Bộ Ngoại giao thông tin về việc tàu Việt Nam bị tạm giữ ở Iran

Chính trị - Ngày đăng : 20:45, 04/11/2021

Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết, Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Việt Nam tại Iran sẽ tích cực theo dõi sát, thường xuyên làm việc với cơ quan chức năng Iran để nhanh chóng giải quyết vụ việc theo đúng quy định pháp luật.

Chiều 4/11, tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao diễn ra theo hình thức trực tuyến, trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến thông tin tàu Việt Nam bị phía Iran tạm giữ khi đang di chuyển trong Vịnh Oman, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết ngay sau khi nhận được thông tin, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã trao đổi với Đại sứ quán Iran tại Hà Nội.

Đồng thời, Đại sứ quán Việt Nam tại Iran cũng đã làm việc ngay với các cơ quan chức năng Iran để xác minh thông tin, sớm giải quyết vụ việc, đảm bảo an toàn và đối xử nhân đạo với các công dân Việt Nam.

"Ngày 27/10/2021, khi trao đổi với Đại sứ quán Việt Nam tại Iran, thuyền trưởng tàu MV Southys cho biết toàn bộ 26 thuyền viên Việt Nam được đối xử tốt, tình trạng sức khỏe bình thường.

Bộ Ngoại giao cũng đã liên hệ với Bộ Giao thông Vận tải để xác minh nhân thân của các thuyền viên, yêu cầu công ty chủ sở hữu và chủ tàu MV Southys bảo đảm quyền lợi của lao động Việt Nam ở nước ngoài," Phó Phát ngôn Phạm Thu Hằng nêu rõ.

Phó Phát ngôn Phạm Thu Hằng cho biết thêm Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Việt Nam tại Iran sẽ tích cực theo dõi sát, thường xuyên làm việc với cơ quan chức năng Iran để nhanh chóng giải quyết vụ việc theo đúng quy định pháp luật, đồng thời tiến hành biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam.

bo-ngoai-giao-thong-tin-viec-tau-ca-viet-nam-bi-tam-giu-o-iran.jpg
Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng

Liên quan thông tin ảnh vệ tinh cho thấy, đội tàu của Trung Quốc đang hiện diện trở lại trong cụm Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Phó Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nói rõ: “Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế, được hưởng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển của mình được xác lập phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982)”.

Việt Nam kiên quyết, kiên trì thực hiện các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế để bảo vệ các quyền hợp pháp và chính đáng đó.

Việc các tàu Trung Quốc hoạt động trong phạm vi lãnh hải Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, vi phạm các quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 UNCLOS 1982 và đi ngược lại tinh thần của Tuyên bố của các bên ở Biển Đông (DOC).

Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút tàu cá khỏi khu vực nói trên và tôn trọng chủ quyền của Việt Nam; thiện chí thực hiện Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982; nghiêm chỉnh tuân thủ DOC; tạo môi trường thuận lợi cho việc đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc; đóng góp vào việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và trật tự pháp lý trên biển tại khu vực.

Ngọc Mai