Phó Thủ tướng Lê Văn Thành: Tiếp tục duy trì và mở thêm các chuyến bay
Chính trị - Ngày đăng : 08:06, 21/10/2021
Tham dự có lãnh đạo các Bộ: GTVT, KH&ĐT, Công an, Công Thương, Y tế, Tài chính, NN&PTNT, TN&MT, Ngân hàng Nhà nước và 63 tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp tại các đầu cầu trực tuyến.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhắc lại cách đây một tháng (20/9), trước kiến nghị của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, doanh nghiệp FDI, ông đã chủ trì Hội nghị trực tuyến nhằm phục hồi sản xuất công nghiệp, trước hết là trong khu, cụm công nghiệp ở các địa phương; xác định rõ chủ thể để phục hồi sản xuất công nghiệp là các doanh nghiệp. “Và chủ thể đó có một điểm tựa, có đầu mối để vượt qua khó khăn là UBND các cấp. Cách thức mà Chính phủ đã gợi mở là các địa phương thành lập các ban chỉ đạo, các tổ công tác để hướng dẫn, giúp đỡ doanh nghiệp, lực lượng có vai trò quan trọng đối với phục hồi kinh tế”. Tại Hội nghị ngày 20/9 đó, Phó Thủ tướng đã khẳng định sẽ tổ chức định kỳ các cuộc họp như vậy để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cuộc họp hôm nay cũng là thực hiện cam kết này.
Cùng với đó ngày 8/10, Phó Thủ tướng chủ trì cuộc họp về phục hồi ngành hàng không và chỉ đạo Bộ GTVT thí điểm mở lại các đường bay, phục hồi các tuyến đường sắt, đường bộ. Tại cuộc họp đó, Phó Thủ tướng đã khẳng định, sau 10 ngày thí điểm, sẽ tổ chức họp để đánh giá xem có tiếp tục mở các chuyến bay hay không, “nếu chúng ta thấy không ổn thì dừng lại, thấy thành công thì tiếp tục, mở rộng thêm”.
Qua báo cáo, ý kiến phát biểu của các địa phương, Phó Thủ tướng cho rằng, bước đầu chúng ta đã đạt được kết quả, về phục hồi sản xuất và phục hồi lĩnh vực giao thông: Đường sắt, đường bộ, hàng không… Các địa phương đã chủ động vào cuộc tích cực triển khai, nhất là khôi phục sản xuất và giao thông vận tải. Nhiều địa phương đã thành lập các ban chỉ đạo, tổ chức gặp gỡ, hội nghị với doanh nghiệp. Với tinh thần đó, Phó Thủ tướng khẳng định, chúng ta quyết tâm hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của quý IV/2021.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất là đặc biệt quan trọng. “Các địa phương muốn phát triển thì phải sâu sát, là điểm tựa, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp”. Nếu không làm tốt việc này thì nơi đó phục hồi sẽ chậm, bởi doanh nghiệp không có điểm tựa thì phục hồi sản xuất sẽ chậm. Cụ thể như: việc huy động nhân lực thế nào, hay doanh nghiệp rất cần giúp đỡ trong phòng, chống dịch khi duy trì sản xuất. “Các địa phương cần rà soát lại và tăng cường thêm công tác này, đây là yếu tố quan trọng để phục hồi sản xuất”.
Nhấn mạnh chủ trương “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả COVID-19”, Phó Thủ tướng nêu rõ, tiếp tục duy trì và mở thêm các chuyến bay, bên cạnh đó, chỉnh sửa một số điều kiện phù hợp hơn với thực tế. Ngoài ra, duy trì tuyến đường sắt và đường bộ.
Bên cạnh phục hồi các tuyến giao thông, Phó Thủ tướng lưu ý, các địa phương phải chú trọng, tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là các địa phương “vùng xanh”. Phải phát hiện sớm, không để xảy ra ổ dịch. Phó Thủ tướng cho rằng, cần phát huy vai trò của ban chỉ đạo của các địa phương, nhất là hệ thống cơ sở, tổ giám sát COVID-19 cộng đồng ở trong tất cả các khu dân cư.
Các địa phương khẩn trương tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người lao động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp và lưu thông hàng hóa.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ GTVT rà soát lại khi có ý kiến địa phương cho rằng việc kiểm soát giao thông đường bộ chưa được chặt chẽ. Bộ GTVT khẩn trương hoàn thiện và ban hành kế hoạch khai thác vận tải hàng không và đường sắt trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Thực hiện nhất quán các quy định về vận tải hành khách trên toàn quốc.
Theo báo cáo tình hình thực hiện tổ chức hoạt động vận tải của Bộ GTVT, về sản lượng 9 tháng đầu năm 2021, vận tải hàng hóa vận chuyển đạt 114, 48 triệu tấn, bằng 94,4% so cùng kỳ năm 2020.
Về vận tải hành khách, đối với vận tải đường bộ, đến ngày 19/10, đã có 48 địa phương đồng ý cho thực hiện khôi phục hoạt động tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh bằng xe ô tô; 38 địa phương tổ chức khai thác với 793 tuyến đăng ký.
Đối với vận tải hàng không, có 4 hãng hàng không Việt Nam là Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways và Pacific Airlines đã thực hiện khai thác 17 đường bay/21 đường bay theo kế hoạch) đi/đến 17/22 cảng hàng không với 193 chuyến bay/tổng số 322 chuyến bay theo kế hoạch, đạt tỉ lệ xấp xỉ 60%; tổng số 12.905 hành khách được vận chuyển.
Đối với vận tải đường sắt, đã tổ chức chạy tàu trên tuyến Hà Nội-TPHCM với 2 đôi tàu/ngày đêm. Bình quân một chuyến có 603 hành khách/chuyến tàu. Công tác kiểm soát hành khách trên các chuyến tàu đều tuân thủ theo quy định. Tính đến thời điểm ngày 18/10, chưa phát hiện trường hợp nào dương tính với COVID-19.
Về kế hoạch vận tải hành khách hàng không trong thời gian tới, theo đề xuất của Bộ GTVT, áp dụng từ ngày 21/10 đến hết ngày 30/11. Cụ thể, đường bay Hà Nội-TPHCM và ngược lại: Không quá 6 chuyến hằng ngày mỗi chiều từ 21/10 đến 14/11 và không quá 7 chuyến hằng ngày mỗi chiều từ 15/11 đến 30/11.
Đường bay Hà Nội-Đà Nẵng và ngược lại: Không quá 6 chuyến hằng ngày mỗi chiều từ 21/10 đến 14/11 và không quá 7 chuyến hằng ngày mỗi chiều từ 15/11 đến 30/11.
Đường bay Đà Nẵng-TPHCM và ngược lại: Không quá 6 chuyến hằng ngày mỗi chiều từ 21/10 đến 14/11 và không quá 7 chuyến hằng ngày mỗi chiều từ 15/11 đến 30/11. Các đường bay khác: Không quá 4 chuyến hằng ngày mỗi chiều.