Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Hà Nội thí điểm cách ly và điều trị F1, F0 tại nhà
Sức khỏe - Ngày đăng : 16:46, 02/11/2021
Ngày 2/11, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có buổi làm việc với TP Hà Nội về công tác phòng chống dịch Covid-19.
Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà cho biết, từ 11/10 đến 1/11, Hà Nội ghi nhận 442 ca mắc Covid-19. Trong đó, 103 ca ngoài cộng đồng, 270 ca tại khu cách ly, 48 ca tại khu phong tỏa, 21 ca nhập cảnh. Hiện nay, TP đã chỉ đạo áp dụng các biện pháp phòng chống dịch cấp độ 2.
Về công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19, Hà Nội cơ bản đã bao phủ tiêm vắc xin mũi 1, số lượng người tiêm đủ 2 mũi trong độ tuổi tiêm chủng là: 55,4%. Số người trên 50 tuổi tiêm mũi 2 là 45,9 %. Đến ngày 15/11, khoảng 1 triệu người trên 50 tuổi đến lịch tiêm trả mũi 2 và TP sẽ hoàn thành trong 5 ngày.
Từ tình hình thực tế, Hà Nội kiến nghị Chính phủ bố trí sớm, đủ vắc xin phòng Covid-19 cho TP là 4,4 triệu liều. Trong đó có 1,7 triệu liều vắc xin để tiêm cho trẻ em dưới 18 tuổi.
Liên quan đến việc tiêm trả mũi 2 cho người trên 50 tuổi, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, đến ngày 15/11 khoảng 1 triệu người trên 50 tuổi đến lịch tiêm trả mũi 2. Giám đốc Sở Y tế Hà Nội khẳng định, trong 5 ngày, đến ngày 20/11, TP sẽ hoàn thành tiêm trả mũi 2 vắc xin Covid-19 cho khoảng 1 triệu người trên 50 tuổi.
TP cũng đã kích hoạt 2.640 giường điều trị F0 tại 8 bệnh viện và 2 cơ sở điều trị; có phương án điều trị tại các bệnh viện và các cơ sở thu dung, điều trị F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ để có thể đáp ứng 22.100 giường điều trị. Đã triển khai và thi công xong hệ thống oxy tại 25 bệnh viện/3.200 đầu ra khí oxy đưa vào sử dụng ngay.
Trong khi đó, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Thế Cương cho biết, Hà Nội có hơn 2.800 trường học với xấp xỉ 2,1 triệu học sinh. Ngoài ra, còn có khoảng 1,1 triệu sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn. Qua điều tra xã hội học, có 78% phụ huynh mong muốn đưa con em trở lại trường, 32% phụ huynh còn băn khoăn vì học sinh chưa được tiêm vắc xin.
Trên cơ sở thực hiện tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em, thành phố sẽ thực hiện dần từng bước cho học sinh trở lại trường. Trước mắt, từ ngày 8/11, tại 18 huyện, thị xã sẽ cho học sinh các lớp đầu cấp và cuối các cấp học (các lớp 5, 6, 9, 10 và 12) học trực tiếp tại trường học. Từng trường học phải đánh giá an toàn theo 16 tiêu chí.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, TP luôn xác định phải chủ động một bước trong phòng, chống dịch, bảo vệ tuyệt đối an toàn cho Thủ đô. Hơn nữa, công tác phòng, chống dịch của Hà Nội có ảnh hưởng, tác động rất nhiều đến các tỉnh, TP khác.
Kinh nghiệm chống dịch vừa qua càng đặt ra yêu cầu cao hơn đối với Hà Nội, vì nếu để bùng phát dịch nặng như các tỉnh phía Nam, sẽ ảnh hưởng lớn đến nguồn lực quốc gia. Nên Hà Nội phải kiên trì xác định phòng, chống dịch ở mức độ cao hơn; vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, cầu thị, lắng nghe và chỉ đạo của Trung ương.
Theo Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, điều này càng cần thiết hơn trong bối cảnh hiện nay, khi nguy cơ dịch bệnh rất cao, đã có những khu vực dịch ngấm sâu trong cộng đồng như những ổ dịch phát hiện tại các huyện Hoài Đức, Quốc Oai, gần nhất là huyện Phú Xuyên. Nguy cơ do người về từ vùng dịch cũng rất cao, không chỉ là người về từ các tỉnh phía Nam mà ở các phía như trường hợp F0 ở huyện Mê Linh vừa qua là người về từ tỉnh Hà Giang.
Phó Bí thư Thành ủy đề nghị Bộ Y tế có hướng dẫn phù hợp với đặc thù đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM về tiêu chí đánh giá nguy cơ, cấp độ dịch. Ông đơn cử quận đông dân như Hoàng Mai, nếu áp tiêu chí như hiện nay, số ca mắc lớn, nguy cơ cao vẫn được coi là "vùng xanh".
Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, với đặc thù của đô thị lớn, việc Hà Nội giữ được tình hình như hiện nay là rất tốt. Tuy nhiên, TP phải rất cảnh giác, không được chủ quan, bởi thực tế cả nước cho thấy, dịch đã xâm nhập rất sâu trong cộng đồng. Hà Nội phải sẵn sàng các tình huống xấu hơn để có sự chuẩn bị cao hơn, không để bị động, bất ngờ. Các giải pháp phòng, chống dịch phải thống nhất. Đặc biệt, những nguyên tắc ban đầu trong phòng, chống dịch, gồm ngăn chặn, khoanh vùng, cách ly vẫn phải thực hiện, nhưng có sự điều chỉnh linh hoạt và sát thực tiễn.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị, bên cạnh các phương án đang triển khai, Hà Nội cần bổ sung các phương án khác, tiến hành tập dượt như thí điểm cách ly F1, điều trị tại nhà F0 có đủ điều kiện để xây dựng quy trình, tập huấn cho y tế tuyến dưới.
Về cung cấp vắc xin, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế bố trí đủ vắc xin để Hà Nội tiêm toàn bộ người trên 18 tuổi, kể cả người từ nơi khác đến. Đối với học sinh, tập trung trước một bước cho những nơi có dịch rất nặng trong thời gian vừa qua, kể cả những nơi liền kề Hà Nội.
Về vấn đề giáo dục, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, tinh thần là an toàn mới đi học, nhưng an toàn là kiểm soát được, bảo vệ được sức khỏe cho các cháu, cho cộng đồng, chứ an toàn không phải là không có học sinh nào nhiễm bệnh.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng phân tích, việc không được đến trường ảnh hưởng rất lớn đến học tập và tâm sinh lý của các cháu. Đây là nhu cầu không chỉ của học sinh, mà còn của gia đình, của lực lượng lao động trên địa bàn. Do vậy, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Hà Nội căn cứ thực tiễn, tiến hành mở dần, cần linh hoạt, không máy móc.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh quan điểm, đã sẵn sàng chấp nhận không "Zero Covid" thì cả hệ thống y tế phải sẵn sàng và nâng lên một bước so với trước đây. Vẫn phải xét nghiệm, khoanh vùng, nhưng làm khác trước và cố gắng không để bị động, bất ngờ.