trực tuyến bản chất là áp dụng công nghệ trong xét xử, đây là hình thức mới đối với Tòa án các cấp. Theo Chánh án, cần chuẩn bị như thế nào để trong quá trình xét xử đáp ứng được yêu cầu đề ra?
Chánh án Lương Xuân Lộc: Xét xử trực tuyến phụ thuộc nhiều vào công nghệ, không có công nghệ thông tin thì không thể xét xử trực tuyến. Do vậy, TAND tỉnh Bắc Giang đã chủ động đề xuất TANDTC và Tỉnh ủy bổ sung các trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật; thường xuyên đào tạo kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin thành thạo cho đội ngũ có chức danh tư pháp.
Để đảm bảo hiệu quả và mục đích đề ra, chúng tôi đã tổ chức nhiều hội nghị và phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến nhằm giúp Tòa án hai cấp và các cơ quan, đơn vị liên quan quen thuộc với việc ứng dụng CNTT.
Trong thời gian tới, chúng tôi dự kiến sẽ tổ chức một số phiên tòa trực tuyến giả định (thực hiện như một phiên tòa chính thức tuân theo các quy định tại dự thảo Thông tư liên tịch) để qua đó, sẵn sàng là đơn vị đầu tiên tổ chức phiên tòa trực tuyến; chuẩn bị với quyết tâm cao nhất, chu đáo nhất để đảm bảo phiên tòa chính thức diễn ra thành công theo chỉ đạo của đồng chí Chánh án TAND tối cao tại buổi làm việc với Tòa án hai cấp tỉnh Bắc Giang ngày 29/9/2021 vừa qua.
PV: Xin Chánh án cho biết, việc xét xử trực tuyến sẽ có những ưu điểm gì so với xét xử trực tiếp? Điều đó tác động ra sao tới quá trình nâng cao chất lượng và đổi mới công tác xét xử trong tương lai?
Chánh án Lương Xuân Lộc: Xét xử trực tuyến có rất nhiều ưu điểm so với xét xử trực tiếp, cụ thể đó là: Người dân sẽ không phải đi xa mất nhiều công sức và tiền của; quá trình xét xử không phải đối mặt trực tiếp với các đương sự khác giúp tránh nguy cơ xung đột, xô xát.
Các phiên tòa được ghi âm, ghi hình lại sẽ là căn cứ, chứng cứ điện tử được các đương sự sử dụng để tiếp tục chứng minh sự thật khách quan của vụ án. Các phiên tòa được tổ chức đúng thời gian quy định (không còn phải chờ đợi các bên tham gia đến muộn do trở ngại trong di chuyển).
Việc không tập trung đông người tại một phòng xử án giúp kiểm soát, phòng ngừa dịch bệnh, nhất trong hiện nay dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra hết sức nguy hiểm trên phạm vi toàn cầu. Xét xử trực tuyến giúp hình thành một phương thức tố tụng mới, qua đó đổi mới và nâng cao chất lượng công tác xét xử.
Mục đích cao nhất của xét xử trực tuyến chính là để phục vụ người dân tốt hơn nữa, góp phần xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp. Thông qua xét xử trực tuyến Hội đồng xét xử cũng sẽ phải chuyên nghiệp hơn, chất lượng công tác xét xử chắc chắn sẽ được nâng cao hơn.
PV: Trong phiên họp của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương mới đây, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã lưu ý, xét xử trực tuyến là hình thức mới, trước hết cần áp dụng thí điểm với một số vụ án dân sự, hành chính, thương mại. Theo Chánh án, TANDTC và Tòa án các cấp cần thể hiện sự phối hợp như thế nào trong Quy chế?
Chánh án Lương Xuân Lộc: Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, tại phiên họp thứ 13 của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương ngày 26/8, Tòa án nhân dân tối cao đã chủ trì, phối hợp cùng các cơ quan liên quan xây dựng dự thảo Thông tư liên tịch Quy định phối hợp trong việc thực hiện tổ chức phiên tòa trực tuyến.
Qua nghiên cứu dự thảo và theo dõi Quốc hội thảo luận tôi thấy dự thảo được xây dựng công phu, khoa học và toàn diện. Nội dung của dự thảo thể hiện rõ tinh thần thí điểm, thận trọng ở phạm vi mở phiên tòa (Điều 4), Điều kiện tổ chức phiên tòa trực tuyến (Điều 6). Không phải tất cả phiên tòa đều được xét xử trực tuyến mà chỉ những phiên tòa đáp ứng các điều kiện đặt ra hết sức chặt chẽ, chi tiết.
Quan điểm của chúng tôi hết sức ủng hộ việc xét xử trực tuyến và cũng rất đồng thuận với tinh thần vừa làm vừa rút kinh nghiệm, có rút kinh nghiệm qua từng vụ việc và sơ kết từng giai đoạn. Trong quá trình làm phải kịp thời báo cáo TANDTC có chỉ đạo, hướng dẫn giải quyết những vấn đề phát sinh; cần có sự phối hợp hết sức chặt chẽ giữa Tòa án địa phương và các cơ quan liên quan, với các đơn vị trực thuộc TANDTC.
PV: Xét xử trực tuyến mặc dù là cần thiết và là xu thế, nhưng các nhà chuyên môn và dư luận vẫn có những lo ngại về chất lượng hoạt động tư pháp, quyền và lợi ích của tổ chức và cá nhân. Chánh án có thể chia sẻ thêm về điều này?
Chánh án Lương Xuân Lộc: Xét xử trực tuyến sẽ tạo áp lực để người tiến hành tố tụng phải tự đổi mới, thích ứng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bởi quá trình xét xử chịu sự giám sát chặt chẽ, chi tiết hơn, mở rộng công khai, minh bạch hơn. Như đã phân tích về những ưu điểm và tác động của xét xử trực tuyến đối với quá trình nâng cao chất lượng, đổi mới xét xử, chúng tôi thấy xét xử trực tuyến sẽ giúp chất lượng hoạt động tư pháp cao hơn; bảo vệ tốt hơn các quyền và lợi ích của tổ chức và cá nhân.
Xin cảm ơn Chánh án!