Quốc hội tiếp tục thảo luận về tổ chức phiên tòa trực tuyến
Chính trị - Ngày đăng : 08:08, 24/10/2021
Theo chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, hôm nay các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận trực tuyến về: Các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021; dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến.
Trước đó, ngày 23/10, các đại biểu Quốc hội cũng đã thảo luận những nội dung này. Theo đó, về các báo cáo định kỳ hàng năm, các đại biểu cơ bản tán thành và đánh giá cao những kết quả đã đạt được của cùng kỳ năm nay so với cùng kỳ năm trước; về những tiến bộ, hạn chế, tồn tại và nguyên nhân trong bối cảnh tình hình dịch bệnh của những tháng cuối năm. Các ý kiến nêu rõ, năm 2020 và 9 tháng đầu năm 2021 chúng ta bị tác động của đại dịch COVID-19 rất nặng nề, trong bối cảnh đó, Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ngành, đoàn thể và nhân dân đã triển khai thực hiện rất nhiều các hoạt động về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại an ninh quốc phòng và đạt được những kết quả quan trọng.
Bên cạnh đó, các đại biểu đề nghị Chính phủ cần phân tích, làm rõ những số liệu trên cơ sở so sánh với năm trước, từ đó xác định nguyên nhân chủ quan, khách quan để đánh giá thực chất hơn những kết quả đạt được và có giải pháp phù hợp nhằm hạn chế tối đa các tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra trong các báo cáo.
Về dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến, trình bày Tờ trình, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình nêu rõ, nhằm bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân, góp phần phòng chống dịch bệnh, ổn định trật tự an toàn xã hội, đồng thời bảo đảm công tác xét xử, giải quyết các vụ án được kịp thời, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và thực hiện chiến lược cải cách tư pháp theo các Nghị quyết của Đảng, các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, Tòa án Nhân dân tối cao đã nghiên cứu về tổ chức phiên tòa trực tuyến.
Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao cũng cho biết, các đạo luật hiện hành về tố tụng tư pháp (Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự và Luật Tố tụng hành chính) đã có một số quy định về tố tụng điện tử, tố tụng trực tuyến, tạo cơ sở bước đầu cho việc tổ chức phiên tòa trực tuyến. Bộ luật Tố tụng hình sự đã bổ sung quy định nguồn chứng cứ là dữ liệu điện tử, hỏi người làm chứng qua mạng máy tính, mạng viễn thông; Bộ luật Tố tụng dân sự và Luật Tố tụng hành chính đã cho phép thu thập chứng cứ là dữ liệu điện tử, thực hiện các thủ tục tố tụng cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng bằng phương tiện điện tử, khởi kiện đến Tòa án qua Cổng thông tin điện tử...
Để thực hiện kế hoạch xây dựng Tòa án điện tử, thời gian qua, Tòa án Nhân dân tối cao đã triển khai một số hoạt động như: Ban hành các nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động tố tụng điện tử; công khai bản án trên cổng thông tin điện tử của Tòa án, tổ chức các hội nghị trực tuyến; cung cấp một số dịch vụ tư pháp công trên nền tảng số,…
Quá trình nghiên cứu, tổ chức phiên tòa trực tuyến, Tòa án Nhân dân tối cao đã xin ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các Ủy ban của Quốc hội. Đảng đoàn Quốc hội cũng đã báo cáo xin chủ trương của Bộ Chính trị. Sau khi có chủ trương của các cấp có thẩm quyền, Tòa án Nhân dân tối cao đã phối hợp chặt chẽ với các Ủy ban của Quốc hội, với bộ, ban, ngành, tổ chức ở trung ương nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị quyết theo đúng trình tự, thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Liên quan vấn đề này các đại biểu cơ bản tán thành sự cần thiết tổ chức phiên tòa trực tuyến nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của Toà án trong công tác xét xử, bảo đảm thời hạn xét xử do luật định, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh; đồng thời cụ thể hóa việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác xét xử, hướng tới xây dựng Tòa án điện tử ở nước ta.
Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận về phạm vi, các nguyên tắc cơ bản của phiên tòa trực tuyến, một số yêu cầu khi tổ chức phiên tòa trực tuyến, đồng thời góp ý trực tiếp vào nội dung dự thảo Nghị quyết.
Nội dung cơ bản của dự thảo Nghị quyết quy định: Tòa án nhân dân tổ chức phiên tòa trực tuyến để xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm vụ án hình sự, dân sự và hành chính có tính chất, tình tiết đơn giản; tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng;
Phiên tòa trực tuyến là phiên tòa được tổ chức tại Phòng xử án, có sử dụng các thiết bị điện tử, liên kết với nhau thông qua môi trường mạng, cho phép bị cáo, bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng khác tham gia phiên tòa tại địa điểm khác do Tòa án quyết định, nhưng vẫn bảo đảm trực tiếp theo dõi đầy đủ hình ảnh, âm thanh và tham gia tất cả trình tự, thủ tục tố tụng của phiên tòa bằng lời nói, hành vi tố tụng trực diện, liên tục, công khai, có sự chứng kiến của các chủ thể vào cùng một thời điểm.