Tọa đàm về chế định Quản tài viên Hàn Quốc – Kinh nghiệm cho Việt Nam
Tiêu điểm - Ngày đăng : 21:01, 29/10/2021
Tham dự và chủ trì buổi Tọa đàm có đồng chí Nguyễn Văn Tiến, Phó Chánh án TANDTC; các đồng chí Phó Chánh án, Chánh án các Tòa chuyên trách của Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai, Hải Dương, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng – là những đơn vị có số lượng giải quyết yêu cầu phá sản nhiều nhất trong những năm qua.
Về phía Hàn Quốc có bà Han Mi Ra, Giám đốc quốc gia KOICA tại Việt Nam; ông Kim Tae Joon, Thẩm phán, Giám đốc Dự án của Hàn Quốc; Thẩm phán Chu Jin Suk (Nghiên cứu sinh Đại học Luật Hà Nội), cùng một số Thẩm phán tại điểm cầu Hàn Quốc.
Buổi tọa đàm cũng thu hút được sự quan tâm của nhiều Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký và Quản tài viên của một số tỉnh thành trong cả nước.
Phát biểu khai mạc buổi Toạ đàm, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến cho biết, Luật Phá sản năm 2014 có điểm mới quan trọng, có thể nói là một “cánh cửa” mới cho hoạt động tư pháp về các vấn đề phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã,... khi ghi nhận một chủ thể mới tham gia vào trình tự thủ tục phá sản là cá nhân hành nghề quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán trong quá trình giải quyết phá sản - Quản tài viên. Trên thế giới, nghề Quản tài viên đã hình thành và phát triển từ lâu đời nhưng ở Việt Nam thì đây là lần đầu tiên được ghi nhận.
Để Quản tài viên hoạt động có hiệu quả trên thực tế, qua đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Luật Phá sản năm 2014, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và bảo đảm môi trường pháp lý lành mạnh cho hoạt động kinh doanh hướng tới hội nhập quốc tế sâu, rộng, trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường tính minh bạch và nâng cao chất lượng xét xử tại Tòa án Việt Nam” do Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ, TANDTC đã mời các chuyên gia Hàn Quốc cùng nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm về những vấn đề liên quan đến phá sản nhằm hoàn thiện pháp luật phá sản nói chung và chế định Quản tài viên nói riêng.
Phó Chánh án Nguyễn Văn Tiến mong muốn thông qua buổi Tọa đàm sẽ nhận được nhiều ý kiến đóng góp cho Luật Phá sản (sửa đổi), đồng thời giúp TANDTC thu thập được những kinh nghiệm thực tiễn, qua đó nghiên cứu, tiếp thu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Phá sản với cơ quan có thẩm quyền mà TANDTC đang tiến hành.
Tại Tọa đàm, ông Kim Tae Joon, Thẩm phán, Giám dốc Dự án của Hàn Quốc đã giới thiệu về kết cấu và những quy định chung về Chế định viên Quản tài viên và Quyền bảo đảm trong thủ tục phá sản tại Hàn Quốc. Trong đó bao gồm: Điều kiện, Chỉ định, Thù lao; Tạm ứng chi phí phá sản và Thù lao cho Quản tài viên; Quyền bảo đảm trong thủ tục phá sản…
Thẩm phán Kim Tae Joon thông tin, tại Hàn Quốc, Tòa án chỉ định Quản tài viên và tiến hành quản lý, giám sát, phê duyệt đối với phần lớn các hoạt động của Quàn tài viên. Không có quy định pháp luật về Điều kiện bổ nhiệm Quản tài viên. Ngoài Tòa án, Bộ Tư pháp hoặc cơ quan nhà nước khác không can thiệp vào việc chỉ định và giám sát hoạt động của Quản tài viên...
Tiếp đó, đại diện Vụ Phá chế và Quản lý khoa học TANDTC trình bày các quy định về Chế định Quản tài viên theo Luật Phá sản Việt Nam như: Điều kiện hành nghề và đăng ký hành nghề, thanh lý tài sản phá sản; Chỉ định, thay đổi Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản; Nhiệm vụ, quyền hạn của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản; Quản lý, giám sát, hoạt động của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản; Chi phí Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản; Kiến nghị, đề xuất.
Đại diện Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học TANDTC cho biết, Chế định Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản quy định tại Luật phá sản 2014 là một trong những cải cách lớn nhất của pháp luật phá sản Việt Nam. Với việc thực hiện chế định Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản, việc giải quyết phá sản khắc phục được những khó khăn, vướng mắc trong cơ chế phối hợp, tính chất kiêm nhiệm của các thành viên trong Tổ quản lý, thanh lý tài sản theo quy định của Luật phá sản 2014.
Cải cách này nhằm đáp ứng yêu cầu về tính hiệu quả, kịp thời và chuyên nghiệp trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã bị mất khả năng thanh toán, phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước Việt Nam về xã hội hoá những hoạt động mang tính nghề nghiệp; đồng thời, phù hợp với thông lệ quốc tế; nhằm đạt mục tiêu của Luật Phá sản là nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những hậu quả do phá sản gây ra, bảo vệ quyên và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia quan hệ kinh tế trước những rủi ro trong kinh doanh và thông qua đó góp phần ổn định trật tự đời sống xã hội.
Tại phần thảo luận, các đại biểu đã chia sẻ, đóng góp ý kiến về các nội dung liên quan đến pháp lý cũng như hoạt động của Quản tài viên đối với vụ án phá sản tại Hàn Quốc và Việt Nam hiện nay. Nhiều ý kiến mang tính thực tiễn và ứng dụng cao của các khách mời từ các điểm cầu tại Hàn Quốc và Việt Nam.
Chia sẻ góc nhìn về thực tiễn Thi hành pháp Luật Phá sản, những vướng mắc, bất cập và một số giải pháp, ông Lê Hoàng Nhí (Luật sư – Quản tài viên – Trọng tài viên) đã có những đánh giá chung, chế định Quản tài viên có thể xem là bước đi bứt phá vượt bậc, phù hợp xu thế tư pháp quốc tế nhưng cũng khó khăn trong cả nội dung và trình tự thủ tục thực hiện. Từ chế định Quản tài viên theo Luật Phá sản năm 2014, hoạt động quản lý, thanh lý tài sản và đang giải quyết các vụ phá sản hiệu quả. Bên cạnh những thuận lợi và thành quả bước đầu đạt được, hoạt động này vẫn còn những khó khăn, vướng mắc gây ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả thực hiện vụ việc cũng như các nghiệp vụ liên quan.
Phát biểu kết luận Toạ đàm, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến nhấn mạnh, buổi Tọa đàm này là cơ hội để các đại biểu cùng nhau chia sẻ những thông tin, tham khảo kinh nghiệm của các chuyên gia Hàn Quốc trong hoạt động Quản tài viên. Cùng với đó, Tọa đàm đã trao đổi, làm rõ những khó khăn, vướng mắc, xử lý nhiều vấn đề xung quanh như: Xử lý tài sản bảo đảm; giải quyết vụ việc dân sự trong vụ việc phá sản; việc áp dụng pháp luật tố tụng dân sự...; chi trả chi phí cho Quản tài viên...
Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến cho rằng đây là những thông tin hết sức quan trọng và quý giá, giúp TANDTC có những đề xuất vào việc sửa đổi, bổ sung Luật Phá sản của Việt Nam sao cho phù hợp, và nhằm đẩy nhanh tiến độ, cũng như nâng cao chất lượng giải quyết các vụ án phá sản tại các Tòa án Việt Nam.
Thay mặt cho lãnh đạo TANDTC, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến đã gửi lời cảm ơn đến tất cả các vị khách mời đã đến tham dự và mong muốn tiếp tục có cơ hội hợp tác với các chuyên gia đến từ Hàn Quốc, tổ chức KOICA tại Việt Nam và các chuyên gia pháp luật vào các hoạt động hội thảo, tọa đàm khoa học do TANDTC tổ chức.
Đáp lại lời phát biểu, ông Kim Tae Joon, Giám dốc Dự án của Hàn Quốc bày tỏ sự đồng tình với kết luận của đại diện TANDTC, đồng thời đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam luôn cải thiện những chính sách, cũng như mong muốn trong tương lai làm sao để chế định phá sản nói chung và chế định Quản tài viên nói riêng sẽ được tốt hơn, qua đó phục vụ cho việc thúc đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ việc phá sản.