Ca ghép thận của lợn cho người đầu tiên trên thế giới
Sức khỏe - Ngày đăng : 21:22, 20/10/2021
Theo The New York Times, ca ghép tạng nói trên diễn ra tại Trung tâm y tế học thuật NYU Langone Health (trực thuộc ĐH New York) thành phố New York, Mỹ.
Con lợn có thận dùng trong ca phẫu thuật đã được chỉnh sửa gene để các mô của con vật không chứa phân tử có khả năng kích hoạt sự phản ứng thải ghép lập tức.
Người nhận thận là một bệnh nhân chết não có dấu hiệu rối loạn chức năng thận. Gia đình của nữ bệnh nhân này đã đồng ý thực hiện cuộc phẫu thuật thí nghiệm trên.
Theo TS Robert Montgomery - Giám đốc Viện cấy ghép Langone NYU, quả thận hoạt động bình thường sau ca phẫu thuật, tạo ra nước tiểu và chất cặn bã creatinine "gần như ngay lập tức".
"Ca phẫu thuật diễn ra thuận lợi hơn chúng tôi mong đợi. Nó giống với bất kỳ ca cấy ghép nào tôi từng thực hiện với người hiến tặng còn sống. Rất nhiều thận của người hiến đã qua đời không thể hoạt động ngay lập tức mà phải mất vài ngày hoặc vài tuần. Song (quả thận từ lợn) đã hiệu quả luôn", ông Montgomery nói.
Theo các chuyên gia, còn nhiều vấn đề cần được theo dõi, đánh giá để khẳng định sự thành công của kỹ thuật cấy ghép này, nhất là tuổi thọ của cơ quan được cấy ghép, vì cuộc phẫu thuật được tiến hành trên người nhận chết não và quá trình theo dõi chỉ kéo dài 54 giờ.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định đây vẫn là một bước tiến lớn về y học. Không chỉ dừng lại ở thận, kỹ thuật này còn mở ra tiềm năng có thể tạo ra các cơ quan thay thế khác từ lợn như tim, phổi, gan để phục vụ cho việc ghép tạng ở người. Từ đó, giúp cứu sống rất nhiều bệnh nhân phải ghép tạng để có thể duy trì sự sống.
Tại Mỹ, gần 107.000 người hiện đang chờ ghép nội tạng, trong đó có hơn 90.000 người đang chờ một quả thận. Thời gian chờ để được ghép một quả thận trung bình từ 3-5 năm.
Trong nhiều thập kỷ qua, các nhà khoa học đã nỗ lực nghiên cứu khả năng sử dụng nội tạng động vật để cấy ghép cho người, nhưng họ bị hạn chế vì khả năng đào thải "vật thể lạ" lập tức của cơ thể con người.