Tiền kỹ thuật số quốc gia: Cần nghiên cứu thận trọng, dài hạn
Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 15:44, 03/11/2021
Tiền kỹ thuật số quốc gia phù hợp mô hình số hóa
Ngày 28/10, Chính phủ đã chính thức phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025. Trong đó có nội dung NHNN nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách về tiền kỹ thuật số quốc gia. Mục tiêu nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế với mức tăng trưởng cao, đưa việc sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong xã hội thành thói quen của người dân ở khu vực đô thị và từng bước phát triển ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; giảm chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt.
Trước đó, trong một báo cáo, PwC Việt Nam cho biết, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đảm nhận vai trò nghiên cứu và thí điểm sử dụng tiền kỹ thuật số, dựa trên công nghệ blockchain, trong vòng 3 năm tới. Trong bối cảnh Việt Nam đã liên tục thúc đẩy thanh toán điện tử từ năm 2018, tiền kỹ thuật số do Ngân hàng Trung ương phát hành (CBDC) sẽ đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái thanh toán không tiền mặt tại Việt Nam. Điều này cũng phù hợp Quyết định 942/QĐ-TTg ban hành ngày 15/6/2021 của Chính phủ, đề ra chiến lược phát triển và hướng tới chính phủ số.
Đồng CBDC thúc đẩy thanh toán, giao dịch không dùng tiền mặt và sự phát triển của dịch vụ thanh toán, tài chính hiện đại nhờ sự thuận tiện, an toàn, tin cậy cao, chi phí thấp, hạn chế rủi ro của việc dùng tiền mặt, với chi phí phát hành và lưu thông cao, rủi ro kiểm đếm, tiền giả, không đảm bảo tiêu chí xanh, thân thiện môi trường.
Ngoài ra, đồng CBDC còn nâng cao vị thế của đồng tiền pháp định trong nước, gia tăng sức mạnh khi được tương thích với các hệ thống thanh toán xuyên biên giới; hỗ trợ tích cực tăng trưởng kinh tế, thông qua thúc đẩy kinh tế số, thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, các mô hình kinh doanh trên nền tảng số, giao dịch số.
Đồng thời, đồng CBDC tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính đối với người dân và doanh nghiệp, qua đó góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện; góp phần tăng cường khả năng đối phó với các hoạt động phi pháp như rửa tiền, trốn thuế, tài trợ khủng bố, tham nhũng, hacker và tội phạm mạng nhờ tính minh bạch và công khai hơn.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam tiếp cận với tiền điện tử của Ngân hàng Trung ương. Quyết định 942/QĐ-TTg hứa hẹn sẽ nâng tầm vị thế của Việt Nam đối với các quốc gia có nền công nghệ tiên tiến khác. Đồng thời, quyết định này cũng cho thấy sự cam kết của Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng một xã hội không tiền mặt và nền kinh tế số mạnh mẽ trong tương lai.
Mặc dù luật pháp Việt Nam chưa công nhận tiền số là phương pháp thanh toán hợp pháp, đây chính là thời điểm thích hợp để khám phá xu hướng tất yếu này. Một ví dụ nổi bật có thể kể đến là chương trình hợp tác nghiên cứu về cơ sở pháp lý cho quản lý tiền ảo và tài sản ảo giữa NHNN, Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính. Những nỗ lực trên cho thấy Chính phủ Việt Nam đã có quan điểm cởi mở hơn về các loại tiền kỹ thuật số. Mặc dù chương trình thí điểm tiền kỹ thuật số vẫn chưa ấn định thời gian cụ thể, động thái của các nhà hoạch định chính sách tại Việt Nam sẽ là tâm điểm trong thời gian tới.
Thận trọng là cần thiết
Tất nhiên, bên cạnh những lợi ích, các chuyên gia cũng chỉ ra những rủi ro, thách thức khi triển khai tiền kỹ thuật số.
Đó là mức độ chấp nhận thấp do tâm lý, hiểu biết kỹ thuật chưa nhiều, hoặc những rủi ro ảnh hưởng uy tín đến các tổ chức tài chính, trung gian thanh toán khi lỗi, vi phạm xảy ra.
Bên cạnh đó là những rủi ro kỹ thuật và thách thức đối với điều hành của Ngân hàng Trung ương và các cơ quan quản lý, nhất là đối với giao dịch xuyên biên giới.
Một trong những yếu tố quan trọng nhất trong phát triển tiền kỹ thuật số cũng như các ví điện tử chính là vấn đề an toàn thông tin. Việc sử dụng tiền ảo dựa trên công nghệ blockchain đã hạn chế rất nhiều những lo ngại này nhưng theo Tiến sĩ Đặng Minh Tuấn, Việt Nam vẫn phải có những phương án cụ thể để đảm bảo an toàn thông tin bảo mật nếu khi phát triển ứng dụng tiền kỹ thuật số cho các hoạt động thanh toán.
Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn cần mở rộng hơn nữa hạ tầng Internet. Mặc dù độ phủ Internet ở Việt Nam hiện nay đã rất rộng đến các khu vực, vùng miền trên cả nước nhưng ở các vùng sâu, vùng xa vẫn còn hạn chế.
Nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng với bước đi phù hợp nhưng “cũng không nên quá bảo thủ, quá thận trọng đến mức cản trở tiến trình chuyển đổi số quốc gia”. Khi mở ra, tiền kỹ thuật số có thể sử dụng cho mọi giao dịch, nhưng nên bắt đầu bằng thí điểm giao dịch nhỏ lẻ ở một số thành phố, qua một số ngân hàng, rồi sau đó mới nhân rộng.
Theo các chuyên gia, việc Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Tư pháp, và các bộ ngành liên quan để rà soát đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều khoản liên quan đến thanh toán tại các văn bản Luật hiện hành (như Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Phòng, chống rửa tiền và các văn bản Luật khác có liên quan) là bước đi cẩn thận, đúng đắn.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành liên quan như Bộ Tài chính, NHNN nên chủ động tham gia vào các hoạt động của các NHTW, đặc biệt là việc thiết lập các tiêu chuẩn của tiền kỹ thuật số liên quan đến bảo vệ quyền riêng tư cá nhân, bảo vệ chống lại việc lạm dụng dữ liệu người dùng và đảm bảo các tiêu chuẩn toàn cầu về chống rửa tiền và chống tài trợ cho khủng bố; cần đẩy mạnh hoạt động học thuật chuyên sâu về tiền kỹ thuật số. Trong đó, cần cung cấp các khoản tài trợ cho các nghiên cứu về tài sản và tiền kỹ thuật số, bao gồm cả những nghiên cứu đánh giá tác động đối với chính sách tiền tệ, ổn định tài chính, thương mại bán lẻ, thương mại quốc tế, tiếp cận tài chính và bảo mật tài chính.
Ngoài ra, NHNN nên tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý cho lĩnh vực công nghệ ngân hàng, trong đó có công nghệ blockchain; xây dựng các quy định tiêu chuẩn cấp phép đối với các tổ chức, cá nhân trung gian tham gia cung cấp dịch vụ liên quan đến tiền kỹ thuật số. Tiếp đó, NHNN phát triển hệ thống thanh toán quốc gia đảm bảo hiệu quả và hạn chế rủi ro cho các giao dịch thanh toán xuyên biên giới liên quan đến tiền kỹ thuật số. Trong chừng mực nghiên cứu thí điểm, cần có lộ trình dài hơi và nên bắt đầu bằng thí điểm giao dịch nhỏ lẻ ở một số thành phố, qua một số ngân hàng, sau đó có những tổng kết, đánh giá rồi mới nhân rộng ra các lĩnh vực, địa phương khác.