Thạch Thất, Hà Nội: Đất đang tranh chấp, doanh nghiệp vẫn thi công san nền phân lô bán

Nhịp cầu Công lý - Ngày đăng : 09:34, 02/11/2021

Dự án đầu tư xây dựng Khu biệt thự, nhà vườn và thể thao giải trí tại xã Tiến Xuân, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình (nay là xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội) đã triển khai xây dựng hơn 10 năm qua. Đến nay có những vị trí đất vẫn đang tranh chấp, khiếu kiện kéo dài chưa có hồi kết, bởi người dân cho rằng dự án triển khai ngoài mốc giới được phê duyệt.
phan-dat-dang-tranh-chap..jpg

Ngày 17/10/2005, UBND tỉnh Hòa Bình ban hành Quyết định số: 2062/QĐ-UBND về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng khu biệt thự, nhà vườn và thể thao giải trí tại xã Tiến Xuân, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình (nay là xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội). Dự án có tổng mức đầu tư 304,8 tỷ. Tổng diện tích dự án là 45ha. Chủ đầu tư là Công ty TNHH Xuân Cầu (Công ty Xuân Cầu).

Quyết định nêu cụ thể, vị trí địa lý và giới hạn khu đất gồm: Phía bắc giáp đường gom thuộc cao tốc Láng – Hòa Lạc kéo dài theo quy hoạch; phía nam giáp khu vực núi cao, xóm Bãi Dài xã Tiến Xuân; phía đông giáp khu vực xóm Nhòn, đồi Gốc Thị, xã Tiến Xuân; phía Tây giáp khu đồi Gò Mẻ - Cầu Bãi Dài, xã Tiến Xuân.

Tiếp đó, ngày 5/12/2005 Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình có Quyết định 2480/QĐ-UBND về việc thu hồi đất giao Công ty Xuân Cầu xây dựng khu biệt thự, nhà vườn và thể thao giải trí. Ngày 14/12/2006, UBND huyện Lương Sơn ban hành Quyết định số: 1123/QĐ-UBND về việc thu hồi đất của các hộ gia đình, cá nhân thuộc xã Tiến Xuân để giao cho Công ty Xuân Cầu. Theo đó, thu hồi 211,586,6m2 đất các loại của 103 hộ gia đình, cá nhân thuộc 04 xóm (xóm Nhòn, Trại Mới, Gò Mè).

Từ quyết định này và các quyết định cưỡng chế thu hồi đất của các hộ dân sau đó đã dẫn đến khiếu kiện kéo dài ở địa phương đến nay chưa có hồi kết. Các hộ dân khiếu kiện ra tòa vì cho rằng chính quyền địa phương thu hồi đất không làm đúng thủ tục pháp luật quy định, và thu hồi đất ngoài dự án, ngoài mốc giới theo phê duyệt của UBND tỉnh Hòa Bình tại quyết định 2062/QĐ-UBND ngày 17/10/2005.

z2887628492908_7229d13b34f105936f23091cda875dfb.jpg
Phần đất đang tranh chấp.

Trong đơn thư gửi tòa soạn mới đây, bà Đinh Thị Chân Phương, (SN 1960, trú tại phố Tây Sơn, phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa, TP Hà Nội) cho biết: Cách đây 20 năm, thực hiện chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế trang trại, bà cùng chồng là Nguyễn Chi Phưởng có mua đất ở và đất trồng rừng tại thôn Trại Mới, xã Tiến Xuân, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình (nay là xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội) để kết hợp với nông dân tại xã Tiến Xuân làm kinh tế trang trại. Các thửa đất của gia đình đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), sau đó làm nhà, san lấp tạo mặt bằng, mua đất màu,… trồng cây lấy gỗ, cây ăn quả, cây bóng mát. Đặc biệt, gia đình trồng rất nhiều cây cảnh, cây bonsai và làm vườn ươm cây giống trên đất.

“Suốt từ năm 2001 đến năm 2007, gia đình sử dụng ổn định, không có tranh chấp với ai, thế nhưng từ khi có dự án Khu biệt thự nhà vườn và thể thao giải trí nay đổi thành tên thương mại là “Khu biệt thự Xanh Villas” đã gây ra nhiều bức xúc cho người dân kéo dài suốt từ năm 2006 đến nay. Đối chiếu với vị trí địa lý trong quyết định phê duyệt của tỉnh Hòa Bình và các quyết định sau đó, đất của gia đình chúng tôi thuộc thôn Trại Mới không nằm trong phạm vi của dự án. Nhưng không hiểu sao chính quyền huyện Lương Sơn và xã Tiến Xuân vẫn tổ chức cho cưỡng chế để giao đất cho Công ty Xuân Cầu làm dự án kinh doanh thương mại” – Bà Phương cho biết.

Ngày 30/5/2007, gia đình bà Phương nhận được quyết định cưỡng chế hành chính, giải phóng mặt bằng số 432/QĐ-UBND ngày 25/5/2007 của Chủ tịch UBND huyện Lương Sơn (Hòa Bình). Ngay sau khi nhận quyết định trên, gia đình bà lập tức gửi đơn đến Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình và chủ tịch UBND huyện Lương Sơn, khiếu nại về trình tự thủ tục tiến hành thu hồi đất, bởi gia đình chưa hề nhận được quyết định thu hồi đất, không biết gia đình bị thu hồi đất thửa nào mà đã có quyết định cưỡng chế. Nhưng, sáng ngày 7/6/2007, Hội đồng bồi thường GPMB vẫn tiến hành cưỡng chế.

Bà Đinh Thị Chân Phương phản ánh với phóng viên (ghi nhận ngày 20/7)

Đến nay đã trải qua bốn phiên tòa nhưng chưa có quyết định cuối cùng, hiện TAND tỉnh Hòa Bình đang thụ lý giải quyết. Bà Phương cho biết, thời gian qua Công ty Xuân Cầu vẫn tổ chức xây dựng trên đất đang tranh chấp. Hiện trạng ranh giới cũng chưa được làm rõ kể từ khi cưỡng chế, nhưng chủ đầu tư vẫn ngang nhiên huy động máy móc vào san ủi, xây tường rào lấn chiếm thêm rất nhiều vào đất của gia đình, thậm chí chặn cả lối đi của gia đình.

Trao đổi với phóng viên, bà Vũ Thị Tuyết (trú tại Cù Chính Lan, phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) cho biết, tại bản án hành chính phúc thẩm số 01/2012/HC-PT ngày 29/3/2012, TAND tỉnh Hòa Bình quyết định: “Hủy quyết định số 1142/QĐ-UBND ngày 22/8/2007 của Chủ tịch UBND huyện Lương Sơn về việc thực hiện biện pháp cưỡng chế giải phóng mặt bằng đối với hộ bà Vũ Thị Tuyết”. Thế nhưng, 9 năm qua kể từ khi bản án có hiệu lực, bà Tuyết vẫn chưa được nhận lại 21.163,1m2 đất tại xóm Nhòn, xã Tiến Xuân của mình. Ngược lại, hiện Công ty Xuân Cầu vẫn đang san ủi, phân lô trên khu đất của gia đình.

Ngoài ra, người dân cũng phản ánh, con đường dân sinh của xóm Trại Mới từ Đập Tràn vào khu đồi Thung Khoai cũng bị chủ đầu tư đào hào, rào chắn từ tháng 4/2014. Người dân đã có đơn kiến nghị và đã có nhiều cuộc họp tại UBND xã Tiến Xuân nhưng cho đến nay con đường này Công ty Xuân Cầu đang thi công san ủi để phân lô.

Phóng viên đã liên hệ, đặt lịch làm việc với UBND huyện Thạch Thất, Hà Nội để làm rõ việc doanh nghiệp đang triển khai dự án trên phần đất đang tranh chấp, nhưng đến nay chưa nhận được phản hồi. Về phía Sở Xây dựng TP Hà Nội, sau khi đặt lịch làm việc về nội dung doanh nghiệp triển khai dự án ngoài phạm vi cấp phép theo đơn thư phản ánh, ngày 29/10, chúng tôi được văn phòng Sở liên hệ và hướng dẫn qua Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội để làm rõ.

Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin.

Văn Hoàng