Việt Nam sẵn sàng trao đổi chứng nhận tiêm vaccine ngừa COVID-19 với các nước ASEAN

Chính trị - Ngày đăng : 11:26, 26/10/2021

Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt bộ tiêu chí về sử dụng hộ chiếu vaccine và sẵn sàng trao đổi công nhận chứng nhận tiêm vaccine ngừa COVID-19 với các nước ASEAN, trong đó có hình thức “chứng nhận số”, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định tại Hội nghị cấp cao Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 38 và 39 vừa khai mạc.
viet-nam-san-sang-trao-doi-cong-nhan-chung-nhan-so-tiem-vaccine-ngua-covid-19-voi-asean1.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị theo hình thức trực tuyến

Sáng nay (26/10), Hội nghị cấp cao Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 38 và 39 và các hội nghị liên quan đã khai mạc dưới sự chủ trì của Brunei- nước đang nắm giữ cương vị Chủ tịch luân phiên ASEAN.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự theo hình thức trực tuyến Hội nghị cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 38 (ASEAN 38) theo lời mời của Quốc vương Brunei Hasanal Bolkiah, Chủ tịch ASEAN năm 2021.

Tham dự các hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 38 và 39 cùng các hội nghị liên quan, kéo dài từ ngày 26-28/10, còn có sự góp mặt của lãnh đạo các đối tác đối thoại của ASEAN, gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Australia và Nga, cùng đại diện của các quốc gia khác.

Hội nghị với chủ đề "Chúng ta quan tâm, chúng ta sẵn sàng, chúng ta thịnh vượng", các hội nghị ASEAN dự kiến thảo luận một số vấn đề trong đó có tăng cường hơn nữa khả năng của Cộng đồng ASEAN hướng tới phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19, củng cố sự sẵn sàng của ASEAN trong việc giải quyết những thách thức chung, nắm bắt cơ hội mới để theo đuổi sự thịnh vượng chung; đồng thời duy trì hợp tác để đạt được những mục tiêu dài hạn của khu vực.

Hội nghị là dịp lãnh đạo các nước ASEAN trao đổi và chỉ đạo về chính sách, cũng như quyết định tất cả các vấn đề then chốt liên quan đến thực hiện các mục tiêu của ASEAN. Đây là sự kiện cấp cao và quan trọng nhất của ASEAN và là hoạt động đối ngoại đa phương chính thức có quy mô nhất trong năm 2021 mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự sau khi Ban Lãnh đạo mới được thành lập từ Đại hội XIII.

Đối với Việt Nam, Hội nghị là dịp tiếp tục khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng. Phát huy kết quả tốt đẹp của Nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020, ta tiếp tục tham gia chủ động, tích cực, đóng góp trách nhiệm vào công việc chung của ASEAN, phối hợp với Chủ tịch Brunei thúc đẩy các ưu tiên của ta trong năm ASEAN 2020 gắn với các ưu tiên của năm 2021, đặc biệt về ứng phó COVID-19 đánh giá triển khai Hiến chương ASEAN, xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025 và thúc đẩy vai trò của ASEAN trong hợp tác tiểu vùng.

Nhất trí thông qua Khung thỏa thuận Hành lang đi lại ASEAN

Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 38, Lãnh đạo các nước đã trao đổi về các nỗ lực xây dựng cộng đồng và ứng phó với dịch COVID-19.

Ứng phó COVID-19 và thúc đẩy phục hồi tiếp tục là ưu tiên và được các nước quan tâm thảo luận. Bày tỏ lo ngại trước những tác động tiêu cực đối với kinh tế-xã hội, các nước nhất trí giải pháp cấp bách hiện nay là cần nỗ lực triển khai tiêm chủng toàn dân, tăng cường hệ thống y tế công cộng, đẩy mạnh phục hồi kinh tế. Đồng thời, ASEAN cần tiếp tục nâng cao năng lực tự cường, tự chủ vaccine, đảm bảo sự tiếp cận đầy đủ và đồng đều cho người dân.

Các Lãnh đạo ghi nhận những tiến triển đạt được trong triển khai các sáng kiến ứng phó dịch COVID-19, trong đó có kế hoạch sử dụng 10,5 triệu USD từ Quỹ ASEAN ứng phó COVID-19 để mua vaccine cho các nước thành viên và phấn đấu có lô vaccine đầu tiên trong quý IV/2021 hoặc quý I/2022.

Ghi nhận tiến triển tích cực trong triển khai Khung phục hồi tổng thể ASEAN, các nước nhấn mạnh cần tiếp tục thúc đẩy triển khai các sáng kiến, đồng thời chú trọng tận dụng đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số làm đòn bẩy phục hồi.

Các Lãnh đạo đã nhất trí thông qua Khung thỏa thuận Hành lang đi lại ASEAN (ATCAF) nhằm tạo thuận lợi cho di chuyển thiết yếu trong khu vực, đồng thời tích cực xem xét khả năng công nhận lẫn nhau và áp dụng giấy chứng nhận tiêm vaccine điện tử cho người dân.

Các nước đề nghị cần sớm đưa Kho dự phòng vật tư y tế ASEAN và Trung tâm ASEAN ứng phó các tình huống y tế công cộng khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi (ACPHEED) đi vào vận hành hiệu quả, đáp ứng các tình huống khẩn cấp trong tương lai.

Các nước cũng cho rằng, ASEAN cần tích cực triển khai các nỗ lực nhằm khôi phục chuỗi cung ứng và dịch vụ bị gián đoạn, gỡ bỏ các rào cản thương mại và dành quan tâm đến các ngành nghề bị ảnh hưởng nhiều như du lịch. Việc sớm phê duyệt Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sẽ góp phần tích cực vào nỗ lực từng bước phục hồi tổng thể và bền vững tại khu vực.

viet-nam-san-sang-trao-doi-cong-nhan-chung-nhan-so-tiem-vaccine-ngua-covid-19-voi-asean.jpg
Thủ tướng: Chúng ta cần phải có thay đổi về nhận thức, buộc phải thích ứng, linh hoạt, an toàn trong trạng thái bình thường mới, cùng đoàn kết chung tay chống dịch bệnh

Hai trọng tâm mà ASEAN cần tập trung trong thời gian tới

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh các kết quả tích cực mà ASEAN đạt được qua một năm đầy khó khăn, thử thách. Chia sẻ ý kiến của Lãnh đạo các nước, Thủ tướng đề xuất hai trọng tâm mà ASEAN cần tập trung trong thời gian tới.

Thứ nhất, hai năm qua, thế giới và khu vực đã phải vật lộn với đại dịch COVID-19. Mặc dù rất hy vọng có ngày COVID-19 được loại trừ hoàn toàn song đến lúc này, chúng ta cần phải có thay đổi về nhận thức, buộc phải thích ứng, linh hoạt, an toàn trong trạng thái bình thường mới, cùng đoàn kết hơn nữa để chung tay chống dịch bệnh. Bởi vì, không có người dân nào an toàn khi vẫn còn người dân khác mắc COVID-19; không có quốc gia nào an toàn khi các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới vẫn còn phải chống dịch COVID-19.

Thủ tướng Việt Nam nêu rõ, tình hình biến đổi nhanh, khó lường đòi hỏi chúng ta phải điều chỉnh cách tiếp cận để quản lý sự thay đổi. Do đó, đã đến lúc ASEAN cần chuyển hướng sang chiến lược mới với cách tiếp cận toàn dân để thích ứng an toàn, ứng phó linh hoạt, kiểm soát hiệu quả đại dịch COVID-19, song song với đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Để thực hiện hiệu quả, chúng ta cần nâng cao hiệu quả các cơ chế phối hợp, nâng cao năng lực hệ thống y tế, chủ động về vaccine, thuốc điều trị và đề cao ý thức của nhân dân.

Khẳng định là một trong số các nước ASEAN đang đẩy mạnh nghiên cứu và chủ động sản xuất vaccine, Thủ tướng đề nghị sớm chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, thuốc điều trị COVID-19, hình thành chuỗi cung ứng tự chủ của khu vực. Có thể cân nhắc dùng Quỹ ứng phó COVID-19 của các nước ASEAN hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu, phát triển, bào chế thuốc và vaccine.

Nhân dịp này, Thủ tướng công bố danh mục trang thiết bị y tế trị giá nhiều triệu đôla Mỹ của Việt Nam đóng góp cho Kho dự phòng vật tư y tế ASEAN, sẵn sàng điều chuyển đến các nước khi có nhu cầu.

Việt Nam cho rằng người dân và doanh nghiệp vừa là trung tâm vừa là chủ thể trong nỗ lực ứng phó dịch bệnh và cả trong phục hồi kinh tế và phát triển kinh tế-xã hội. Mọi chính sách đều hướng đến người dân và doanh nghiệp; người dân và doanh nghiệp cũng phải vừa là chủ thể, vừa là trung tâm để tham gia có trách nhiệm trong tiến trình này.

Với tinh thần “lợi ích thì hài hòa, rủi ro thì chia sẻ,” chúng ta cần tích cực tháo gỡ khó khăn do tác động của dịch bệnh, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp sớm phục hồi sản xuất kinh doanh, ổn định cuộc sống.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thỏa thuận Khung hành lang đi lại ASEAN vừa được thông qua rất có ý nghĩa, cần được tận dụng hiệu quả để tạo thuận lợi tối đa cho di chuyển thiết yếu trong khu vực. Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt bộ tiêu chí về sử dụng hộ chiếu vaccine và sẵn sàng trao đổi công nhận chứng nhận tiêm vaccine phòng ngừa COVID-19 với các nước ASEAN, trong đó có hình thức “chứng nhận số.”

Thứ hai, cùng với giữ vững thành quả đã đạt được, đẩy mạnh đà liên kết khu vực, xây dựng cộng đồng, cần định vị chỗ đứng mới của ASEAN trong tương quan các mối quan hệ kinh tế-chính trị đang tái định hình của thế giới. Cộng đồng ASEAN cần củng cố vai trò là hạt nhân của các tiến trình đối thoại, hợp tác và liên kết kinh tế đa phương, đa tầng nấc ở khu vực.

Để tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, nâng cao sức hấp dẫn của thị trường ASEAN và đẩy mạnh quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch, một số lợi thế cạnh tranh trước đây của ASEAN như nguồn nhân lực dồi dào, chi phí sản xuất thấp… sẽ cần được bồi đắp bằng các yếu tố mới như chuyển đổi số, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, công nghệ xanh, năng lượng tái tạo, nhân lực chất lượng cao…

Những tồn tại, hạn chế như khoảng cách phát triển, khả năng xử lý các thách thức xuyên quốc gia cần được khắc phục hiệu quả không để ảnh hưởng đến tiến trình liên kết ASEAN. Theo đó, Thủ tướng ủng hộ thông qua và triển khai sáng kiến về Đề cao Chủ nghĩa đa phương, Chiến lược tổng thể về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sáng kiến Lá chắn ASEAN và Tuyên bố của ASEAN gửi đến Hội nghị Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP) lần thứ 26.

Đồng thời, nhằm tiếp tục triển khai các ưu tiên của Việt Nam trong năm ASEAN 2020, trong đó có thúc đẩy hợp tác phát triển tiểu vùng gắn với tổng thể tiến trình phát triển chung của ASEAN, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thông báo kế hoạch tổ chức Diễn đàn ASEAN về Hợp tác tiểu vùng vì phát triển bền vững và tăng trưởng bao trùm vào ngày 30/11/2021 tại Hà Nội.

Kết thúc Hội nghị, Lãnh đạo các nước đã thông qua, ghi nhận và công bố nhiều văn kiện quan trọng như Tuyên bố Bandar Seri Begawan về Sáng kiến tổng thể kết nối các sáng kiến ASEAN về ứng phó với thảm hoạ và các tình huống khẩn cấp (ASEAN SHIELD), Tuyên bố của Lãnh đạo ASEAN về Đề cao chủ nghĩa đa phương, Tuyên bố của Lãnh đạo ASEAN về Kinh tế biển xanh, Tuyên bố của ASEAN gửi đến Hội nghị Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP) lần thứ 26, Quy chế hoạt động của Nhóm Đặc trách Cao cấp về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025 và Lộ trình, Chiến lược hợp nhất về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cho ASEAN

Xuân Lan