Tin vắn thế giới ngày 4/11: Mỹ đối mặt với mối đe dọa cực đoan trong nước tương đương với IS

Chuyển động - Ngày đăng : 07:29, 04/11/2021

Mỹ đối mặt với mối đe dọa cực đoan trong nước tương đương với IS; Hiệp định RCEP sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022; Israel xác định 5 loại protein trong virus SARS-CoV-2 gây tổn thương mạch máu… là tin tức thế giới đáng chú ý.

Mỹ đối mặt với mối đe dọa cực đoan trong nước tương đương với IS

Phát biểu tại Tiểu ban Tình báo Hạ viện Mỹ ngày 3/11, ông Timothy Langan, lãnh đạo bộ phận phản gián thuộc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), cho biết mối lo ngại đối với các phần tử cực đoan trong nước có động cơ chủng tộc đã khiến FBI phải nâng mối đe dọa này lên mức tương đương với mối đe dọa do các tay súng IS gây ra.

my-doi-mat-khung-bo.jpg
FBI nhận thấy sự gia tăng đáng kể mối đe dọa bạo lực từ những kẻ cực đoan trong nước trong 18 tháng qua.

Iran muốn hoàn tất thỏa thuận hạt nhân phiên bản mới vào tháng 3/2022

Mạng tin Oilprice dẫn nguồn tin ẩn danh là các quan chức kinh tế, chính trị có liên hệ với chính quyền Iran cho biết Tehran đang gửi thông điệp tới giới chức cấp cao của Ủy ban châu Âu (EC) về ý định sớm nối lại đàm phán để tái kích hoạt thỏa thuận hạt nhân JCPOA.

Một nguồn tin cho biết, lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei là người đứng sau sáng kiến mới này, một sáng kiến khởi nguồn từ thực trạng nền kinh tế Iran đang gặp khó khăn. “Mục tiêu đề ra là hoàn tất một phiên bản mới của Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA – gọi tắt là thỏa thuận hạt nhân Iran) vào cuối năm dương lịch của Iran (kết thúc ngày 20/3/2022), đi kèm đó là điều khoản Mỹ dỡ trừng phạt chống Tehran”, nguồn tin cho biết.

Hội nghị COP26: Liên minh tài chính cam kết đặt hành động vì khí hậu làm trọng tâm

Trong tuyên bố được đưa ra trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) tại Scotland, nhóm các tổ chức tài chính gồm khoảng 450 ngân hàng khẳng định sẽ thực hiện một cách công bằng phần trách nhiệm của ngành tài chính trong nỗ lực toàn cầu giảm thiểu sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Nhóm các công ty và ngân hàng tham gia cam kết nói trên có tổng giá trị vốn lên tới 130.000 tỷ USD (tương đương 40% vốn toàn cầu).

Hội nghị COP26: Anh cam kết 136 triệu USD hỗ trợ các nước đang phát triển

Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak ngày 3/11 cho biết Anh cam kết sẽ góp phần điều chỉnh hệ thống tài chính toàn cầu để hướng tới mục tiêu khí thải ròng bằng 0, khẳng định London sẽ cam kết 100 triệu bảng Anh (136,19 triệu USD) để giúp các các nước đang phát triển tiếp cận với các nguồn tài chính dễ dàng hơn.

Hiệp định RCEP sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022

Tính đến ngày 2/11, Ban thư ký ASEAN đã nhận được văn kiện phê chuẩn/chấp thuận (IOR/A) từ 6 quốc gia thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gồm Brunei, Campuchia, Lào, Singapore, Thái Lan và Việt Nam, cũng như từ 4 quốc gia ký kết khác gồm Australia, Trung Quốc, Nhật Bản và New Zealand.

Hội nghị COP26: Các nước giàu hỗ trợ Nam Phi chuyển sang nền kinh tế carbon thấp

Tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP26) tổ chức tại Glasgow, Anh, các nước giàu, ngày 2/11, trong đó có Anh, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã ký thỏa thuận với Nam Phi, trong đó cam kết dành ít nhất 8,5 tỷ USD cùng hỗ trợ kỹ thuật nhằm giúp quốc gia châu Phi này chuyển sang nền kinh tế carbon thấp.  

Nga khẳng định 'nghiêm túc' trong vấn đề khí hậu

Điện Kremlin ngày 3/11 đã bác bỏ các chỉ trích của Tổng thống Mỹ Joe Biden về việc Tổng thống Vladimir Putin đã không tham dự Hội nghị COP26. Moscow khẳng định nước này rất nghiêm túc về vấn đề biến đổi khí hậu.

Bồ Đào Nha sẽ tổ chức tổng tuyển cử trước thời hạn

Hội đồng Nhà nước của Bồ Đào Nha ngày 3/11 đã thông qua đề nghị của Tổng thống Marcelo Rebelo de Sousa giải tán Quốc hội nước này sau khi các nghị sĩ bác bỏ dự thảo ngân sách năm 2022 của chính phủ hồi tuần trước, qua đó mở đường cho một cuộc bầu cử trước thời hạn.

Israel xác định 5 loại protein trong virus SARS-CoV-2 gây tổn thương mạch máu

Một nhóm chuyên gia của trường Đại học Tel Aviv (Israel) ngày 3/11 thông báo đã xác định được một số loại protein khiến virus SARS-CoV-2 có khả năng gây tổn thương nghiêm trọng tới mạch máu, dẫn tới tỷ lệ tử vong cao đối với bệnh nhân mắc COVID-19.

Nghiên cứu do các chuyên gia của khoa Kỹ thuật Y sinh, trường Khoa học Thần kinh Sagol, khoa Khoa học Đời sống và trường Khoa học Máy tính Blavatnik – đều thuộc Đại học Tel Aviv - cùng một đối tác tại Viện Khoa học Đời sống thuộc Đại học Hebrew thực hiện. Kết quả của nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí eLife.

virus-sars-cov2.jpg
Ảnh minh họa

Trung Quốc: Đợt bùng phát mới đang lan rộng

Biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao đang hoành hành tại nhiều địa phương ở Trung Quốc, bất chấp các biện pháp chặt chẽ mà giới chức sở tại đã ban hành nhằm ngăn chặn dịch bệnh. Đến nay, số ca mắc COVID-19 đã được ghi nhận tại 19 trong số 31 tỉnh ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Chỉ riêng trong ngày 3/11, Trung Quốc thông báo có 93 ca mắc mới trong cộng đồng và 11 ca bệnh không triệu chứng.

Phát hiện kháng thể mới có tiềm năng trở thành phương pháp điều trị COVID-19

Các nhà khoa học tại Đại học Duke và Đại học North Carolina ở Chapel Hill, Mỹ, đã phát hiện kháng thể mới giúp giảm nguy cơ bệnh nặng khi nhiễm các chủng virus corona, trong đó có cả chủng gây bệnh COVID-19 và bệnh SARS. Kết quả nghiên cứu này đã được đăng tải trên tạp chí khoa học Science Translational Medicine số ra ngày 2/11.

WHO phê chuẩn sử dụng khẩn cấp vaccine COVID-19 Covaxin của Ấn Độ

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 3/11 đã phê duyệt sử dụng khẩn cấp đối với vaccine phòng COVID-10 có tên Covaxin của Ấn Độ. Đây là quyết định quan trọng mở ra triển vọng sử dụng Covaxin trên toàn cầu.

Đức cảnh báo đợt bùng phát diện rộng ở nhóm chưa tiêm phòng   

Đức đang trải qua một đợt bùng phát đại dịch "quy mô lớn" tác động chủ yếu tới những người chưa được tiêm vaccine ngừa COVID-19. Đây là cảnh báo được Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn đưa ra ngày 3/11 cùng với lời kêu gọi hành động mạnh mẽ hơn nhằm ngăn chặn các ca mắc mới tăng trở lại.

Mỹ bắt đầu tiêm vaccine cho trẻ em từ 5-11 tuổi

Mỹ đã bắt đầu triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi từ ngày 3/11. Ước tính có khoảng 28 triệu trẻ em ở độ tuổi này tại Mỹ đủ điều kiện tiêm chủng. Liều lượng vaccine tiêm cho trẻ em ở nhóm tuổi này (10 microgram) ít hơn so với liều lượng tiêm cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên (30 microgram).

Indonesia bắt đầu tiêm vaccine cho trẻ em từ 6-11 tuổi

Chính phủ Indonesia ngày 3/11 cho biết chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em từ 6-11 tuổi ở nước này sẽ bắt đầu từ các khu vực đã đạt được mục tiêu tiêm chủng của chính phủ.

Người phát ngôn Lực lượng đặc nhiệm xử lý COVID-19 thuộc Chính phủ Indonesia, Wiku Adisasmito nêu rõ các khu vực đạt chỉ tiêu hơn 70% dân số tiêm vaccine liều thứ nhất, 60% số người cao tuổi hoàn thành tiêm chủng, có thể tiến hành tiêm chủng cho trẻ em từ 6-11 tuổi.

Italy xem xét việc bắt buộc tiêm vaccine ngừa COVID-19

Khi chiến dịch tiêm chủng tại Italy chậm lại và các trường hợp mắc COVID-19 gia tăng, chính phủ đã thảo luận lại việc liệu có nên bắt buộc người dân phải tiêm vaccine để đáp ứng các mục tiêu tiêm chủng hay không.

Phát biểu trên truyền hình ngày 3/11 của Thứ trưởng Bộ Y tế Italy Andrea Costa nhấn mạnh rằng “tiêm chủng bắt buộc đối với một số loại bệnh hoàn toàn không phải là điều cấm kỵ và chúng tôi đã sẵn sàng xem xét điều đó”.

Philippines thúc các tỉnh đẩy nhanh tiêm phòng COVID-19

Ngày 3/11, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cảnh báo sẽ trừng phạt các quan chức chính quyền địa phương nếu họ chậm trễ trong việc đạt mục tiêu về tiêm phòng COVID-19. Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh Philippines đang tìm cách mở cửa nền kinh tế.

Malaysia: Gần 96% người trưởng thành hoàn thành tiêm chủng

Bộ Y tế Malaysia cho biết tính đến ngày 2/11, đã có 22.393.720 người trưởng thành, tương đương 95,7% dân số từ 18 tuổi trở lên, ở nước này hoàn thành chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19. Số người trưởng thành đã tiêm ít nhất một mũi vaccine là 22.8885.170 người, tương đương 97,8% dân số trưởng thành.

Nga: Moscow trở lại cuộc sống bình thường

Thị trưởng Thủ đô Moscow Sergey Sobyanin ngày 3/11 cho biết tình hình dịch bệnh COVID-19 tại thành phố đang dần ổn định và thành phố sẽ không kéo dài những ngày không làm việc kể từ ngày 8/11 tới.

Trước đó, Moscow quyết định áp dụng chương trình "những ngày không làm việc", theo đó người lao động vẫn được hưởng nguyên lương dù nghỉ làm từ ngày 28/10 đến hết ngày 7/11 để ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh.

Campuchia: Thủ đô Phnom Penh siết chặt lệnh cấm quán karaoke và câu lạc bộ giải trí

Ngày 3/11, Đô trưởng Phnom Penh Khuong Sreng yêu cầu giới chức 14 quận của thủ đô và lực lượng vũ trang thực hiện nghiêm các biện pháp cấm các quán karaoke và câu lạc bộ giải trí hoạt động trên địa bàn.

Canada và Cuba tiếp tục nới lỏng hạn chế với du khách quốc tế

Chính phủ Canada đã tiến thêm một bước nữa trong việc khôi phục ngành du lịch khi thông báo mở rộng danh sách các sân bay được tiếp nhận các chuyến bay quốc tế. Có thêm 8 sân bay sẽ bắt đầu đón khách quốc tế từ ngày 30/11, nâng tổng số sân bay của Canada mở cửa cho du khách toàn cầu lên 18 sân bay.

Bộ trưởng Giao thông Cuba Eduardo Rodriguez ngày 2/11 cho biết số chuyến bay quốc tế tới Cuba có thể tăng từ 63 chuyến/tuần hiện nay lên 400 chuyến/tuần vào giữa tháng 11 khi đảo quốc Caribê này nới lỏng các hạn chế do đại dịch.

Bộ trưởng Nội vụ Peru từ chức vì vi phạm quy định phòng chống dịch COVID-19

Bộ trưởng Nội vụ Peru Luis Barranzuela ngày 2/11 đã từ chức sau khi ông bị phanh phui tổ chức một bữa tiệc Halloween tại nhà riêng vi phạm các quy định của chính phủ về phòng chống dịch COVID-19.

LHQ lo ngại đại dịch COVID-19 làm tăng số ca mắc và tử vong vì HIV/AIDS

Giám đốc điều hành UNAIDS Winnie Byanyima đã bày tỏ lo ngại rằng khi thu thập đủ dữ liệu cho năm 2021, thế giới sẽ ghi nhận số ca nhiễm mới tăng vọt và trong vài năm tới số ca tử vong do HIV/AIDS sẽ tăng thêm. Tại nhiều nước, số người được tiếp cận các biện pháp phòng ngừa, xét nghiệm HIV/AIDS giảm dần, trong khi số người không được điều trị lại tăng lên

Dịch COVID-19 đã khiến các hệ thống y tế bị quá tải, buộc các chính phủ phải chuyển các nguồn lực eo hẹp sang ứng phó với đại dịch, trong khi các biện pháp ngăn dịch lây lan như lệnh phong tỏa, lại hạn chế việc tiếp cận các dịch vụ phòng và điều trị HIV/AIDS.

Chính phủ Ai Cập chuẩn bị chuyển trụ sở đến thủ đô hành chính mới

Tổng thống Ai Cập Abdel Fatah El-Sisi ngày 3/11 đã chỉ thị cho chính phủ nước này chuyển các văn phòng đến thủ đô hành chính mới từ tháng 12 tới và bắt đầu giai đoạn hoạt động thí điểm trong 6 tháng.

Thủ đô hành chính mới của Ai Cập, cách thủ đô Cairo 45 km về phía Đông, bắt đầu được xây dựng vào năm 2015 trên diện tích 714 km2, với tổng kinh phí khoảng 40 tỷ USD.

Tập đoàn bất động sản Evergrande nỗ lực giảm lo lắng của các nhà đầu tư

Tập đoàn bất động sản Evergrande của Trung Quốc ngày 3/11 cho biết đã bàn giao hơn 57.400 căn nhà cho người mua trong thời gian từ tháng 7-10 vừa qua nhằm giảm những lo ngại về nguy cơ vỡ nợ.

Thông báo trên mạng xã hội, Evergrande cho biết trong 4 tháng qua, công ty đã hoàn thiện và bàn giao 57.462 căn nhà mới cho bên mua. Các căn nhà này nằm trong 184 dự án khác nhau. Tuyên bố nêu rõ: "Việc đảm bảo bàn giao tài sản là ưu tiên hàng đầu của Evergrande vào lúc này".

Bạch Dương