Bé 8 tháng tuổi bị nhiễm trùng vì đắp lông động vật chữa bỏng

Sức khỏe - Ngày đăng : 13:53, 06/11/2021

Bị bỏng cháo, bé 8 tháng được gia đình đưa đến nhà thầy lang chữa mẹo bằng cách dùng lông động vật đắp lên vết bỏng.

Ngày 6/11, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết, đang điều trị cho bé T.A. (8 tháng tuổi, trú huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) bị bỏng cháo nóng từ trên ngực xuống bàn chân.

Trước đó, ngay sau khi bị bỏng, gia đình đã sơ cứu cho bé. Qua lời giới thiệu của hàng xóm, gia đình đưa bé tới thầy lang chữa mẹo bằng cách dùng lông động vật (phần nhiều là lông chó) đắp lên vết bỏng.

Sau bước điều trị của thầy lang, gia đình mới đưa bé T.A. nhập viện.

long2.jpeg
Lông động vật được đắp lên vết bỏng cho bệnh nhi. Ảnh: BVCC

Ngay khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ đã nhận định nguy cơ nhiễm trùng do sơ cứu phản khoa học mà bé đang phải áp dụng.

Bé T.A. khẩn trương được chuyển tới bồn tắm điều trị bỏng, trẻ được tắm nước ấm, sát khuẩn toàn thân. Từng mảng lông động vật đắp vết bỏng rất phản khoa học đã được các bác sĩ loại bỏ hoàn toàn khỏi cơ thể bé. 

Bác sĩ Đường Thị Hải Chi - Chuyên ngành ngoại bỏng, Khoa Chấn thương chỉnh hình - Bỏng cho biết, bệnh nhi bị bỏng cháo nóng 32% diện tích cơ thể độ II, III. Tiếp nhận cấp cứu bệnh nhi, các bác sĩ tiến hành truyền dịch, giảm đau và chuyển thẳng bệnh nhi tới phòng tắm điều trị bỏng.

Bệnh nhi đã được làm sạch toàn bộ lông động vật trên tổn thương bỏng, thay băng đắp thuốc điều trị bỏng, đề phòng nhiễm trùng vết thương bỏng.

"Tại thời điểm này, bệnh nhi vẫn đang sốt cao (39 độ C), chúng tôi duy trì hạ sốt, giảm đau, theo dõi bé. Hiện tại, bệnh viện chúng tôi đang tập trung các phương pháp điều trị, chăm sóc bệnh nhi bỏng chuẩn chỉ và khoa học nhất để cố gắng cứu sống bệnh nhi", bác sĩ Chi cho hay.

Theo các bác sĩ, bỏng là một tai nạn rất thường gặp trong cuộc sống hàng ngày, song bên cạnh các biện pháp dự phòng thì việc sơ cứu ban đầu cho nạn nhân là rất quan trọng và càng sớm càng tốt.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, không phải ai cũng biết cách sơ cứu khi bị bỏng, bởi nếu xử lý sai cách có thể khiến tổn thương tăng độ sâu, gây biến chứng nguy hiểm và mất rất nhiều thời gian cho việc điều trị, tốn kém tiền của, thậm chí dẫn đến tử vong.

Trong quá trình điều trị, bác sĩ Chi cho hay, không ít lần gặp phải các trường hợp bệnh nhân bị bỏng nhập viện với tình trạng nặng, thậm chí tử vong do sử dụng các phương pháp xử lý bỏng sai lầm, phản khoa học. Trong đó, lỗi sai khi sơ cứu phổ biến nhất mà nhiều người mắc phải đó là bôi nước mắm, kem đánh răng, trứng gà, sữa bột lên vùng bị bỏng; đắp hành tỏi, dầu mỡ... Nhiều trường hợp còn dùng viên đá lạnh để chườm trực tiếp lên vết bỏng, làm cho tổn thương trở nên nặng hơn.

Để phòng tránh tai nạn bỏng hiệu quả nhất thì việc nâng cao ý thức "phòng bệnh hơn chữa bệnh" từ mỗi cá nhân, gia đình là hết sức cần thiết, nhất là những gia đình có trẻ nhỏ. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cũng cần trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng cơ bản trong việc sơ cứu, xử lý vết bỏng đúng cách nhằm tránh những hậu quả đáng tiếc.

Chí Tâm