Chống độc quyền, mở cửa cho khu vực tư nhân tham gia kinh doanh bảo hiểm

Chính trị - Ngày đăng : 19:56, 25/10/2021

Bổ sung nội dung về chống độc quyền trong kinh doanh bảo hiểm và cần cho phép  các cá nhân của Việt Nam kinh doanh trong lĩnh vực bảo hiểm là những ý kiến đáng lưu ý của các đại biểu Quốc hội tham gia thảo luận về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).
chong-doc-quyen-mo-cua-cho-khu-vua-tu-nhan-tham-gia-bao-hiem-2.jpg
Đại biểu Nguyễn Xuân Thắng (đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh)

Sáng 25/10, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Tán thành việc sửa đổi toàn diện luật sau 20 năm thực thi, tuy nhiên, các đại biểu đề nghị việc sửa đổi cần tháo gỡ những điểm nghẽn, vướng mắc, thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển bình đẳng, bền vững hơn.

Bổ sung quy định về chống độc quyền

Đại biểu Nguyễn Văn Quảng (đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng) tán thành việc sửa đổi một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm. Tuy nhiên, theo đại biểu, các hợp đồng bảo hiểm hiện nay gần như chuẩn bị sẵn quan hệ giữa người cung cấp dịch vụ bảo hiểm với người mua bảo hiểm; các điều khoản hợp đồng theo hướng có lợi cho người cung cấp bảo hiểm nên khi xảy ra các vụ việc bảo đảm quyền lợi cho người mua khó khăn do gặp phải các điều kiện, điều khoản hợp đồng bất lợi.

Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan thẩm tra cần có đánh giá và xây dựng theo hướng các điều luật khung; còn nội dung cụ thể phải để cho người mua bảo hiểm và người cung cấp bảo hiểm thỏa thuận với nhau.

Cùng quan điểm trên, đại biểu Trần Chí Cường (đoàn ĐBQH tỉnh Đà Nẵng) đề nghị quy định trong dự thảo luật sửa đổi phải bảo đảm cân bằng lợi ích giữa bên bán và bên mua; phải bình đẳng, minh bạch, công khai; quy định chặt chẽ, bảo đảm quyền lợi của khách hàng tham gia bảo hiểm.

E ngại có tình trạng độc quyền trong bảo hiểm, đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên) đề nghị quy định rõ, tránh tình trạng nhà cung cấp bảo hiểm cùng bắt tay nhau, nâng phí thu, giảm phí chi trả đối với những loại hình bảo hiểm khác nhau.

“Trong dự thảo luật này, chúng tôi thấy không có quy định nào liên quan đến việc chống độc quyền. Vì vậy, chúng tôi cũng đề xuất bổ sung nội dung về chống độc quyền này thành một điều khoản riêng hoặc đưa về các hành vi bị nghiêm cấm”, đại biểu Yên kiến nghị.

Cùng quan điểm song ở góc độ khác, nhấn mạnh về sự cần thiết của dự luật này, đại biểu Nguyễn Xuân Thắng (đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh) cho rằng, lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm có vai trò quan trọng, nhưng theo đại biểu Thắng, thực tế là hiện nay thị trường bảo hiểm này đang đứng trước thách thức, cạnh tranh lớn. Đó là các tập đoàn, công ty bảo hiểm lớn đến từ nhiều nước trên thế giới, đang thu hút nguồn lực rất lớn ở thị trường Việt Nam vì họ có bề dày kinh nghiệm, sản phẩm dịch vụ phong phú hấp dẫn nên người có tiền tham gia tích cực.

“Đây là vấn đề rất lớn cần phải suy nghĩ, nếu không cẩn thận, chúng ta có thể mất thị trường trong nước, giống như thị trường bán lẻ. Chúng ta phải nhìn nhận nghiêm túc để sửa luật cho đúng, thích ứng với những thay đổi hiện nay của đất nước”, đại biểu Nguyễn Xuân Thắng nêu rõ.

Quan tâm đặc biệt đến sự tham gia thị trường này của tư nhân, đại biểu Nguyễn Xuân Thắng đề nghị cần có sự chuẩn bị đầy đủ cơ sở pháp lý cho các cá nhân của Việt Nam kinh doanh trong lĩnh vực bảo hiểm.

Đặt vấn đề tại sao cho phép các công ty, tập đoàn nước ngoài kinh doanh trên thị trường Việt Nam, mà lại không có điều kiện để khuyến khích, mở cơ hội cho người Việt Nam tham gia lĩnh vực này, ông Thắng cũng cho rằng, nếu khéo tổ chức, thì đây sẽ là nguồn lực rất quan trọng để tái đầu tư phát triển KT-XH.

“Đã là kinh doanh thì phải mở cho các thành phần kinh tế cùng tham gia, cần cho cả khu vực tư nhân trong nước. Tôi rất muốn, tới đây sẽ có tập đoàn kinh doanh bảo hiểm của Việt Nam cạnh tranh được với các tập đoàn của thế giới”, đại biểu Nguyễn Xuân Thắng nêu quan điểm.

Bổ sung các khái niệm về "bảo hiểm qua biên giới"

Đại biểu Lê Thanh Phong, Chánh án TAND TP. HCM đưa ra ý kiến cần bổ sung Khoản 1 Điều 7 của Luật Kinh doanh bảo hiểm về những nguyên tắc cơ bản trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Theo đó, tổ chức, cá nhân Việt Nam có nhu cầu bảo hiểm chỉ được tham gia bảo hiểm tại doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động tại Việt Nam; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, người nước ngoài làm việc tại Việt Nam có nhu cầu bảo hiểm được lựa chọn tham gia bảo hiểm tại doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động tại Việt Nam hoặc sử dụng dịch vụ bảo hiểm qua biên giới.

chong-doc-quyen-mo-cua-cho-khu-vua-tu-nhan-tham-gia-bao-hiem-h1.jpg
Đại biểu  Quốc hội Lê Thanh Phong, Chánh án Toà án Nhân dân TP. Hồ Chí Minh phát biểu tại phiên thảo luận

Theo đại biểu Lê Thanh Phong, Điều 4 về giải thích từ ngữ thì không có khái niệm bảo hiểm qua biên giới, môi giới bảo hiểm qua biên giới, bán bảo hiểm qua biên giới. Do vậy, cần bổ sung các khái niệm bảo hiểm qua biên giới, môi giới bảo hiểm qua biên giới, bán bảo hiểm qua biên giới để phù hợp với thông lệ một số luật kinh doanh bảo hiểm trên thế giới và đảm bảo tính đồng bộ trong Luật Kinh doanh bảo hiểm giải quyết các vấn đề pháp lý phát sinh trong các trường hợp có liên quan bảo hiểm qua biên giới, môi giới bảo hiểm qua biên giới, bán bảo hiểm giới biên giới.

“Nếu bổ bổ sung vấn đề khái niệm bảo hiểm qua biên giới thì dự thảo Luật cần sung thêm các quy định liên quan nhằm bảo đảm tính pháp lý đồng bộ, nhất là việc chuyển ngoại tệ từ trong nước ra nước ngoài thanh toán phí bảo hiểm, tiền từ nước ngoài vào Việt Nam để thanh toán bồi thường tổn thất; điều kiện để hoạt động các dịch vụ bảo hiểm qua biên giới”, đại biểu Lê Thanh Phong nhấn mạnh.

Góp ý thêm về dự thảo dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, Luật Kinh doanh bảo hiểm cần phù hợp với môi trường không gian mạng, môi trường số, môi trường điện tử… Đây là cơ hội lớn để chúng ta tiếp cận với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và tiêu chuẩn quốc tế trong lĩnh vực, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói.

Liên quan đến nội dung quản trị kinh doanh bảo hiểm, Chủ tịch Quốc hội đề nghị đánh giá kỹ kết quả của đề án cơ cấu lại các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm để chúng ta làm sao có những quy định nâng chuẩn lên, không chấp nhận những doanh nghiệp bảo hiểm kinh doanh dưới chuẩn: Từ vốn cho đến các vấn đề quản trị… “Nhà nước không nên can thiệp quá sâu vào hoạt động quản trị của các doanh nghiệp bảo hiểm. Nên bảo đảm luật gốc là Luật doanh nghiệp”.

Nhóm PV