Bán “sim rác” bị phạt hành chính, cho thuê “sim rác” bị xử lý hình sự
Nhịp cầu Công lý - Ngày đăng : 07:39, 26/10/2021
14 người bị khởi tố vì… cho thuê “sim rác”
Một vụ án xảy ra tại tỉnh Yên Bái khiến dư luận ngỡ ngàng, bởi nếu đơn thuần chỉ là hành vi mua “sim rác” về rồi đăng tải lên internet để cho thuê cũng bị khởi tố, thì bất cứ ai thông qua môi trường mạng để kinh doanh sim cũng có thể vướng vòng lao lý!?
Cụ thể, vụ án bắt nguồn từ việc đối tượng Nguyễn Trung Tính (SN 2001, ở Quẽ Ngoài, xã Yên Thái, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) và Lý Trọng Thiên (SN 2001, ở ấp An Lạc Tây, xã Trung Hiếu, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) hack tài khoản Facebook để đòi tiền chuộc, lừa đảo bạn bè người thân của chủ tài khoản và bán tài khoản, bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Yên Bái đề nghị truy tố vào ngày 4/4/2021.
Quá trình mở rộng điều tra vụ án, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Yên Bái xác định để thực hiện hành vi phạm tội, 2 bị can nói trên đã thuê trực tuyến (Online) các số thuê bao điện thoại của nhiều nhà mạng khác nhau trên web https://rentcode.co và https://simthue.com. Trong đó, https://simthue.com. do Đỗ Quốc Cường (SN 1985, ở quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) là chủ còn https://rentcode.co do Trần Duy Dương (SN 1994, ở quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) là chủ.
Hình thức hoạt động của 2 web này nhằm mục đích thu tiền lợi nhuận từ khách hàng thuê sim ảo (sim trả trước đã kích hoạt của các nhà mạng Vinaphone, Mobifone, Vietnamobile, T-Telecom…) để nhận mã OTP, mục đích tạo lập các tài khoản trên các mạng xã hội. Cụ thể, đối với https://rentcode.co mỗi tin nhắn có giá từ 500 – 1.000 đồng, https://simthue.com. có giá từ 1.000-2.000 đồng.
Tại Kết luận điều tra số 39/KLĐT-CSHS ngày 9/7/2021 và Kết luận điều tra bổ sung số 59/KLĐT-CSHS ngày 8/10/2021, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Yên Bái dẫn kết luận giám định của Giám định viên Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Yên Bái cho rằng số điện thoại (số thuê bao viễn thông) là thông tin cá nhân. Và chỉ doanh nghiệp viễn thông mới được quyền cho thuê và thuê sim điện thoại gắn với việc bán lại dịch vụ viễn thông; việc cá nhân, tổ chức khác không phải là doanh nghiệp viễn thông thực hiện hành vi cho thuê sim điện thoại là hành vi vi phạm quy định tại khoản 3, Điều 12 Luật Viễn thông “… sử dụng trái phép tài nguyên viễn thông…”…
“Để các đối tượng áp dụng khoa học công nghệ, sử dụng các số sim trả trước đã được kích hoạt của các nhà mạng cho thuê online thu lợi số tiền lên đến hàng tỷ đồng trong một thời gian dài là do có sự buông lỏng trong công tác phát hành sim trả trước của các nhà mạng...”, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Yên Bái kết luận.
Từ đó cáo buộc và chuyển hồ sơ tới Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái, đề nghị truy tố 14 bị can gồm Trần Duy Dương, Đỗ Quốc Cường và những người thiết kế, bảo dưỡng web, chăm sóc khách hàng thuê sim, đảo sim,… cùng về tội “Đưa trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông” quy định tại Điều 288 Bộ luật Hình sự.
Quyết định tréo ngoe
Việc Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Yên Bái khởi tố, chuyển hồ sơ đề nghị truy tố 14 bị can vì cho thuê “sim rác” đang cho thấy một sự tréo ngoe, bởi theo Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông, “sim rác” là một khái niệm không rõ ràng, không có quy định định nghĩa, đây là cách nói “nôm” mà người dân và xã hội đề cập đến tình trạng sim có thông tin đăng ký không đúng quy định (có thông tin thuê bao không đầy đủ, không chính xác).
Các trường hợp mua bán, sử dụng sim thuê bao đã được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ để sử dụng cho bất kỳ mục đích gì đều là hành vi vi phạm pháp luật, song chỉ dừng lại ở xử phạt hành chính.
Cụ thể, theo điểm c khoản 11 Điều 1 Nghị định 49/2017/NĐ-CP nghiêm cấm hành vi “Mua bán, lưu thông trên thị trường sim thuê bao đã được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước”.
Khoản 7 Điều 33 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định chế tài “Phạt tiền từ 30– 40 triệu đồng” đối với hành vi “Bán, lưu thông trên thị trường sim thuê bao đã được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động cho sim thuê bao nhưng chưa thực hiện hoặc chưa hoàn thành việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung”.
Hiểu chưa đúng khái niệm?
Việc cơ quan CSĐT Công an tỉnh Yên Bái xử lý “tận gốc” vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản thể hiện quyết tâm cao trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, được dư luận đồng tình, đánh giá cao.
Tuy nhiên, việc khởi tố, đề nghị truy tố 14 bị can cho thuê “sim rác” với cáo buộc “Đưa trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông” đang gây nhiều tranh cãi, khiến dư luận ngỡ ngàng, cho rằng có việc hiểu chưa đúng khái niệm.
Cụ thể, trao đổi với phóng viên Báo Công lý, Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng luật sư Tinh Thông Luật cho biết, trong vụ án này, mấu chốt nằm ở 2 điểm: “Số điện thoại” có phải “thông tin cá nhân” và “cho thuê sim online” có phải là “sử dụng trái phép tài nguyên viễn thông”?
“Theo nội dung vụ án, các bị can đơn thuần chỉ đăng tải số điện thoại lên mạng để cho thuê lấy mã OTP kích hoạt tài khoản mạng xã hội. Đó là những “sim rác” có thông tin thuê bao không đầy đủ, không chính xác nên không thể gọi là “công khai hóa” “thông tin cá nhân” trên mạng máy tính, mạng viễn thông”.
Luật sư Diệp Năng Bình phân tích: “Số điện thoại chỉ là “thông tin cá nhân” khi gắn liền với thông tin của một cá nhân cụ thể, và sự gắn liền này cho phép xác định được danh tính của một người cụ thể. Nếu kết luận như Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Yên Bái, thì bất cứ ai vô tình đăng tải số điện thoại người khác lên mạng đều là “công khai hóa” “thông tin cá nhân”?.
Về nội dung “cho thuê sim online” có phải là “sử dụng trái phép tài nguyên viễn thông”? Luật sư Diệp Năng Bình cho rằng, “cho thuê sim online” chỉ là cách nói “cửa miệng” được sử dụng rộng rãi trên thị trường, còn bản chất của việc này là “cho thuê quyền sử dụng số điện thoại gắn liền với sim”. Bởi theo Luật Viễn thông, “số điện thoại” thuộc sở hữu chung của Nhà nước, của nhân dân. Sim chỉ là thiết bị vật lý gắn với một số điện thoại cụ thể.
Khi “số điện thoại” chưa được phân bổ cho các doanh nghiệp viễn thông, nó là tài nguyên viễn thông, thuộc sở hữu Nhà nước. Khi đã phân bổ cho Nhà mạng, số điện thoại thuộc “Quyền sử dụng” của Nhà mạng. Kể từ thời điểm này, pháp luật cho phép Nhà mạng được chuyển nhượng, cho thuê “Quyền sử dụng” số điện thoại. Khi nhà mạng cấp cho cá nhân và kích hoạt sử dụng, số điện thoại thuộc “Quyền sử dụng” của cá nhân. Tức cá nhân không những phải trả tiền để có được “Quyền sử dụng” số điện thoại, mà còn phải trả tiền cho Nhà mạng để sử dụng dịch vụ viễn thông phát sinh từ số điện thoại đó.
Theo Điều 158, Bộ luật dân sự 2015, “Quyền sở hữu” bao gồm “Quyền chiếm hữu”, “Quyền sử dụng” và “Quyền định đoạt”. Trong đó, “Quyền sử dụng” là quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản, quy định tại Điều 189, Bộ luật dân sự 2015. Vì pháp luật viễn thông chưa có quy định cụ thể về hoạt động “cho thuê” của người sở hữu “Quyền sử dụng” số điện thoại, do đó, việc cá nhân “cho thuê” này sẽ chịu sự điều chỉnh của pháp luật về dân sự - kinh doanh – thương mại có liên quan.
"Khi tôi mua một sim điện thoại, đúng nghĩa là mua "Quyền sử dụng" số điện thoại, thì nghiễm nhiên tôi có quyền chuyển nhượng, điều này pháp luật cho phép – tức thừa nhận quyền “định đoạt” của cá nhân đối với “Quyền sử dụng” số điện thoại. Như vậy, không thể có chuyện chuyển nhượng "Quyền sử dụng" thì được nhưng đăng tải lên mạng cho thuê "Quyền sử dụng" lại bị khởi tố”, Luật sư Diệp Năng Bình phân tích.
Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin.