Chủ tịch nước dự phiên thảo luận mở cấp cao về Hợp tác giữa Liên hợp quốc và Liên minh châu Phi
Chính trị - Ngày đăng : 08:14, 28/10/2021
Nhận lời mời của Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta, Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tháng 10/2021, tối nay (28/10), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự và phát biểu tại phiên Thảo luận mở Cấp cao trực tuyến về Hợp tác giữa Liên hợp quốc và Liên minh châu Phi với chủ đề: “Tăng cường đoàn kết vì hòa bình và an ninh trong một môi trường xung đột đang thay đổi.”
Cùng tham dự và phát biểu có Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres và các diễn giả quốc tế, các vị nguyên thủ, đại diện cấp cao của các nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và một số tổ chức khu vực.
Phiên họp là sự kiện chính ở cấp cao nhất do Kenya thúc đẩy trong tháng Chủ tịch với mục đích phân tích về các xu hướng, nguyên nhân của xung đột hiện nay ở châu Phi và trên toàn cầu; đánh giá các cơ chế hợp tác về hòa bình và an ninh hiện có, bàn thảo các biện pháp tăng cường hiệu quả và thúc đẩy cam kết mới trong việc triển khai các cơ chế này; đánh giá về các khía cạnh và quá trình triển khai mục tiêu “Giải pháp châu Phi cho các thách thức châu Phi.”
Cùng với đó, xác định các cách thức tăng cường hiệu quả hợp tác của cộng đồng quốc tế, khu vực và quốc gia trong ứng phó đại dịch COVID-19, tình trạng khủng hoảng kinh tế, các tình huống khẩn cấp về thời tiết và khủng hoảng nhân đạo; triển khai các cách thức sáng tạo để tăng cường quan hệ đối tác giữa Liên hợp quốc, Liên minh châu Phi và các tổ chức tiểu khu vực tại châu Phi.
Trong những năm qua, Việt Nam có quan hệ hữu nghị tốt đẹp với tất cả các nước châu Phi.
Mối quan hệ này dựa trên chính sách đoàn kết với các nước đấu tranh giải phóng dân tộc từ những năm 1950-1960, hợp tác dưới ngọn cờ phong trào không liên kết trong những năm 1970-1980 và chú trọng hợp tác kinh tế cùng phát triển từ những năm 90 của thế kỷ trước.
Bước sang thế kỷ XXI, hợp tác giữa Việt Nam và các nước trong châu lục này không ngừng được củng cố, phát triển và mở rộng, đạt được nhiều kết quả quan trọng trong tất cả các lĩnh vực chính trị-ngoại giao, quốc phòng-an ninh, thương mại, đầu tư, nông nghiệp, giáo dục-đào tạo...
Về chính trị-ngoại giao, các nước khu vực có chính sách đối ngoại tích cực đối với Việt Nam, coi trọng vị trí của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á và ở các tổ chức đa phương, sẵn sàng thúc đẩy hợp tác với Việt Nam.
Ở cấp độ song phương, trong giai đoạn 2010-2020, Việt Nam đã tích cực kiện toàn, thiết lập quan hệ ngoại giao với 4 nước châu Phi là Eswatini (2013), Comoros (2015), Liberia (2016) và Nam Sudan (2019), đưa tổng số quốc gia châu Phi mà Việt Nam có quan hệ ngoại giao chính thức đạt 54/55 nước.
Việt Nam đang hoàn tất việc ký thỏa thuận thiết lập quan hệ ngoại giao với nước châu Phi duy nhất còn lại là Malawi.
Về quan hệ ngoại giao ở cấp độ khu vực, Việt Nam lần đầu tiên tiếp xúc ở cấp cao với Liên minh châu Phi tháng 8/2018 và chính thức đề xuất thiết lập quan hệ với tổ chức lớn nhất châu lục này từ tháng 7/2020.
Hiện, Việt Nam đang tích cực vận động để Liên minh châu Phi và các nước thành viên chấp thuận đề nghị này nhằm tạo cơ chế hợp tác, phối hợp đồng bộ ở cấp độ khu vực với toàn bộ châu Phi, mở ra cơ hội hợp tác mới theo quy mô khối đầy triển vọng với khu vực rộng lớn 1,3 tỷ dân, đứng thứ hai thế giới chỉ sau Trung Quốc.
Về hợp tác tại các diễn đàn đa phương và các tổ chức quốc tế, Việt Nam và các nước châu Phi tích cực phối hợp, ủng hộ lẫn nhau.
Việt Nam luôn đồng hành cùng các nước châu Phi trong bảo vệ những giá trị cốt lõi vì hòa bình và phát triển, đề cao các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và tham gia giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến hòa bình, an ninh của châu Phi.
Việt Nam triển khai cơ chế hợp tác với châu Phi trên nhiều lĩnh vực, thể hiện qua Ủy ban hỗn hợp/Ủy ban liên chính phủ cấp Bộ trưởng hoặc Thứ trưởng với 12 nước, cơ chế Ủy ban Thương mại hỗn hợp cấp Thứ trưởng với hai nước hay Tham vấn chính trị cấp Thứ trưởng Ngoại giao với 13 nước.
Bên cạnh đó, Việt Nam triển khai một số cơ chế hợp tác ở cấp độ khu vực như Hội thảo Quốc tế Việt Nam-châu Phi cấp Bộ trưởng (2010), Hội nghị Đại sứ các nước Trung Đông-châu Phi (2019).
Trong hợp tác quốc phòng-an ninh, Việt Nam đã thiết lập cơ quan Tùy viên Quốc phòng và ký thỏa thuận hợp tác an ninh với một số nước châu Phi.
Đặc biệt, với tinh thần chủ động, tích cực và trách nhiệm, kể từ năm 2014, châu Phi là châu lục đầu tiên và duy nhất cho đến nay Việt Nam cử lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, đóng góp thiết thực vào nỗ lực kiến tạo hòa bình chung tại châu lục. 55 sỹ quan của Việt Nam đã được cử đến các Phái bộ của Liên hợp quốc ở Cộng hòa Trung Phi và Nam Sudan.
Việt Nam đã tham gia trong lĩnh vực quân y với mức độ Bệnh viện dã chiến cấp 2 (tháng 10/2018) và sẽ tham gia trong lĩnh vực công binh với mức độ Đội Công binh.
Đến nay, ba bệnh viện dã chiến cấp 2 đã sang làm nhiệm vụ tại Nam Sudan với sự tham gia của 189 cán bộ, nhân viên; trong khi đó, việc triển khai Đội Công binh tại khu vực Abyei thuộc Sudan và Nam Sudan đang bắt đầu được tiến hành.
Ở lĩnh vực hợp tác thương mại-đầu tư, Việt Nam tiếp tục duy trì và thúc đẩy quan hệ thương mại với tất cả 55 nước châu Phi và mạng lưới cơ quan đại diện thương vụ tại 5 nước gồm Ai Cập, Algeria, Morocco, Nam Phi và Nigieria.
Sau hơn 10 năm, tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam với các thị trường châu Phi tăng khoảng 2,5 lần, từ mức 2,5 tỷ USD (năm 2010) lên 7,1 tỷ USD năm 2019 và giảm nhẹ xuống 6,8 tỷ USD năm 2020 do tác động của COVID-19.
Những mặt hàng xuất khẩu chính sang châu Phi khá đa dạng, từ hàng công nghiệp như điện thoại di động và linh kiện, máy tính và linh kiện, hàng dệt may, giày dép; hàng nông nghiệp như gạo, càphê, hạt tiêu, cơm dừa, hạt điều nhân, hàng thủy sản đến hàng vật liệu xây dựng...
Về nhập khẩu, Việt Nam mua từ châu Phi chủ yếu là hàng nguyên liệu thô như điều thô, bông, gỗ, đồng, quặng, thức ăn gia súc, khí hóa lỏng...
Về lĩnh vực đầu tư, tính đến năm 2020 và 9 tháng năm 2021, Việt Nam đã đầu tư vào 12 nước châu Phi như Algeria, Cameroon, Burundi, Tanzania, Mozambique… với tổng số vốn gần 3 tỷ USD trong các lĩnh vực: thăm dò và khai thác dầu khí, viễn thông, thủy điện, sản xuất xi măng, chế biến gỗ, điều…
Ở chiều ngược lại, 22 nước châu Phi đã đầu tư vào Việt Nam với tổng số 420 dự án còn hiệu lực, trị giá gần 2,43 tỷ USD.
Ngoài ra, Việt Nam và các nước khu vực châu Phi còn triển khai nhiều chương trình hợp tác trên nhiều lĩnh vực khác như: Viễn thông, dầu khí, nông nghiệp, lao động/chuyên gia, văn hóa, giáo dục-đào tạo, giao thông-vận tải, khoa học-công nghệ, tư pháp…
Việc Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu tại phiên Thảo luận mở Cấp cao trực tuyến về Hợp tác giữa Liên hợp quốc và Liên minh châu Phi với chủ đề: “Tăng cường đoàn kết vì hòa bình và an ninh trong một môi trường xung đột đang thay đổi” nhằm khẳng định ở cấp cao nhất với cộng đồng quốc tế về đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước ta.
Cùng với đó, Việt Nam tiếp tục thể hiện sự quan tâm cao đối với vấn đề hợp tác giữa Liên hợp quốc và các tổ chức khu vực; khẳng định vai trò, đóng góp trách nhiệm trong lĩnh vực này, tiếp nối kết quả thành công đã đạt được trong tháng Việt Nam làm Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc - tháng 4/2021.
Đồng thời, Việt Nam thể hiện sự coi trọng và thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt với Liên minh châu Phi, các nước châu Phi và Kenya.
Liên minh châu Phi là một trong những tổ chức khu vực có nhiều hoạt động hợp tác nhất với Liên hợp quốc nói chung và Hội đồng Bảo an nói riêng, đặc biệt trong lĩnh vực hòa bình, an ninh.
Các vấn đề hòa bình, an ninh tại châu Phi trong nhiều năm qua luôn chiếm gần 60% số đề mục trong chương trình nghị sự của Hội đồng Bảo an.
Cơ quan này luôn dành nhiều quan tâm thảo luận về diễn biến tình hình, các chính sách, giải pháp giúp duy trì hòa bình, an ninh và ổn định tại châu Phi.
Từ năm 1992 đến nay, các cuộc thảo luận về hợp tác giữa Liên hợp quốc và Liên minh châu Phi chiếm gần 1/5 số cuộc thảo luận của Hội đồng Bảo an về hợp tác giữa Liên hợp quốc với các tổ chức khu vực.
Hội đồng Bảo an hiện đang triển khai nhiều Phái bộ gìn giữ hòa bình tại châu Phi, như là tại Cộng hòa Dân chủ Congo, Nam Sudan, Sudan, Somalia, Cộng hòa Trung Phi, Tây Sahara và Mali.
Hội đồng Bảo an đã thông qua 12 Nghị quyết nhằm thể chế hóa cơ chế hợp tác, trao đổi thường niên giữa Hội đồng Bảo an và Liên minh châu Phi về ngăn ngừa và quản lý xung đột, triển khai hoạt động của các Phái bộ chung giữa Liên hợp quốc-Liên minh châu Phi tại châu Phi.
Bên cạnh đó, Hội đồng Bảo an cũng triển khai nhiều tham vấn định kỳ về ngăn ngừa, quản lý xung đột; hoạt động của các phái bộ chung giữa Liên hợp quốc và Liên minh Châu Phi tại châu Phi.
Thời gian qua, bên cạnh những khó khăn kéo dài, một số nước châu Phi còn đứng trước những thách thức mới hoặc phức tạp hơn trước về an ninh, nhất là do hoạt động của các nhóm khủng bố, các nhóm vũ trang phi Nhà nước, ISIS mở rộng địa bàn (như tại Sahel, Somalia) hoặc do cạnh tranh chiến lược gia tăng tại một số địa bàn lớn, sự giảm cam kết hỗ trợ an ninh của một số nước lớn…
Trong bối cảnh đó, hai tổ chức đã cùng triển khai nhiều hoạt động trong lĩnh vực duy trì hòa bình và an ninh như: tại Somalia, Liên hợp quốc hỗ trợ hậu cần cho lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên minh châu Phi. Tại Guinea and Burkina Faso, hai tổ chức hợp tác trong tổ chức đối thoại hòa giải.
Liên hợp quốc và Liên minh châu Phi đã có nhiều văn kiện chung quan trọng như: Tuyên bố “Tăng cường hợp tác Liên minh châu Phi-Liên hợp quốc: Khung chương trình xây dựng năng lực 10 năm cho Liên minh châu Phi” (năm 2006); Cơ chế hợp tác khu vực (RCM), Hợp tác Liên minh châu Phi-Liên hợp quốc đối với Chương trình nghị sự của châu Phi về Hội nhập và Phát triển năm 2017-2027 (được thông qua vào tháng 11/2016); Khung hành động chung Liên hợp quốc-Liên minh châu Phi về tăng cường hợp tác trong vấn đề hòa bình và an ninh (tháng 4/2017); Khung triển khai chung Chương trình nghị sự 2063 và Chương trình nghị sự 2030 vì phát triển bền vững giữa Liên hợp quốc-Liên minh châu Phi.
Hợp tác của Liên hợp quốc và Liên minh châu Phi được thể hiện rõ thông qua một số cơ chế khác như: Các cuộc tham vấn chung thường niên giữa thành viên Hội đồng Bảo an và thành viên Hội đồng hòa bình và an ninh (ASPC) của Liên minh châu Phi (bắt đầu từ năm 2007); các cuộc họp Lực lượng chung Liên hợp quốc-Liên minh châu Phi; hợp tác hỗ trợ quá trình bầu cử tại châu Phi; hợp tác trong sáng kiến “Ngưng tiếng súng ở châu Phi” (Silencing the Guns in Africa).
Hợp tác giữa hai tổ chức này được thể chế hóa thông qua việc thành lập Văn phòng Liên hợp quốc tại Liên minh châu Phi năm 2010. Văn phòng này tập trung vào tăng cường quan hệ hợp tác chiến lược giữa hai tổ chức trong lĩnh vực hòa bình và an ninh, thông qua phân tích và giải quyết khủng hoảng; hỗ trợ trung gian hòa giải; tăng cường năng lực trong điều phối Phái bộ và quản lý các hoạt động gìn giữ hòa bình; tăng cường quan hệ giữa Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Hội đồng hòa bình và an ninh Liên minh châu Phi.