Vì sao không thể tiếp tục hạ lãi suất huy động?

Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 11:03, 04/11/2021

Theo nhiều chuyên gia ngân hàng, việc tiếp tục hạ lãi suất huy động để hạ lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn nữa, nhưng đến nay đã bắt đầu có dấu hiệu chạm ngưỡng bẫy thanh khoản.

Lãi suất có dấu hiệu chạm ngưỡng bẫy thanh khoản

Trong bản tin thị trường tiền tệ mới đây, Chứng khoán SSI cho biết mặt bằng lãi suất huy động và cho vay được các tổ chức tín dụng tiếp tục điều chỉnh giảm nhẹ trong quý IV/2021. Bởi đây là thời điểm thích hợp các gói hỗ trợ kinh tế của Chính phủ nên được triển khai nhằm kích cầu nền kinh tế, bao gồm các gói hỗ trợ tài khóa (giảm thuế, giảm phí, hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt, đẩy nhanh đầu tư công…) và tiền tệ (cắt giảm lãi suất điều hành, tăng hạn mức tín dụng, thực hiện gói cấp bù lãi suất…). 

ha-lai-suat-2.jpg
Lãi suất có dấu hiệu chạm ngưỡng bẫy thanh khoản.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, lãi suất huy động khó có thể giảm thêm. Theo các chuyên gia có 2 vấn đề khi đề cập đến giảm lãi suất. 

Một là, phần lớn ngân hàng không bao giờ nhìn vào việc hạ lãi suất tiền gửi để hạ lãi suất cho vay. Các ngân hàng hạ được lãi suất cho vay là do có CASA (dòng tiền gửi không kỳ hạn) lớn. Nhưng tình hình hiện tại đã có những thay đổi, dịch bệnh khiến dòng tiền kinh doanh của các tập đoàn lớn âm, thậm chí có một ít gửi tiết kiệm cũng chỉ là để duy trì bộ máy quản lý của công ty và luôn trong tình trạng tiền có thể rút bất kỳ lúc nào. Theo đó, CASA ở đa số ngân hàng sụt giảm mạnh, thậm chí cạn kiệt, trong khi đây là nguồn quan trọng để hạ được lãi suất cho vay.

Hai là, trong 2 năm trở lại đây, tốc độ tăng tiền gửi chậm lại, lý do của câu chuyện này là tiền để dành của dân chúng bị cạn kiệt (đây là lý do chính), tiền được dùng chi tiêu nhiều lên, trong khi khả năng kiếm được tiền ít đi, thậm chí có những lúc không làm ra tiền, nên nguồn tiền để dành ít đi. Ngoài ra, một bộ phận người dân có tiền để dành lớn đã rút tiền từ ngân hàng ra để kinh doanh chứng khoán, mua bất động sản… và thậm chí liên kết với nhau cùng đầu tư tài sản lớn.

Đây là những yếu tố liên quan mật thiết khiến lãi suất tiền gửi không thể hạ xuống, thậm chí, bắt đầu có dấu hiệu chạm ngưỡng bẫy thanh khoản. Lãi suất tiền gửi nếu thấp hơn nữa sẽ khiến người dân không gửi tiền tiết kiệm, đầu tư vào thị trường chứng khoán, bất động sản, vàng và thậm chí rút về để trong nhà. Vấn đề này đã từng được chúng tôi tính toán từ năm 2009 và xác định ngưỡng bẫy thanh khoản là lãi suất huy động trên dưới 3%/năm.

Theo đó, cho dù thanh khoản trên thị trường có dồi dào các ngân hàng cũng không dám hạ lãi suất huy động, mà chỉ dám hạ khi có một nguồn đầu vào lãi suất thấp hơn. Cụ thể, để hạ được lãi suất huy động, Ngân hàng Nhà nước cần cung ứng tiền vào thị trường tiếp, ví dụ như thông qua nghiệp vụ thị trường mở, mua vào trái phiếu của các ngân hàng thương mại…

Trước đó, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cũng cho rằng, bối cảnh hiện nay không thể tiếp tục giảm lãi suất huy động để giảm lãi suất cho vay. 

Ông phân tích, lạm phát hiện nay thấp, 9 tháng đầu năm chỉ 1,82%. Tuy nhiên tổ chức IMF đã dự báo khoảng 3%. Quốc hội thì đặt mục tiêu lạm phát dưới 4%. Lãi suất đầu vào tuỳ thuộc kỳ hạn, 1 tháng, 6 tháng, 9 tháng, 1 năm… có thể tạm tính bình quân là hiện khoảng 5-5,5%/năm. Nếu lạm phát khoảng 3% thì người gửi tiền mới thực dương. Vừa qua, lãi suất huy động chỉ giảm khoảng 1-1,5%/năm so với trước đây mà huy động vốn trong nền kinh tế đã giảm xuống, năm ngoái huy động dân cư chỉ tăng hơn 6%. Huy động cũng thấp hơn rất nhiều so với tín dụng.

"Vì vậy, không thể tiếp tục đặt ra câu chuyện tiếp tục giảm lãi suất đầu vào để giảm lãi suất đầu ra", Phó Thống đốc nhận định. Nếu huy động với lãi suất quá thấp thì người dân sẽ không gửi nữa mà đi mua nhà, mua vàng, có thể dẫn đến bất ổn. Muốn ổn định thì vẫn phải có nguồn tiền gửi để cho vay. Các ngân hàng thì chủ yếu đi vay từ người dân để có tiền cho vay ngược lại nền kinh tế. Do đó, phải duy trì được đầu vào, ổn định lãi suất, đảm bảo lợi ích người gửi tiền.

ha-lai-suat-1.jpg
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú.

Ở đầu cho vay ra, nếu cộng thêm 2-2,5% thì khoảng 8%/năm. Hiện nay, lãi suất cho vay bình quân cũng đã chỉ khoảng 6,5-8%/năm, với các công ty tài chính thì có thể cao hơn nhưng cũng thấp hơn rất nhiều so với tín dụng đen.

Do đó, Phó Thống đốc cho rằng, để giảm được lãi suất cho vay lúc này phụ thuộc vào 2 vấn đề. Thứ nhất là tiết giảm chi phí để có nguồn lực hỗ trợ. Thứ hai là cắt giảm lợi nhuận. Thời gian qua, NHNN đã chỉ đạo ngân hàng thương mại tiếp tục giảm lãi suất cho vay theo 2 hướng trên.

Có thể nói, năm nay, điều hành chính sách tiền tệ phải hết sức cẩn thận. Nếu chặt quá có thể cản trở sự phục hồi của nền kinh tế; nhưng nếu nới quá thì rủi ro tài chính, lạm phát cao lên. Rủi ro tài chính có thể thấy qua việc thời gian qua, lãi suất thấp, dòng tiền đã chuyển sang các kênh đầu tư khác là chứng khoán, bất động sản. Dù chưa có dấu hiệu bong bóng nhưng nếu hạ tiếp lãi suất thì rủi ro này là hiện hữu. Do vậy, theo tôi, tốt nhất là giữ mặt bằng lãi suất như hiện nay.

Cẩn trọng trong hạ lãi suất thời gian tới

Song hạ lãi suất huy động vào lúc này có thuận lợi ở chỗ, lạm phát thấp do vòng quay của tiền giảm là chính (do đứt gãy chuỗi cung ứng), đây là lý do có thể thay đổi rất nhanh khi chuỗi cung ứng được phục hồi, giá cả tăng lên, song đó chỉ là lợi thế nhất thời. Trong khi đó, hạ lãi suất có rủi ro về khả năng rơi vào bẫy thanh khoản như đã đề cập ở trên, bởi giới hạn lãi suất tiền gửi thấp sẽ khiến hành vi của người gửi tiền có thể thay đổi. Nói chung, người dân Việt Nam khá nhạy cảm với lãi suất tiền gửi.

Hạ lãi suất tiền gửi không thể hạ chủ quan bằng ý chí của ai đó hay là mệnh lệnh hành chính, mà phải bằng hành vi tiền tệ thực sự, đó là tăng cung tiền. Khi Ngân hàng Nhà nước tăng cung tiền, các ngân hàng thương mại có thanh khoản dồi dào, lãi suất thấp hơn thì mới giảm lãi suất tiền gửi xuống, mà vẫn đảm bảo được các chỉ tiêu an toàn, nhất là những ngân hàng nhỏ. Ngân hàng Nhà nước có thể tăng cung tiền bằng nghiệp vụ thị trường mở và như đã phân tích ở trên, trong điều kiện hiện tại, do vòng quay của tiền đang thấp, tác động của việc bơm tiền dẫn đến lạm phát không lớn nếu như mức tăng cung tiền vừa phải có thể kiểm soát được.

Trang Nhi